Những thành tựu về phát triển kinh tế trong những năm gần đây đã góp phần làm thay đổi căn bản cơ cấu tiêu dùng dân cư giới, hạn tiêu dùng cho tồn tại đang dần dần vượt qua để tiến tới tiêu dùng phát triển. Cơ cấu tiêu dùng trực tiếp sản phẩm nông nghiệp cũng đang chuyển dần từ tiêu dùng các sản phẩm thứ cấp, của trồng trọt như lương thực là chính sang tiêu dùng các sản phẩm cao cấp của ngành chăn nuôi như: thịt, trứng, sữa, thuỷ sản v.v…. Do vậy hiện tại và tương lai nhu cầu về các sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng lên nahnh chóng. Bên cạnh đó, nước ta cũng có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên tất cả các phương diện lấy thịt, trứng, sữa. Vì vậy mục tiêu phát triển chăn nuôi trở thành một ngành sản xuất chính độc lập trong nông nghiệp không khỉ là ước muốn mà là một mục tiêu phấn đầu có đầy tiềm năng và hiện thực.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, phát triển chăn nuôi nước ta trong thời gian tới cần chú ý tốt một số biện pháp cơ bản sau đây:
a- Xác định đúng vị thế, tiềm năng và thế mạnh của mỗi vùng để phát triển các hoạt động chăn nuôi phù hợp.
Vùng đồng bằng là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày và phù hợp với điều kiện phát triển nhiều loại cây thức ăn gia súc. Do vậy, phương hướng cơ bản của vùng đồng bằng là chăn nuôi lợn các loại, chăn nuôi gia cầm bán công nghiệp kết hợp chăn thả tự nhiên, chú trọng tới chăn nuôi gia cầm lấy trứng, đẩy mạnh phát triển đàn vịt, ngan để tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên. ở một số vùng đồng bằng cũng có thế mạnh trong chăn nuôi đại gia súc như chăn nuôi bò thịt, bò sữa.
Vùng ven đô thị và khu công nghiệp có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi rất lớn đồng thời có nhiều chế phụ phẩm và thức ăn công nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh các hình thức chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung theo phương thức chăn nuôi công nghiệp lấy thịt và trứng.
Khu vực trung du và miền núi là vùng có nhiều tiềm năng tự nhiên cho phát triển chăn nuôi như đồng cỏ, các nguồn thức ăn xanh, các sản phẩm trồng trọt, do vậy vùng này trước hết cần đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc như bò, ngựa, dê để khai thác khả năng phát triển thức ăn xanh, thức ăn tự nhiên, đồng thời cũng là loại hàng hoá có thể tự di chuyển trên điều kiện địa hình khó khăn, thiếu phương tiện giao thông. Phương hướng cơ bản của chăn nuôi đại gia súc ở vùng núi là chăn nuôi lấy thịt theo phương thức chăn thả tự nhiên kết hợp với các nguồn thức ăn được sản xuất theo qui hoạch. ở các vùng có điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh chăn nuôi lấy sữa, nhất là các vùng thuận tiện giao thông, thuận tiện chuyên chở sản phẩm sữa tươi về các thành phố và khu công nghiệp. Vùng trung du miền núi cũng cần được chú ý phát triển nuôi ong lấy mật và tiểu gia súc như dê, thỏ v.v…
b- Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.
Trước hết, cần đầu tư cho công tác nghiên cứu lai tạo, thích nghi các giống gia súc gia cầm có năng suất sản phẩm cao, thích nghi rộng rãi với các điều kiện chăn nuôi ở các vùng nước ta như chăn nuôi kết hợp chăn thả tự nhiên ở vùng trung du và miền núi, chăn nuôi bán công nghiệp ở vùng đồng bằng và chăn nuôi công nghiệp ở các vùng ven đô. Cần chú ý đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến tay người chăn nuôi để thay thế căn bản các kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống bằng các kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến.
c- Đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo nguồn thức ăn vững chắc cho chăn nuôi.
Để chăn nuôi có thể phát triển trở thành ngành sản xuất chính, độc lập thì cơ sở trước tiên là nguồn thức ăn phải được đảm bảo ổn định, vững chắc. Muốn vậy, hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi phải được qui hoạch phát triển thành một ngành sản xuất độc lập chứ không phải là nguồn thức ăn tận dụng hoặc phụ thuộc vào tự nhiên. Trong sản xuất ngành trồng trọt phải chú ý qui hoạch vùng trồng cây thức ăn gia súc, phải cải tạo và qui hoạch phát triển các đồng cỏ tự nhiên thành các khu chăn thả, vùng trồng cây thức ăn, thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển các cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp, thức ăn tổng hợp không chỉ cho chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp mà chế biến thức ăn tổng hợp cho cả chăn nuôi lợn, bò sữa theo phương thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp.
d- Làm tốt công tác thú y để đảm bảo phòng trừ dịch bệnh cho gia súc.
Do điều kiện tự nhiên và môi trường của nước ta có rất nhiều thuận lợi cho phát triển chăn nuôi nói chung, song khó khăn về dịch bệnh cũng rất lớn. Dịch bệnh gia súc có thể bùng phát và lan rộng trên nhiều vùng trong cả nước. Vì vậy công tác thú ý phải hết sức coi trọng có đủ phương tiện và thuốc thú ý để có thể phòng chống ngăn ngừa được dịch bệnh và có khả năng dập tắt dịch bệnh nhanh để hạn chế thiệt hại thấp nhất do dịch bệnh gây ra đối với ngành chăn nuôi. Vì vậy cần phải hiện đại hoá, tăng cường năng lực ngành thú y. Chủ động khống chế dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, quản lý hệ thống thuốc thú y đảm bảo phòng trừ dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho người, thực phẩm.
Để lại một bình luận