Dưới cơ chế mục tiêu lạm phát, mục tiêu hoạt động của CSTT của Thái Lan là lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất repo 1 ngày được chọn là chính sách định hướng mức lãi suất cho vay trên thị trường (việc cho vay và đi vay trên thị trường liên ngân hàng phải áp dụng lãi suất bám sát với lãi suất chính sách mà BOT công bố).
Cụ thể, BOT điều hành CSTT bằng việc tác động vào lãi suất tiền tệ ngắn hạn thông qua lãi suất chính sách – lãi suất repo (từ năm 2000 – 2006 là repo 14 ngày và từ năm 2007 đến nay chuyển thành repo 1 ngày). Theo đó, Ủy ban chính sách tiền tệ – The Monetary Policy Committee (MPC) sẽ phát ra tín hiệu về lập trường CSTT của mình thông qua thay đổi mức lãi suất chính sách chính này của mình.
Lãi suất cho vay liên ngân hàng BIBOR (Bangkok Interbank Offered Rate) được áp dụng như lãi suất tham chiếu ngắn hạn cho các giao dịch liên ngân hàng để giúp cho các tổ chức tài chính hoạt động trong TTTT liên ngân hàng giao dịch với mức lãi suất phù hợp phản ánh đúng tình hình thị trường tài chính trong nước và qua đó đảm bảo tính thanh khoản. Lãi suất này được tính toán trên mức lãi suất cho vay của 16 ngân hàng gồm 9 ngân hàng trong nước và 7 ngân hàng nước ngoài; trong đó loại bỏ lãi suất cao nhất và thấp nhất vào thời điểm 10.45-11.00 sáng (giờ Bangkok) hàng ngày. BIBOR sẽ tương đương với các mức lãi suất quốc tế bao gồm lãi suất liên ngân hàng Luân Đôn LIBOR và lãi suất liên ngân hàng Hồng Kông HIBOR (Hong Kong Interbank Offered Rate).
Sự ra đời của lãi suất BIBOR đã đánh dấu một bước phát triển mới, giúp: (i) Khuyến khích mở rộng các khoản vay có kỳ hạn trong TTTT liên ngân hàng trong nước để hệ thống ngân hàng đảm bảo tính thanh khoản hiệu quả nhất, (ii) Khuyến khich các định chế tài chính tạo thêm nhiều các công cụ tài chính hơn nữa dựa trên lãi suất BIBOR; (iii) Là tiêu chuẩn cho các công cụ phái sinh, hợp đồng tương lai và swap.BIBOR sẽ không còn chịu ảnh hưởng của sự biến động trong thị trường ngoại hối mà phản ánh đúng các điều kiện của toàn bộ thị trường tài chính Thái Lan.
Đối với thị trường mở, BOT thực thi các giao dịch trên thị trường này nhằm tác động đến tổng tiền gửi của các tổ chức tài chính tại BOT và qua đó tác động đến lãi suất thị trường ngắn hạn. Đây là là công cụ hữu hiệu nhất cho việc duy trì lãi suất chính sách và đảm bảo được tính thanh khoản hiệu quả cho hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu dự trữ và thanh toán của các ngân hàng. Các loại hình giao dịch trên thị trường này bao gồm: Giao dịch Repo song phương (Bilateral RP); Mua đứt chứng khoán Chính phủ (Outright purchase/sale of Government securities); Phát hành tín phiếu/trái phiếu của BOT; Hoán đổi ngoại tệ; Chứng khoán nợ điện tử của BOT (e-PN window).
Để tránh sự biến động đột ngột của lãi suất thị trường hàng ngày và kiểm soát lượng cung tiền, BOT đã yêu cầu các NHTM duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 6% tiền gửi và các khoản vay nước ngoài ngắn hạn tính theo trung bình của hai tuần trước.
Ngoài ra, BOT còn cung cấp công cụ vay/cho vay qua đêm có thế chấp (cửa sổ điều chỉnh thanh khoản cuối ngày – End-of-Day Liquidity Adjustment Window); trong đó các tổ chức tài chính sẽ được vay qua đêm từ BOT có thế chấp trong trường hợp gặp vấn đề về thanh khoản hoặc cho vay BOT khi dự trữ dư thừa và sẽ nhận lại một công cụ nợ của BOT là chứng khoán nợ điện tử.
Để lại một bình luận