Cùng với sự phát triển của TTTT tại Trung Quốc, cơ chế điều hành CSTT của PBC được cải thiện đáng kể đặc biệt là kênh lãi suất. Bên cạnh đó,PBC cũng sử dụng nghiệp vụ thị trường mở và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (tạo ra các áp lực điều chỉnh cung cầu tiền tệ), từ đó góp phần điều hành CSTT. Nghiệp vụ cho vay tái chiết khấu và tái cấp vốn cũng được sử dụng, tuy nhiên quy mô của các nghiệp vụ này đã giảm nhanh chóng kể từ năm 2005 do việc dư thừa vốn trong hệ thống ngân hàng.
Lãi suất hợp đồng mua lại (repo rate), lãi suất cho vay qua đêm (call rate) và lãi suất tín phiếu NHTW (CBPR – Central bank paper rates) là các mức lãi suất thực được hình thành trong các giao dịch trên TTTT Trung Quốc. Trong đó, lãi suất repo thời hạn 7 ngày là mức lãi suất được quan tâm nhiều nhất do quy mô của các giao dịch trái phiếu kỳ hạn 7 ngày chiếm tỷ trọng lớn trong tổng quy mô thị trường. Ngoài ra, lãi suất cơ sở của TTTT Trung Quốc Shibor (Shanghai interbank offered rate) cũng được hình thành, chính thức đi vào hoạt động năm 2007. Shibor được tính toán dựa trên giá trị bình quân của các mức lãi suất cho vay liên ngân hàng của một nhóm gồm 16 ngân hàng chủ chốt có quy mô tín dụng cao và thường xuyên công bố, minh bạch thông tin12. Lãi suất Shibor gồm 8 loại kỳ hạn: qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 1 năm. Ngay trong năm đầu tiên lãi suất Shibor đi vào hoạt động, 82% hợp đồng tín dụng và mua bán trái phiếu kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng đã lấy Shibor làm cơ sở để tiến hành các giao dịch. Hiện nay, Shibor đã trở thành lãi suất cơ sở quan trọng của TTTT Trung Quốc đồng thời đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự do hóa lãi suất tại Trung Quốc.
Manh nha của thị trường mở 13 ở Trung Quốc là các hoạt động hoán đổi ngoại tệ được thực hiện từ năm 1996; sau đó mở rộng thành trung tâm giao dịch trái phiếu Chính phủ (government bonds) và trái phiếu Kho bạc (treasury bonds). Tuy nhiên, việc phụ thuộc hoàn toàn vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Kho bạc để tiến hành các nghiệp vụ thị trường mở đã gây khó khăn cho PBC do lượng trái phiếu này được phát hành rất ít. Do đó, tháng 4/2003, PBC bắt đầu phát hành tín phiếu NHTW (CBP – Central Bank Paper/Central Bank Bill) như một công cụ mới của thị trường mở. Quy mô phát hành tín phiếu NHTW đã tăng lên nhanh chóng và đến nay, trở thành công cụ chủ yếu trên thị trường mở của PBC.
Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 cùng với sức ép lạm phát gia tăng trong nước, Trung Quốc đã tích cực sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc kết hợp hiệu quả với các nghiệp vụ thị trường mở để góp phần duy trì sự ổn định của TTTT.Theo đó, PBC áp dụng trả lãi cho các khoản dự trữ bắt buộc và dự trữ vượt và coi đây như một trong những công cụ hiệu quả để điều tiết thị trường và thực hiện CSTT. Việc trả lãi suất cho phần dự trữ vượt cũng được PBC sử dụng như một công cụ hiệu quả để kiểm soát mức lãi suất trên thị trường khi lãi suất áp dụng cho các khoản dự trữ vượt dần đóng vai trò như một mức lãi suất sàn trên TTTT.
Để lại một bình luận