Theo lĩnh vực phục vụ, kinh tế dịch vụ bao gồm dịch vụ sản xuất (dịch vụ vật chất) như dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin liên lạc phục vụ sản xuất, dịch vụ cung ứng vật tư kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ ăn uống công cộng, dịch vụ sản xuất, sửa chữa tư liệu sản xuất, dịch vụ cung cấp các vật phẩm phục vụ sinh hoạt văn hóa. Dịch vụ này nhằm dịch chuyển, bảo quản hay phục hồi những giá trị sử dụng, tạo ra trong lĩnh vực sản xuất vật chất.
Chúng bảo tồn hoặc tăng lượng lao động xã hội cần thiết kết tinh trong của cải vật chất. Do đó, lao động dịch vụ vật chất thuộc về lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế, nó trực tiếp tham gia vào việc tạo ra thu nhập quốc dân. Và trong dịch vụ sản xuất có thể được chia thành hai nhóm: Thứ nhất, là nhóm dịch vụ có tính chất sản xuất (bao gồm các dịch vụ phục vụ trực tiếp sản xuất như cung ứng thiết bị, vật tư, sửa chữa thiết bị, công cụ, dịch vụ kỹ thuật, thông tin…); Thứ hai, là dịch vụ lưu thông tiêu thụ sản phẩm (bao gồm các dịch vụ vận chuyển, phân phối, đóng gói bao bì, in ấn, thông tin quảng cáo, triển lãm, tổ chức hội chợ, dịch vụ bảo hành…); Và, dịch vụ phi sản xuất là các loại dịch vụ như: Dịch vụ giáo dục – đào tạo, dịch vụ văn hóa – nghệ thuật, thể dục thể thao, dịch vụ du lịch và giải trí, các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống, đi lại, mặc, ở, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ và các dịch vụ khác nhằm thỏa mãn các nhu cầu ngày càng đa dạng của con người và khi nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu đối với nhóm dịch vụ này càng phát triển.
Theo đối tượng phục vụ, kinh tế dịch vụ bao gồm dịch vụ có tính chất xã hội (dịch vụ công) như: Dịch vụ vui chơi giải trí công cộng, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục – đào tạo, dịch vụ du lịch, dịch vụ văn hóa, dịch vụ hành chính… Lưu ý đây là những dịch vụ phục vụ xã hội, có khi phi lợi nhuận. Phúc lợi xã hội là nguồn chủ yếu để đầu tư cho dịch vụ này. Và, dịch vụ có tính chất cá nhân phục vụ đời sống vật chất, văn hóa, thẩm mỹ và tình cảm của con người như: Dịch vụ, bảo quản tài sản, dịch vụ ăn uống, đi lại, mặc, làm đẹp, dịch vụ hôn nhân – gia đình… .
Căn cứ vào tính chất thương mại, kinh tế dịch vụ bao gồm dịch vụ mang tính thương mại là dịch vụ được thực hiện, được cung ứng nhằm mục đích kinh doanh để thu lợi nhuận như dịch vụ thương nghiệp, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ tư vấn,… Và dịch vụ không mang tính thương mại là những dịch vụ được cung ứng không nhằm mục đích kinh doanh (phi lợi nhuận) bao gồm các loại dịch vụ công cộng do các tổ chức, đoàn thể xã hội cung ứng hoặc do các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế cộng đồng, dịch vụ hành chính công, dịch vụ phúc lợi xã hội…
Căn cứ vào mục tiêu, kinh tế dịch vụ bao gồm dịch vụ hàng hóa – dịch vụ phân phối (từ vận chuyển, lưu kho, bán buôn, quảng cáo, môi giới…) và dịch vụ sản xuất (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật và kiến trúc công trình, dịch vụ kế toán kiểm toán, dịch vụ pháp lý…); dịch vụ tiêu dùng – dịch vụ xã hội (dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục – đào tạo, dịch vụ viễn thông, dịch vụ bưu điện, dịch vụ nghe nhìn và các dịch vụ xã hội khác) và dịch vụ cá nhân (các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ sửa chữa, các dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ văn hóa, du lịch…).
Theo hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) của Việt Nam thì dịch vụ được phân thành ngành cấp 1, với 20 ngành – trong đó, có 14 ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ và trong mỗi ngành dịch vụ lại được chia thành nhiều phân ngành.
Ngoài ra có thể phân theo giác độ tài chính thì có dịch vụ phải trả tiền và dịch vụ không phải trả tiền; hoặc theo giác độ chiều sâu dịch vụ thì có dịch vụ khoa học kỹ thuật, dịch vụ xử lý thông tin, dịch vụ cung cấp phần mềm máy tính, dịch vụ chiến lược và giải pháp kinh doanh, dịch vụ tư vấn, thiết kế xây dựng, dịch vụ tư vấn các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội…
Để lại một bình luận