Công cụ chính sách kinh tế giúp Nhà nước điều khiển hoạt động của các chủ thể kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ…). Nhờ các chính sách kinh tế dẫn dắt hoạt động mà các chủ thể kinh tế trong nông nghiệp đã hành động phù hợp với lợi ích chung của xã hội; các nguồn tài nguyên nông nghiệp được huy động vào sản xuất một cách có hiệu quả để đạt đến mục tiêu và các kế hoạch định hướng.
Để thực hiện được các mục tiêu phát triển vạch ra trong các chiến lược, các kế hoạch, các dự án phát triển nông nghiệp, Nhà nước sử dụng một hệ thống các chính sách kinh tế làm công cụ tác động vào cơ chế vận động của nền nông nghiệp. Tuỳ cách tiếp cận khác nhau, người ta có thể phân loại các chính sách kinh tế trong nông nghiệp theo những tiêu thức khác nhau:
– Theo nội dung, có thể phân loại các chính sách theo cách gọi tên cụ thể như: chính sách đầu tư vốn, chính sách tín dụng, chính sách ruộng đất…
– Theo lĩnh vực, có thể phân loại thành các nhóm chính sách nông nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính (thuế, đầu tư, trợ cấp sản xuất…); lĩnh vực tiền tệ (giá cả. lãi xuất v.v…); lĩnh vực xuất, nhập khẩu ( chính sách thuế, hạn ngạch, tỷ giá hối đoái…).
– Theo quan hệ của chính sách đối với quá trình sản xuất, có thể phân thành các chính sách đầu vào(đầu tư, vật tư, trợ giá khuyến nông…); các chính sách đầu ra (thị trường và giá cả, chính sách xuất khẩu…); các chính sách về tổ chức quá trình sản xuất (chính sách đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chính sách đổi mới cơ cấu quản lý…).
Trong điều kiện kinh tế thị trường, mỗi chính sách mà Nhà nước sử dụng đều nhằm tác động vào phía cung hay phía cầu thị trường, nhưng cũng có chính sách có thể tác động lên cả hai phía. Một chính sách được sử dụng để tác động lên phía cung thì phải có các biện pháp hạn chế phản ứng phụ lên phía cầu. Chính vì vậy mà một chính sách được ban hành cần xác định rõ nó là chính sách gì để có thể tạo ra cơ chế phối hợp giữa các chính sách.
Hiện nay Nhà nước ta đang sử dụng một hệ thống các chính sách tác
động trực tiếp tới sự phát triển của nông nghiệp, có thể kể đến một số chính sách chủ yếu sau đây:
+ Chính sách ruộng đất
+ Chính sách đầu tư
+ Chính sách tín dụng
+ Chính sách giá cả thị trường
+ Chính sách xuất khẩu nông sản
+ chính sách khuyến nông
+ Chính sách đổi mới cơ cấu nông nghiệp, nông thôn
Chính sách ruộng đất có vai trò quan trọng đặc biệt vì có nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong nông nghiệp và nông thôn gắn liền với vấn đề ruộng đất. Mục tiêu trực tiếp của chính sách ruộng đất là quản lý, sử dụmg có hiệu quả, đồng thời bảo vệ độ phì nhiêu của đất đai, vì đất là tư liệu sản xuất chủ yếu, đặc biệt của nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, từ khi chuyển sang cơ cấu thị trường, Đảng và Nhà nước ta đã có những đổi mới quan trọng trong chính sách ruộng đất, thể hiện tập trung ở Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993, về giao đất cho hộ nông dân, Luật Đất đai năm 1993 gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
– Toàn bộ quỹ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước.
– Ruộng đất được Nhà nước giao quyền ổn định, lâu dài cho những người làm nông, lâm, ngư nghiệp (các doanh nghiệp nhà nước,tập thể, hộ gia đình và cá nhân). Các hộ nông dân có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê và thế chấp quyền sử dụng ruộng đất trong thời hạn được giao.
– Người sử dụng có trách nhiệm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả và phải bảo vệ, cải tạo đất và đóng thuế cho Nhà nước.
– Nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển quyền sử dụng đất trái phép. Kiên quyết xoá bỏ những phương thức kinh doanh lạc hậu làm huỷ hoại đất đai.
Mục đích trực tiếp của chính sách tín dụmg là bổ xung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế trong nông nghiệp. Hiện nay do năng lực tích luỹ còn thấp nên có tới 50% số hộ nông dân có nhu cầu vay vốn tín dụng. Mục tiêu lâu dài của chính sách tín dụng là góp phần từng bước thúc đẩy sự ra đời của thị trường vốn trong nông thôn. Những năm gần đây, Nhà nước đã có những đổi mới quan trọng trong chính sách tín dụng nông nghiệp, thể hiện tập trung ở Nghị quyết trung ương lần thứ 5( khoáVII) và Nghị quyết 14/CP ngày2/3/1993 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ sản xuất vay vốn, gồm những nội dung chủ yếu sau đây.
– Đổi mới tổ chức ngành ngân hàng thành hệ thống hai cấp: Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại. tham gia vào thị trường vốn tín dụng ở nông thôn có các Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Thương mại cổ phần và các Ngân hàng thương mại khác. Tổ chức lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (hợp tác xã tín dụmg kiểu mới ). Các ngân hàng thưong mại và các tổ chức tín dụng tự nguỵện do nhân dân lập ra sẽ tạo khả năng huy động nguồn vốn tối đa đáp ứng cho nhu cầu phát triển nông nghiệp.
– Huy động tối đa mọi nguồn vốn nhàn rỗi của các tổ chức kinh tế và nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp như: tiết kiệm (có và không có kỳ hạn), tín phiếu và trái phiếu kho bạc, ngân phiếu và kỳ phiếu ngân hàng v.v…
– Mở rộng việc cho vay của các tổ chức tín dụng đến hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và thuỷ sản để phát triển sản xuất, không phân biệt thành phần kinh tế.
-Ưu tiên cho vay để triển khai các dự án do Nhà nước chỉ định, cho vay đối với vùng cao, vùng xa, vùng sâu, vùng kinh tế mới, hải đảo và các hộ nghèo, góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông thôn.
Chính sách đầu tư vốn ngân sách cho nông nghiệp được nhà nước rất chú trọng qua các thời kỳ phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V.Trên thực tế tỷ trọng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho ngành nông, lâm nghiệp trong tổng số vốn đầu tư ngân sách cho khu vực sản xuất vật chất còn thấp ( khoảng 25- 28% hàng năm thời kỳ 1976 – 1987).Vốn ngân sách đầu tư chủ yếu cho khu vực quốc doanh nông, lâm nghiệp và xây dựng công trình thuỷ lợi
Từ sau nghị quyết 10 của bộ chính trị (1988), chính sách đầu tư vốn đã thay đổi: vốn bao cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước giảm và xoá hẳn, chuyển sang hình thức đầu tư tín dụng. Như vậy từ sau năm 1988, mọi hình thức bao cấp qua chính sách đầu tư vốn cho nông nghiệp đều bị xoá bỏ.
Mục tiêu của chính sách thị trường và giá cả nông nghiệp là đáp ứng đầy đủ các nhu cầu trong hoạt động kinh tế của chủ thể sản xuất nông nghiệp về các dịch vụ đầu vào và đầu ra, đảm bảo đúng số lượng, chất lượng, thời gian không gian với những giá cả tương đối ổn định, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Nội dung chủ yếu của chính sách thị trường nông nghiệp thể hiện trên các mặt sau đây:
– Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia một cách bình đẳng vào hoạt động trong hệ thống thị trường nông nghiệp, từ việc cung cấp các dịch vụ yếu tố đầu vào, mua gom bảo quản chế biến nông sản đến tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Trừ những trường hợp đặc biệt được Nhà nước cho phép (như cung cấp điện cho nông, nghiệp tưới tiêu nước), mọi hình thức độc qyền trên thị trường do bất kỳ nguyên nhân nào tạo ra đều trái với chủ trương phát triển nền nông nghiệp nhiều thành phàn vận động theo cơ chế thị trường định hướng XHCN của Nhà nước ta.
– Mở rộng giao lưu vật tư và nông sản hàng hoá giữa các vùng, các khu vực trên phạm vi cả nước. Xoá bỏ tình trạng cát cứ chia cắt của thị trường nội địa.
– Đa phương hoá quan hệ thị trường và đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu. Sử dụng tốt các công cụ kinh tế quan trọng tác động đến xuất khẩu nông sản và nhập khẩu vật tư phục vụ nông nghiệp như: thuế xuất, nhập khẩu, hạn ngạch xuất, nhập khẩu và tỷ giá hối đoái.
– Sử dụmg tốt các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức công tác dự báo thị trường, nâng cao khả năng tiếp thị của các chủ thể kinh tế.
Một đặc điểm quan trọng của giá cả nông sản là có tính không ổn định vì: thứ nhất, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện tự nhiên (hạn hán hay lũ lụt có thể gây mất mùa) thứ hai, hệ thông co giãn giá của cầu về nông sản phẩm là thấp, nghĩa là cầu về nông sản ít phản ứng với những biến giá; Thứ ba, hiệu quả của đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp (đặc biệt nông nghiệp của các nước phát triển) có tác động mạnh lên phía cung nông sản. Kết quả tất yếu của mối quan hệ giữa áp lực cung tăng với cầu ít co dãn làm giá nông sản có xu hướng hạ thấp.
Mục tiêu của chính sách giá cả trong nông nghiệp là ổn định giá cả, ổn định thị trường một cách tương đối để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng. Để đạt mục tiêu trên, chính sách giá cả nông nghiệp của nước ta gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
– Thu hẹp và tiến tới xoá bỏ quan hệ tỷ giá bất hợp lýgiữa giá hàng công nghiệp và dịch vụ với giá hàng nông sản, tạo điều kiện khách quan cho việc thực hiệ tái sản xuất mở rộng nông nghiệp.
– Bỏ chế độ nhiều giá trước đây, thực hiện chế độ một giá đối với mọi loại vật tư và nông sản hàng hoá.
– Trong những trường hợp đặc biệt, nhà nước có thể áp dụng những chính sách như trợ giá đầu vào (phân bón, hạt giống mới…) để hỗ trợ sản xuất phát triển; hoặc mua trợ giá đối với sản phẩm đầu ra theo những đợt để ổn định giá cả thị trường, chống tụt giá quá mức có tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Chính sách xuất khẩu nông sản là một chính sách quan trọng của nhà nước ta, có ý nghĩa lớn trong việc khai thác lợi thế so sánh của nền nông nghiệp Việt Nam nhiệt đới gió mùa, lại có cả rừng và biển. Chính sách xuất khẩu nông sản hiện nay gồm những nội dung cơ bản là:
– Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và xuất khẩu. Đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu và đa dạng hoá thị trường. Tăng tỷ trọng nông sản chế biến, giảm tỷ lệ nông sản thô xuất khẩu.
– Khuyến khích trong nước sản xuất những mặt hàng nông sản hay thực phẩm thay thế nhập khẩu để tăng hiệu quả kinh tế.
– Sử dụng các công cụ kinh tế (hạn ngạch, thuế,tỷ giá hối đoái) để khuyến khích xuất khẩu.
Chính sách khuyến nông có từ rất sớm trong lịch sử phát triển nông nghiẹp nước ta. Từ khi có chỉ thị 100/ CT (1981) và đặc biệt là sau Nghị quyết 10 của Bộ chính trị (1988), công tác khuyến nông được đặc biệt coi trọng. Nghị định 13/ CP (2/3/1993) của Chính phủ quy định cụ thể về công tác khuyến nông. Theo Nghị định này, Nhà nước tổ chức hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở, cho phép phát triển các tổ chức khuyến nông tự nguyện của các đoàn thể, các tổ chức kinh tế – xã hội và tư nhân để giúp nông dân phát triển sản xuất. Nghị định 13/CP cũng quy định nội dung chủ yếu của công tác khuyến nông là:
– Phổ biến tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ chế biến bảo quản, phổ biến kinh nghiệm điển hình tiên tiến.
– Bồi dưỡng và phát triển kỹ năng, kiến thức về kinh tế và kỹ thuật cho nông dân.
– Tổ chức khuyến khích các phong trào sản xuất và hoạt động cộng đồng ở nông thôn.
Đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn là một chính sách lớn của Đảng ta. Mục tiêu của chính sách là biến nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp của nước ta thành nền kinh tế có cơ cấu hướng ngoại, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ nông thôn trong khi số lượng tuyệt đối của sản xuất nông nghiệp vẫn cứ tăng lên. Chính sách đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn thể hiện tập trung ở Nghị quyết Trung ương lần 5 (khoá VII) với những nội dung chủ yế sau đây:
– Phát triển nhanh, vững chắc và có hiệu quả các ngành công nghiệp dịch vụ ở nông thôn trên cơ cở đó tăng nhanh tỷ trọng các ngành nàytrong cơ cấu kinh tế nông – công – dịch vụ ở mỗi vùng và mỗi địa phương. Chú trọng những ngành công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp.
– Tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đa dạng hoá sản phẩm chăn nuôi và chú trọng chăn nuôi xuất khẩu.
– Phát triển các vùng và tiểu vùng trọng điểm sản xuất các sản phẩm lương thực, cây công nghiệp chủ yếu, như cao su, chè, cà phê… để phát huy thế mạnh của mỗi vùng; trên cơ sở đó thực hiện thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
– Phát triển mạnh ngành thuỷ sản trên tất cả các mặt nuôi trồng đánh bắt, chế biến để khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước và biển của nước ta.
– Phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bảo vệ rừng hiện có, chăm sóc và tái sinh vốn rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, kết hợp hợp lý giữa khai thác với chế biến lâm sản.
3.1.ý nghĩa của phân tích kinh tế các chính sách nông nghiệp
Mọi chính sách kinh tế đều thể hiện vai trò và chức năng của mình trong sự tác động vào quá trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, từng chính sách riêng biệt lại có phương hướng tác độngvà mục tiêu cần đạt khi áp dụng chính sách có khác nhau. Do vậy, một mặt cần phân tích và chỉ ra phương hướng, mức độ tác động của mỗi chính sách vào quả trình phát triển làm cơ sở cho việc đánh giá, điều chỉnh các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả tác động của chúng. Mặt khác mỗi chính sách riêng biệt chỉ tác động vào từng mặt, từng bộ phận của nền nông nghiệp, tạo ra những kết quả riêng biệt về kinh tế và xã hội của nông nghiệp, nông thôn. Việc phân tích kinh tế các chính sách nông nghiệp là cơ sở cho các quyết định về việc sử dụng các chính sách trong từng giai đoạn phát triển nhất định. Thứ ba, khi nền nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường, chúng ta sẽ phải sử dụng ngày càng phổ biến các công cụ quản lý nền kinh tế thị trường (trong đó có các chính sách kinh tế). Các chính sách kinh tế của nền kinh tế thị trường một mặt thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng mặt khác nó cũng gây ra những hậu quả về mặt xã hội không thể chấp nhận được dưới chủ nghĩa xã hội. Việc phân tích các chính sách về các phương diện kinh tế, xã hội là đòi hỏi khách quan để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển nông nghiệp nước ta.
3.2. Các phương pháp phân tích kinh tế các chính sách nông nghiệp
a) Phương pháp phân tích định tính
Mỗi chính sách kinh tế cụ thể sử dụng trong nông nghiệp thường có những tác động đối với một hoặc một số mặt sau đây của môi trường kinh tế:
– Làm tăng hoặc giảm giá đối với người sản xuất.
– Làm tăng hoặc giảm giá đối với người tiêu dùng
– Làm tăng hoặc giảm sản lượng (dịch chuyển đường cung)
– Làm tăng hoặc giảm tiêu dùng (dịch chuyển đường cầu).
Điều đó được thể hiện ở bảng dưới đây (bảng 9.1).
Những tác động của chính sách kinh tế cụ thể làm thay đổi một hoặc một số mặt của môi trường kinh tế, từ đó kéo theo sự thay đổi trong việc phan bố các yếu tố nguồn lực và tạo ra sự tác động vào các mục tiêu chính trị. Đây là điểm quan trọng trong cơ chế tác động của mộy chinhd sách kinh tế nông nghiệp cần phải nắm vữn khi phân tích định tính.
b) Phương pháp phân tích định lượng lựa chon phương án chính sách kinh tế nông nghiệp.
Để lại một bình luận