Tiến trình hội nhập kinh tế được chia thành năm mô hình cơ bản từ thấp đến cao như sau:
(i) Thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA): Các nước thành viên dành cho nhau các ưu đãi thương mại trên cơ sở cắt giảm thuế quan, nhưng còn hạn chế về phạm vi (số lượng các mặt hàng đưa vào diện cắt giảm thuế quan) và mức độ cắt giảm. Hiệp định PTA của ASEAN (1977), Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (2001), Hiệp định GATT (1947 và 1994) là các ví dụ cụ thể của mô hình liên kết kinh tế ở giai đoạn thấp nhất.
(ii) Khu vực mậu dịch tự do (FTA): Các thành viên phải thực hiện việc cắt giảm và loại bỏ các hàng rào thuế quan và các hạn chế về định lượng (có thể bao gồm cả việc giảm và bỏ một số hàng rào phi thuế quan) trong thương mại hàng hóa nội khối, nhưng vẫn duy trì chính sách thuế quan độc lập đối với các nước ngoài khối. Ví dụ: Khu vực mậu dịch tự do Bắc Âu (EFTA), Khu vực mậu dịch tự do bắc Mỹ (NAFTA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Những năm gần đây, phần lớn các hiệp định FTA mới có phạm vi lĩnh vực điều tiết rộng hơn nhiều. Ngoài lĩnh vực hàng hóa, các hiệp định này còn có những quy định tự do hóa đối với nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ…
Ví dụ: Hiệp định FTA giữa ASEAN với Úc-Niudilân (2009), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP (nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dƣơng – CPTPP).
(iii) Liên minh thuế quan (CU): Các thành viên ngoài việc cắt giảm và loại bỏ thuế quan trong thương mại nội khối còn thống nhất thực hiện chính sách thuế quan chung đối với các nước bên ngoài khối. Ví dụ: Nhóm ANDEAN và Liên minh thuế quan Nga-Bêlarút-Cadăcxtan.
(iv) Thị trường chung (hay thị trường duy nhất): Ngoài việc loại bỏ thuế quan và hàng rào phi quan thuế trong thương mại nội khối và có chính sách thuế quan chung đối với ngoài khối, các thành viên còn phải xóa bỏ các hạn chế đối với việc lưu chuyển của các yếu tố sản xuất khác (vốn, lao động…) để tạo thành một nền sản xuất chung của cả khối. Ví dụ: Liên minh châu Âu đã trải qua giai đoạn xây dựng thị trường duy nhất (Thị trường chung châu Âu) trước khi trở thành một liên minh kinh tế.
(v) Liên minh kinh tế – tiền tệ: Là mô hình hội nhập kinh tế ở giai đoạn cao nhất dựa trên cơ sở một thị trường chung/duy nhất cộng thêm với việc thực hiện chính sách kinh tế và tiền tệ chung (một đồng tiền chung, ngân hàng trung ương thống nhất của khối). Ví dụ: EU hiện nay.
Một nước có thể đồng thời tham gia vào nhiều tiến trình hội nhập với tính chất, phạm vi và hình thức khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản phải trải qua các bước hội nhập từ thấp đến cao, việc đốt cháy giai đoạn chỉ có thể diễn ra trong những điều kiện đặc thù nhất định mà thôi (chẳng hạn Cộng đồng Kinh tế châu Âu đã đồng thời thực hiện xây dựng khu vực mậu dịch tự do và liên minh thuế quan trong những thập niên 60-70). Hội nhập kinh tế là nền tảng hết sức quan trọng cho sự tồn tại bền vững của hội nhập trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là hội nhập về chính trị và nhìn chung, được các nước ưu tiên thúc đẩy giống như một đòn bẩy cho hợp tác và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Yêu cầu đặt ra đối với phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế:
Thứ nhất, mặc dù ngành Nông nghiệp hiện nay còn rất nhiều tồn tại cần khắc phục như: Quy mô sản xuất của hộ nông dân nhỏ; kết cấu hạ tầng yếu kém, trình độ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thấp; chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng nông nghiệp chưa hình thành; chất lượng nguồn nhân lực thấp và dưới áp lực do hội nhập tạo ra… Trước những áp lực này thì cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao năng suất và cải thiện cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ thuận lợi nếu biết tận dụng các lợi ích mà hội nhập mang lại như thu hút công nghệ cao, giảm thuế trong nông nghiệp,…
Thứ hai, vị thế của ngành Nông nghiệp gia tăng thông qua cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản thế giới khi việc mở rộng thị trường nội địa dẫn tới nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều phân khúc thị trường hơn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hơn thế thông qua các thị trường trung gian, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Thứ ba, tận dụng hội nhập đề hu hút đầu tư vào ngành Nông nghiệp, thông qua việc đón đầu các hình thức đầu tư mới, như đầy tư vào nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ
Thứ tư, từng bước thúc đẩy cải cách thể chế và môi trường kinh doanh trong ngành nông nghiệp và có tác động lan tỏa tới các ngành khác dựa trên cơ sở hệ thống chính sách sẽ được điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ năm, Tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ: Có thể nói hạn chế về đầu tư khoa học công nghệ trong ngành nông, quá trình xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao hạn chế, chưa tạo đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Thiết bị và công nghệ chế biến sau thu hoạch còn lạc hậu, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản chế biến còn chưa phát triển, quy mô nhỏ, tỷ lệ hao hụt, thất thoát cao. Ngoài ra sự phát triển đội ngũ khoa học nông nghiệp còn yếu kém, nhiều ngành như công nghệ sinh học thiếu nhân lực trình độ cao nên chậm được triển khai; điều kiện vật chất kỹ thuật của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo còn lạc hậu, không đồng bộ, dẫn đến tình trạng đào tạo nhân lực cho khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn chưa gắn lý thuyết với thực hành, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu trên một đơn vị sản phẩm. Điều này đòi hỏi phải từng bước áp dụng khoa học công nghệ trình độ cao dưới nhiều hình thức khác nhau như cải tiến công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng đội ngũ khoa học công nghệ nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập ngày càng cao, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng bước hình thành và phát triển trên thế giới
Để lại một bình luận