Theo V.H. Kirpalani và V. Terstra, IPLC bao gồm 5 pha hay 5 giai đoạn (Phases/stages) chủ yếu sau:
1. Pha 0: Đổi mới trong nước (Domestic Innovation)
a. Nước khởi xướng sản phẩm mới
Lý thuyết về thương mại quốc tế cũng như thực tiễn đã chỉ rõ, Mỹ là trung tâm lớn nhất về kinh tế, tài chính và thương mại quốc tế. Đặc biệt từ sau Thế chiến thứ hai, Mỹ là nước có ưu thế tuyệt đối về kinh tế-thương mại so với các nước khác như Nhật, Đức, Anh, Pháp… Do vậy, trên thị trường thế giới, Mỹ cũng thường là nước đi tiên phong trongviệc đổi mới sản phẩm. Điều này còn được lý giải cụ thể hơn cả về hai mặt chủ yếu sau:
Thứ nhất là mức tiêu thụ (cầu). Theo các nhà kinh tế, những tiêu thức cơ bản để đánh giá mức tiêu thụ của thị trường Mỹ là tổng sản phậm quốc nội (GDP), GDP bình quân đầu người và qui mô dân số. Năm 2001, GDP của Mỹ đạt 10.065tỷ USD (7) chiếm tương đương 1/3- kinh tế toàn cầu.Mức GDP bình quân đầu người của Mỹ đạt 35.277 USD, cũng vượt xa tất cả các nước thượng đỉnh G7 là:
Về dân số, cũng trong năm 2001, dân số nước Mỹ là 285 triệu người, đến năm 2005, con số này đã lên tới 298 triệu người (Nhật: 127 triệu, Đức: 82 triệu, Anh: 60 triệu, Pháp: 59 triệu, Italy: 58 và Canada: 31 triệu). Năm nay, 2006 dân số Mỹ đạt 300 triệu người (8). Thật không vô lý khi nói Mỹ là thị trường khổng lồ, đứng đầu thế giới, xã hội Mỹ là xã hội tiêu thụ, luôn đòi hỏi sản phẩm mới, chất lượng cao.
Thứ hai là khả năng sản xuất (cung). Để đáp ứng cầu trong nước và xuất khẩu, khả năng cung của Mỹ cũng rất lớn, trước hết là khả năng tài chính (vốn đầu tư) và công nghệ. Mỹ thực sự là trung tâm tài chính quốc tế, từ sau Thế chiến thứ hai, riêng nước Mỹ đã chiếm tới 70% tổng lượng dự trữ vàng của Thế giới. Về công nghệ, Mỹ cũng đứng đầu thế giới về đội ngũ các nhà khoa học lớn và trình độ trang thiết bị hiện đại để nghiên cứu. Những thập kỷ qua, tình trạng chảy máu não (Brain Drain) của thế giới vẫn diễn ra, trong đó những nhà khoa học từ nhiều nước thường di chuyển đến Mỹ.
b. Thị trường mục tiêu của sản phẩm mới
Những công ty lớn điển hình (TNCs) của Mỹ thường đi tiên phong trong việc đổi mới sản phẩm do có ưu thế về vốn và công nghệ, nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao. Sản phẩm mới sau quá trình đầu tư và sản xuất đều được tiêu thụ ở ngay thị trường Mỹ trong suốt pha này.
Thời gian đầu ở Mỹ, sản phẩm mới nhìn chung không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thị trường khổng lồ này. Tuy nhiên, mức giá cao và suất lợi nhuận hấp dẫn khiến cho các nhà sản xuất ráo riết mở rộng qui mô, tăng cường đầu tư máy mọc thiết bị nhằm tăng nhanh lượng cung cấp cho thị trường. Một số công ty mới khác, do mức lợi nhuận hấp dẫn, cũng tranh thủ tiến hành sản xuất. Quá trình sản xuất khẩn trương của các công ty làm làm cho tổng cung tăng nhanh, dẫn đến thích ứng kịp cầu. Thời gian này, chi phí sản xuất của sản phẩm bước đầu còn tương đối cao. Cần chú ý rằng, trong pha này, điều hiển nhiên là không có xuất khẩu và cũng không có nhập khẩu. Sản xuất tăng mạnh nhưng vẫn chưa có sản phẩm dư thừa. Toàn bộ thị trường nội địa Mỹ vẫn là thị trường mục tiêu bao trùm của các công ty khởi xướng sản phẩm mới.
Thời gian tiếp sau, lợi nhuận hấp dẫn vẫn thúc đẩy mọi nỗ lực của các nhà sản xuất. Về cơ bản, trên thị trường Mỹ, cung đã đáp ứng kịp cầu ở mức cao nhất. Tuy nhiên, sản xuất vẫn tăng vì mục tiêu lợi nhuận, trong khi mức tiêu thụ nói chung đã bão hoà. Theo thời gian, tình hình đó tất yếu dẫn đến việc dư thừa sản phẩm mới ở thị trường nội địa. Đó cũng là bước chuyển tiếp sang pha sau của IPLC.
2. Pha 1: Đổi mới ngoài nước (Overseas Innovation)
a. Thâm nhập quốc tế
Thâm nhập quốc tế thông qua xuất khẩu sản phẩm mới là nét nổi bật của pha này và cũng là bản chất của IPLC. Theo P. Kotler và V.Terpstra, đây là pha bắt đầu xuất khẩu sản phẩm mới của Mỹ, gắn liền với nó là việc đẩy mạnh quảng cáo quốc tế ở các thị trường xuất khẩu mục tiêu.
Sau khi nhu cầu của thị trường nội địa Mỹ đã được đáp ứng tương đối đầy đủ, các hãng khởi xướng của Mỹ bắt đầu tiến trình đổi mới sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài bằng con đường xuất khẩu. Như vậy, kể từ pha này, IPLC kéo dài hơn và mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn so với NPLC. Đây cũng là ưu việt của kinh doanh quốc tế nói chung và IPLC nói riêng. Rõ ràng thâm nhập quốc thế thông qua xuất khẩu đã đảm bảo cho công ty nội địa Mỹ tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất, giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Nhìn chung, lượng xuất khẩu ở pha này thường tăng nhanh hơn so với các pha thâm nhập của NPLC.
b. Thị trường mục tiêu
Thông thường thị trường nước ngoài đầu tiên mà các hãng Mỹ thâm nhập là các nước phát triển cao và tương đồng với Mỹ về kinh tế – văn hoá – xã hội, nhất là những nên văn hoá nói tiếng Anh như Canada, Anh, úc,… Trong thời kỳ đầu, xuất khẩu sang nhóm nước này chiếm 1/2 tổng xuất khẩu sản phẩm mới của Mỹ ra các nước ngoài. Sau đó, xuất khẩu cũng mở rộng nhanh chóng ra các nước khác như Đức, Italia, Pháp, Nhật và bao trùm các nước phát triển khác.
Như vậy, thị trường mục tiêu nói chung là Mỹ và các nước phát triển khác. Trên thị trường tiêu thụ sản phẩm mới, cạnh tranh diễn ra chủ yếu giữa các công ty xuất khẩu Mỹ. Ngoài ra cũng tồn tại sự cạnh tranh giữa các công ty bán hàng ngay tại thị trường nội địa Mỹ.Xuất khẩu ngày một mở rộng hơn và bước sang pha 2.
3. Pha 2: Tăng trưởng và chín muồi (Growth & Maturity)
a. Xuất khẩu của Mỹ tăng nhanh và đạt mức cao nhất
– Theo V.H. Kirpalani, sự gia tăng nhu cầu ở các nước phát triển là điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất mở rộng qui mô, đổi mới sản phẩm và thoả mãn người tiêu dùng. Trên thực tế, lợi nhuận từ đổi mới sản phẩm, là rất cao so với các sản phẩm khác. Đây là yếu tố đảm bảo cho tiêu thụ sản phẩm mới tăng nhanh.
– Kết quả gia tăng nhập khẩu của các nước phát triển tất yếu dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của Mỹ đạt cao nhất và ổn định ở mức đó, thể hiện rõ trạng thái chín muồi và bão hoà. Xin đừng quyên rằng, thời gian bão hoà này được duy trì trong một thời gian nhất định như một pha cụ thể trong IPLC. Điều này rất có ý nghĩa thực tế trong việc quản lý và điều phối sản phẩm. Chi phí sản xuất của sản phẩm mới nhìn chung giảm và ổn định ở mức thấp nhất.
b. Bắt đầu sản xuất sản phẩm ở nước ngoài
Theo V.Terpstra và P. Kotler, việc bắt đầu sản xuất sản phẩm mới ở các nước phát triển khác là nét nổi bật trong pha này. Trên thực tế, nhóm nước phát triển nhập khẩu đã có đủ thời gian làm quen với sản phẩm mới. Do nhu cầu sản phẩm mới mở rộng, lợi nhuận hấp dẫn cho nên nhiều nhà sản xuất của các nước giàu thuộc nhóm G7 (như Nhật Bản, Đức, Anh…) cũng tận dụng ưu thế về vốn và công nghệ của mình để bắt đầu sản xuất tại thị trường nội địa của họ nhằm tranh thủ kiếm lời. Tiếp theo đó, việc sản xuất sản phẩm mới cũng mở rộng và bao trùm các nước phát triển khác, gắn liền với việc xuất khẩu công nghệ bắt đầu được thực hiện.
Theo P. Kotler, việc sản xuất sản phẩm mới ở ngoài nước Mỹ được tiến hành theo 3 hình thức phổ biến là (1) cấp giấy phép, (2) liên doanh và (3) sao chép sản phẩm (copying the product). Trong số này, hai hình thức đầu (cấp phép và liên doanh), thường diễn ra phổ biến hơn cả. Chính phủ ở các nước phát triển khác thường ủng hộ tiến trình sản xuất này bằng các chính sách thiết thực như qui định mức thuế nhập khẩu cao hoặc hạn ngạch nhập khẩu.
Như vậy, việc bắt đầu sản xuất sản phẩm mới ở các nước phát triển khác dẫn đến xuất khẩu trực tiếp của các công ty ở Mỹ sẽ bắt đầu giảm sút. Mặt khác, ngay tại thị trường nội địa Mỹ, tiêu thụ sản phẩm mới sau khi đạt mức cao nhất cũng bắt đầu giảm, trước hết từ nhu cầu của tầng lớp thượng lưu, rồi đến tầng lớp trung lưu lớp lên. Đối với họ, sức hấp dẫn của sản phẩm mới không còn đủ mạnh như trước.
c. Xuất khẩu bắt đầu sang các nước đang phát triển (ĐPT)
Đến cuối pha này, trước nguy cơ giảm sút xuất khẩu sang các nước phát triển, các hãng khởi xướng của Mỹ buộc phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang các nước đang phát triển. Thực tế cho thấy, mức tiêu thụ sản phẩm mới của các nước ĐPT tuy thấp hơn các nước phát triển Tây Âu, Nhật Bản, nhưng cũng không nhỏ. Bởi lẽ, số quốc gia và qui mô dân số của nhóm nước này là rất lớn với mức 5266triệu dân, so với 1211 triệu dân của các nước phát triển, gấp trên 4,3 lần (7). Rõ ràng nhu cầu sản phẩm mới của các nước ĐPT là điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi xướng của Mỹ trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường nhóm nước này, trước hết là một loạt quốc gia và lãnh thổ công nghiệp mới (NICs) như Mêhico, Brazil, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Đài Loan, Israel, Iran, Ai Cập, Cộng hoà Nam Phi…
Như vậy, thị trường mục tiêu chủ yếu trong pha này, theo V.H. Kirpalani, là nhóm nước phát triển và bước đầu gồm các các nước đang phát triển (phần lớn là nhóm nước NICs). Do chú trọng mở rộng thị trường cả nhóm nước phát triển và ĐPT cho nên xuất khẩu của các công ty Mỹ tăng nhanh và đạt mức cao nhất ở pha này.
4. Pha 3: Bắt chước trên toàn thế giới (World-wide Immitaion)
a. Bắt chước sản phẩm mới trên toàn cầu
Trên thực tế, nếu việc bắt đầu sản xuất sản phẩm mới đã diễn ra từ pha trước ở các nước phát triển khác (Tây Âu và Nhật Bản), thì đến pha này lại được tiếp tục mở rộng ở các nước ĐPT trên phạm vi toàn cầu. Theo thời gian, những hãng lớn ở các nước ĐPT (trước tiên là các nước NICs) cũng có khả năng về vốn và công nghệ nên đã tiếp thu được kinh nghiệm để bắt đầu sản xuất sản phẩm mới ở nước mình nhằm nhu được lợi nhuận cao. Tiến trình sản xuất này thường áp dụng hình thức sao chép là chủ yếu vì có sản phẩm nhanh nhất, thứ đến là liên doanh và cấp giấy phép.
Như vậy, đây là bước xuất khẩu công nghệ thứ 2 từ Mỹ sang các nước đang phát triển. Trong khi các hãng thuộc nhóm nước ĐPTbắt chước sản phẩm mới để tiêu thụ nội địa thì các hãng thuộc nhóm nước phát triển Tây Âu và Nhật Bản do đi trước nên không chỉ tiêu thụ ở nước mình còn xuất khẩu sang các nước ĐPT và cạnh tranh với các công ty khởi xướng Mỹ.
b. Xuất khẩu của Mỹ giảm mạnh và bước vào pha suy thoái
Sau khi tăng trưởng và đạt mức cao nhất ở pha 2, xuất khẩu của các công ty Mỹ bắt đầu giảm rõ rệt khi bước vao pha này. Tuy có những nỗ lực về hoạt động quảng cáo quốc tế và phân phối nhưng xu hướng xuất khẩu giảm ngày càng mạnh. V.H. Kirpalani cũng chỉ rõ, đây là pha suy thoái trong xuất khẩu của các công ty Mỹ.
Xuất khẩu của Mỹ giảm mạnh là vì:
– Nhiều hãng của các nước phát triển khác đẩy mạnh sản xuất và bán ra ở ngay nước họ nhằm thu lợi nhuận cao. Do vậy, lượng nhập khẩu của các nước phát triển khác giảm đáng kể. Mặt khác, các hãng này còn tranh thủ xuất khẩu sang nhiều nước ĐPT và cạnh tranh gay gắt với các công ty Mỹ.
– Nhiều hãng khác ở các nước ĐPT cũng bắt đầu đổi mới sản phẩm, chủ yếu theo hình thức bắt chước nên cũng tăng nhanh trên thị trường, trước tiên ở ngay nước họ. Tiến trình này tất nhiên cũng làm cho xuất khẩu của Mỹ giảm nhanh hơn nữa. Đối với các công ty Mỹ, lợi nhuẫn rất hấp dẫn trong suốt thời gian từ pha 0 đến pha 2 đã qua rồi. Điều đó sẽ khiến họ sớm thu hẹp và từ bỏ sản xuất để tìm nhu cầu sản phẩm mới khác.
c. Chi phí sản xuất tăng
Những diễn biến trên cho thấy, thị phần của các công ty Mỹ (gắn liền với mức chi phí thấp) đã giảm mạnh. Cùng với xu hướng đó, qui mô sản xuất bị thu hẹp nhiều, máy móc thiết bị đã cũ lại không được khai thác hết công suất cho nên giá thành sản phẩm cũng cao hơn trước.
Thị phần của các nước phát triển khác tăng lên, đặc biệt là thị phần của các nước ĐPT. Nhìn chung, những lợi thế trong sản xuất và tiêu thụ của hàng loạt nước này thường bị hạn chế hơn so với Mỹ (về công nghệ, kĩ năng quản lý). Do đó giá thành sản phẩm cũng có xu hướng tăng rõ rệt. Theo đánh giá của V.H. Kirpalani, sự tham gia sản xuất của các nước ĐPT là nguyên nhân chính làm cho chi phí bình quân trên thế giới tăng lên.
5. Pha 4: Đổi mới ngược chiều (Reversal Innovation)
a. Mỹ không còn xuất khẩu nữa
Sự kết thúc vai trò của các công ty Mỹ trong xuất khẩu sản phẩm mới ở pha này là một tất yếu vì thực tế đã được thai nghén từ quá trình trước đó như đã phân tích trên. Để hệ thống lại rõ hơn, cần nhấn mạnh những yếu tố nổi bật sau:
– Nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh của nhóm nước phát triển do cung tăng nhanh từ các hãng sản xuất của họ. Với tiềm lực hiện có về nhiều mặt, các hãng của nhóm nước phát triển có đủ sức cạnh tranh với công ty xuất khẩu Mỹ không chỉ ở thị trường nước mình mà còn ở các nước ĐPT, thậm chí ngay ở thị trường Mỹ. Theo phân tích của V. Terpstra và P. Kotler, các công ty Mỹ cũng thấy rõ điều này ngay từ pha 3, khi các hãng Châu Âu xuất khẩu sản phẩm mới sang thị trường nhiều nước ở Châu Mỹ La tinh.
– Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm mới từ Mỹ của nhóm nước ĐPT gần như không còn nữa. Bởi lẽ lượng cung cấp của các hãng ở đây tăng mạnh đến mức không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu nước mình mà còn xuất khẩu theo 3 hướng: nội bộ nhóm nước ĐPT, các nước phát triển khác và cả Mỹ. Mặt khác, nhóm nước phát triển (trừ Mỹ) vẫn tiếp tục xu hướng xuất khẩu sản phẩm mới vào nhiều nước ĐPT. Như vậy cạnh tranh giữa các nước phát triển và ĐPT cũng diễn ra khốc liệt.
– Chiến lược chủ động của các công ty Mỹ là cần từ bỏ sớm sản phẩm này và chuyển sang sản phẩm mới khác nhằm thu lợi nhuận cao nhất. Đó là từ tưởng chủ đạo của họ trong chiến lược kinh doanh quốc tế do có lợi thế về công nghệ, tài chính và quản lý.
b. Nhập khẩu của Mỹ theo hướng đổi mới ngược chiều
Nét bao trùm ở pha này là đổi mới ngược chiều, đồng thời cũng là biểu hiện của chiến lược chủ động nói trên. Mỹ nhập khẩu trở lại sản phẩm mới trước đây là điều tất yếu bởi vì, thứ nhất, hầu hết tầng lớp bình dân (chiếm phần lớn dân số Mỹ) do khả năng thanh toán có hạn nên vẫn có nhu cầu sản phẩm mới với mức tiêu thụ khá lớn, thứ 2, những công ty lớn của Mỹ đã chủ động chuyển sang kinh doanh sản phẩm mới khác nên lượng cung giảm mạnh. Khoảng trống này phải được giải quyết bằng con đường nhập khẩu. Đó là một phần của lý thuyết thương mại quốc tế trên cơ sở lợi thế so sánh trên thị trường toàn cầu.
Trên thực tế, trong những năm 1980, theo V.H. Kirpalani, các nước ĐPT thường xuyên xuất khẩu hàng điện tử vào thị trường Mỹ, trung bình 7-10 tỷ USD mỗi năm. Nước xuất khẩu lớn vào Mỹ là Trung Quốc, trong đó trên 90% là loại sản phẩm có kiểu dáng và công nghệ do bắt chước sản phẩm Mỹ. Các sản phẩm khác như hàng dệt may, máy vi tính cá nhân… được xuất khẩu vào Mỹ cũng tương tự như vậy, đều được tiêu chuẩn hóa theo công nghệ Mỹ.
Để lại một bình luận