Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là một bộ phận của dòng vốn nước ngoài vào các nước đang phát triển, đây là nguồn vốn có những ƣu điểm như: ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ, có yếu tố không hoàn lại. Nhờ những đặc điểm ưu đãi này mà nguồn vốn ODA mang lại nhiều thuận lợi cho nước tiếp nhận vốn ODA bao gồm:
Thứ nhất, bổ sung nguồn vốn ưu đãi cho đầu tư và phát triển kinh tế. Hầu hết các nước đang phát triển thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng, vì vậy nguồn vốn ODA là nguồn lực và xúc tác quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển. Nước tiếp nhận vốn ODA sẽ được cung cấp tài chính từ nguồn vốn ODA với quy mô vốn lớn đầu tƣ vào các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng như: cơ sở hạ tầng về giao thông, năng lượng và công nghiệp, hạ tầng mạng lưới bưu chính viễn thông… Thông qua phát triển cơ sở hạ tầng mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn, nguồn vốn ODA góp phần hết sức quan trọng trong việc đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội của nước tiếp nhận vốn ODA.
Thứ hai, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ. Nguồn vốn ODA góp phần phát triển và tăng cường năng lực con người thông qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật, đào tạo trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế xã hội. Nước tiếp nhận vốn ODA sẽ được tiếp nhận được nền khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại tiên tiến từ các nước đã phát triển trên thế giới thông qua các chương trình, dự án ODA dưới hình thức hỗ trợ hợp tác kỹ thuật độc lập, hỗ trợ dự án đầu tƣ. Đây là các hình thức cung cấp vốn ODA với mục tiêu chuyển giao công nghệ tiên tiến và kỹ thuật sản xuất hiện đại, chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết công nghệ tân tiến trên thế giới. Qua đó, nước tài trợ sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và kỹ thuật công nghệ cho nước tiếp nhận vốn ODA.
Thứ ba, nâng cao an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Nguồn vốn ODA tác động tích cực đến an sinh xã hội ở các quốc gia tiếp nhận vốn ODA thông qua hỗ trợ cải thiện điều kiện về giáo dục và đào tạo, y tế, môi trường, nông nghiệp – nông thôn. Đồng thời, nguồn vốn ODA cũng sẽ góp phần tích cực trong việc hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống ở các nước tiếp nhận vốn ODA bằng thực hiện các chương trình cụ thể như: phát triển nông thôn, tín dụng hỗ trợ giảm nghèo, xóa đói giảm nghèo, xây dựng mới trường học, trạm y tế, cải tạo bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, cung cấp nước sạch…
Thứ tư, bổ sung nguồn ngoại tệ góp phần cải thiện cán cân thanh toán. Hầu hết các quốc gia đang phát triển đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đều có nhu cầu cao về ngoại tệ và nhập khẩu hàng hóa rất lớn, do đó các quốc gia này thường xuyên phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng ngoại tệ và thâm hụt nặng nề cán cân thanh toán. Vì vậy, nguồn vốn ODA là nguồn ngoại tệ bổ sung rất cần thiết cho nước tiếp nhận vốn ODA, qua đó giúp bù đắp sự thiếu hụt ngoại tệ và cải thiện cán cân thanh toán.
Thứ năm, thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài. Những công trình hạ tầng kinh tế – xã hội được tài trợ bằng nguồn vốn ODA có tác động lan tỏa, kéo theo thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động kinh tế trong nước. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn ODA, nước tiếp nhận vốn ODA sẽ thiết lập và mở rộng được mối quan hệ hợp tác phát triển song phương và đa phương với các nước tài trợ vốn ODA. Từ đó, nước tiếp nhận vốn ODA sẽ tăng thêm sự ủng hộ, hậu thuận và thu hút thêm đầu tư từ các nước phát triển trên thế giới. Vì vậy, nguồn vốn ODA góp phần thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài của nước tiếp nhận vốn ODA.
Thứ sáu, góp phần quan trọng trong xây dựng chính sách phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước. Nhằm tạo khả năng cho việc chuyển giao nguồn vốn ODA và công nghệ từ nước tài trợ đến nước tiếp nhận vốn ODA đạt kết quả tốt, thông qua các chương trình, dự án ODA, nước tài trợ sẽ hỗ trợ nước tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức về hệ thống chính sách kinh tế – xã hội, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước, phát triển chính sách tài chính vĩ mô, hỗ trợ hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp lý, nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, chính sách chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế để phân bổ, sử dụng nguồn vốn ODA tốt hơn, hiệu quả hơn.
Để lại một bình luận