Ngày nay, công nghệ sinh học là một mũi nhọn của tiến bộ khoa học công nghệ thế giới. Lịch sử phát triển công nghệ sinh học thế giới đã trải qua ba giai đoạn phát triển với những đặc trưng riêng. Hai giai đoạn đầu là công nghệ sinh học truyền thống (lên men thực phẩm để sản xuất rượu bia, dấm, nước chấm, sữa chua, sản phẩm muối chua …) và công nghệ sinh học cận đại (công nghệ sản xuất thuốc kháng sinh, vitamin, axit hữu cơ, axit amin, dung môi, enzym, sinh khối giầu prôtein…). Hiện nay, công nghệ sinh học đang phát triển ở giai đoạn hiện đại. Công nghệ sinh học hiện đại bao gồm một số lĩnh vực quan trọng như công nghệ di truyền, công nghệ tế bào, công nghệ enzym/prôtein, công nghệ sinh học vi sinh vật, công nghệ sinh học môi trường. Dựa trên thành tựu của công nghệ di truyền, người ta biết rõ từng loại gen và giải mã chúng, từ đó chế tạo ra các loại thuốc đặc trị diệt virut gây bệnh cho động thực vật. Đối với lĩnh vực tạo giống người ta tạo ra các cây trồng vật nuôi chuyển gen để cho năng suất và những chất lượng mới của sản phẩm. Ví dụ nhờ chuyển gen có thể tăng lượng chứa prôtein và cải thiện chất lượng prôtêin trong sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Lại cũng có thế chuyển vào cây trồng, vật nuôi loại gen chống côn trùng, chống nấm, chống virut, để kháng với thuốc diệt cỏ….Dựa trên thành tựu của công nghệ tế bào, người ta đã tạo giống cây trồng bằng nuôi cấy mô, tạo giống con nuôi bằng phương pháp cấy phôi …
Ngành sinh học nước ta đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần phát triển nông nghiệp, đó là:
– Trong trồng trọt, nghiên cứu đặc điểm quang hợp của cây lúa, quang hợp và dinh dưỡng ruộng lúa năng suất cao làm cơ sở cho các biện pháp thâm canh. Đã đưa vào sản xuất công nghệ quang hợp trồng tảo giầu dinh dưỡng để thu sinh khối làm nguồn dinh dưỡng và dược liệu quí. Nghiên cứu quan hệ cộng sinh giữa vi khuẩn Azolla – Anabaens azolla cũng như những vi khuẩn Rhizobium và cây đậu tương, sử dụng các chất điều hoà sinh trưởng, các nguyên tố khoáng vi lượng làm tăng năng suất cây trồng trong nông lâm nghiệp. Nghiên cứu thành công các kỹ thuật di truyền như lai tạo, đột biến, đa bội thể tạo ra nhiều giống lúa, ngô, đậu, đỗ, dâu … được ứng dụng vào sản xuất.
– Trong chăn nuôi, đã thành công trong việc ghép hợp tử và tạo ra bò giống con chất lượng cao. Ngoài ra còn một số thành công trong việc tạo ra các giống lai khác như lợn, gia cầm…
– Trong lĩnh vực vi sinh vật, đã tuyển chọn và xây dựng các sưu tập vi sinh vật có ích, nghiên cứu và áp dụng có kết quả công nghệ vi sinh phục vụ sản xuất và đời sống như thuốc trừ sâu vi sinh vật, phân vi sinh vật cố định đạm cho cây họ đậu, hóc môn thực vật sản xuất bằng công nghệ vi sinh, kháng sinh thô, a xít a min v.v…
– Trong công nghệ thực phẩm, nhiều kỹ thuật và qui trình công nghệ sinh học được nghiên cứu và áp dụng như sản xuất nước chấm, nước giải khát lên men, rượu vang v.v…
Nhờ những thành tựu chủ yếu trên của ngành sinh học đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, chương trình lương thực thực phẩm ở nước ta trong những năm qua.
– Trong công tác nghiên cứu, cần coi trọng các vấn đề sau đây:
+ Trong trồng trọt, không chỉ coi trọng nghiên cứu cây lúa mà cần triển khai mạnh mẽ hơn việc nghiên cứu các loại cây màu như ngô, khoai, đậu đỗ các loại. Đối với cây dài ngày, bên cạnh việc nghiên cứu các cây có giá trị xuất khẩu cần mở rộng nghiên cứu các loại cây khác trong quần thể thực vật chung sống với các cây công nghiệp.
+ Trong chăn nuôi bên cạnh việc coi trọng nghiên cứu con lợn, cần mở rộng nghiên cứu các loại con gia súc gia cầm khác.
+ Trong nghiên cứu quần thể động thực vật trong môi trường nước, cần coi trọng hơn nữa việc nghiên cứu các loại động thực vật nhỏ như nấm, tảo, rong rêu…
+ Nghiên cứu hậu quả của chiến tranh hoá học của Mỹ đối với quần thể động thực vật ở nước ta.
– Trong công tác giống cần chú ý:
+ Lựa chọn, thuần dưỡng các loại giống tốt địa phương. Tổng kết kinh nghiệm nuôi trồng dân gian, mang lại kết quả cao cho mỗi vùng sinh thái nông nghiệp. Cần coi trọng và bảo vệ các loại giống đặc sản.
+ Nhập nội, lai tạo, nuôi thuần chủng để có những giống mới. Coi trọng công tác kiểm dịch động thực vật nhập nội.
+ Xây dựng hệ thống quốc gia từ Trung ương đến địa phương bao gồm các cơ sở nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo, sản xuất, thí nghiệm, sản xuất và cung cấp giống cho sản xuất đại trà v.v… Có biện pháp quản lý giống chặt chẽ, chống lẫn giống và thoái hoá giống.
+ Xây dựng, phổ biến thực hiện qui trình kỹ thuật cho từng loại cây trồng và con nuôi. Qui trình kỹ thuật là một hệ thống biện pháp kỹ thuật với những tiêu chuẩn đã được qui định gắn liền hữu cơ với nhau theo một trật tự thời gian nhất định, phù hợp với qui luật phát triển và phát dục của cây trồng vật nuôi, với điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện đất, nưóc, thời tiết khí hậu ở từng vùng, từng địa phương.
– Thực hiện đổi mới cơ cấu sản xuất trồng trọt và chăn nuôi; cơ cấu mùa vụ; công thức luân canh, xen canh, gối vụ phù hợp trên mỗi vùng sinh thái để khai thác có hiệu quả các tiềm năng sinh học, sinh thái và các tiềm năng khác.
Để lại một bình luận