Một là, cơ chế phân cấp nhiệm vụ chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2016 và 2017-2020 khá rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện cho các cấp chủ động thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục của cấp mình, tránh tình trạng tập trung khối lượng công việc quá nhiều ở chính quyền cấp tỉnh.
Cơ chế phân cấp nhiệm vụ chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2016 và 2017-2020 đã phân định rõ nhiệm vụ chi của các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, chi NSĐP cho GDCL tập trung chủ yếu ở cấp huyện (trên 85% tổng chi NSĐP cho GDCL) phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn, đồng thời thúc đẩy các địa phương nâng cao tính chủ động trong việc bố trí, sắp xếp và sử dụng nguồn lực cho phát triển giáo dục ở địa phương.
Cấp tỉnh chỉ thực hiện các nhiệm vụ chi cho giáo dục THPT, các nhiệm vụ có tính chất toàn ngành và hỗ trợ các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trong trường hợp địa phương không cân đối được nguồn lực.
Hai là, lập dự toán chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2017 đã tuân thủ quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành về quy trình, hướng dẫn thực hiện.
Đã có lịch biểu và hướng dẫn lập dự toán ngân sách hàng năm quy định về nội dung, thời gian, mẫu biểu cần tiến hành lập dự toán chi NSĐP.
HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên NSĐP để làm căn cứ cho các địa phương, đơn vị lập dự toán ngân sách hàng năm. Trong đó, định mức phân bổ chi NSĐP cho GDCL đã có sự phân biệt giữa các khu vực (thành phố, thị xã; đồng bằng; núi thấp; núi cao), phù hợp với đặc điểm địa hình ở địa phương và tạo điều kiện cho người dân ở khu vực khó khăn có nhiều cơ hội tiếp cận với dịch vụ giáo dục hơn.
Ba là, cơ cấu chi NSĐP cho GDCL đã có những thay đổi phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển giáo dục của địa phương, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của ngành giáo dục.
Chi NSĐP cho giáo dục mầm non, tiểu học và THCS chiếm tỷ trọng chủ yếu và tương đối ổn định trong giai đoạn 2011-2017, giảm tỷ trọng chi cho giáo dục THPT và hoạt động giáo dục khác.
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển giáo dục địa phương. Tổng chi NSĐP cho GDCL chiếm từ 21,1-24,9% tổng chi cân đối NSĐP. Với ưu tiên đó, giai đoạn 2011-2017 ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng kể (quy mô giáo dục phát triển hợp lý, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục miền núi được nâng lên; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS được giữ vững; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trước thời hạn…).
Bốn là, quyết toán chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2017 đã thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN về trình tự, hồ sơ quyết toán, tổng hợp số liệu, báo cáo quyết toán.
Những kết quả trong quản lý chi NSĐP cho GDCL nói trên đã tác động tích cực tới kết quả phát triển ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2017. Các mục tiêu phát triển giáo dục cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch (chi tiết theo phụ lục 2.1).
Để lại một bình luận