a- Vấn đề thức ăn chăn nuôi.
Cần phải thay đổi quan niệm về nguồn cung cấp thức ăn cho chăn nuôi trâu bò, nhất là bò sữa và bò thịt. Trước đây, phương thức chăn nuôi trau bò cày kéo chủ yếu sử dụng thức ăn tận dụng phụ phẩm của trồng trọt. Phương thức cung cấp thức ăn này không tính đến hiệu suất tăng trọng mà chủ yếu nhằm mục tiêu duy trì. Chuyển sang phương thức chăn nuôi lấy thịt và sữa phải tính đến hiệu suất mang lại của thức ăn so với năng suất sản phẩm tức là rút ngắn thời gian duy trì, tăng thời gian cho sản phẩm một cách tập trung. Do vậy nguồn thức ăn cần phải đầy đủ về số lượng, thời gian, đảm bảo cân đối về thành phần dinh dưỡng, đảm bảo về chất lượng những yêu cầu này, nguồn thức ăn tự nhiên không thể đáp ứng được mà phải có nguồn thức ăn sản xuất theo mục đích định trước. Do vậy, việc qui hoạch vùng sản xuất thức ăn đầu tư trồng, chế biến thức ăn cho chăn nuôi bò thịt và sữa là một giải pháp mang ý nghĩa tiên quyết đối với phát triển chăn nuôi trâu bò ở nước ta.
b- Cải tạo giống phù hợp với mục đích chăn nuôi.
Trước đây, chăn nuôi trâu bò ở nước ta thực hiện theo phương thức tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có của tự nhiên và các phụ phẩm của trồng trọt nên giống trâu bò cũng chủ yếu là giống địa phương không đòi hỏi cao về nguồn thức ăn, có thể để thích nghi với điều kiện thức ăn sẵn có, song năng suất sản phẩm rất thấp, không ổn định. Chuyển sang phương thức chăn nuôi mới là chăn nuôi lấy thịt và sữa, hiệu quả chăn nuôi phụ thuộc rất lớn vào khả năng cho năng suất sản phẩm của vật nuôi. Do vậy việc cải tạo, thay đổi giống đàn bò theo hướng tăng mức tiêu thụ thức ăn với yêu cầu cân đối về thành phần chất và chất lượng đảm bảo thì mới có thể cho được năng suất sản phẩm thịt, sữa cao có chất lượng. Như vậy, bên cạnh các hoạt động chăn nuôi thương phẩm thì việc phát triển đàn bò sinh sản và bò đực giống có chất lượng cao là khâu mang tính quyết định đối với việc cung cấp con giống tốt cho các hoạt động chăn nuôi thương phẩm. Trên cơ sở kết quả chương trình Zêbu hoá trâu bò nước ta, phát triển nhanh đàn bò giống để thay thế đàn bò giống địa phương nhằm tăng nhanh thể lực đàn bò thịt ở các vùng chăn nuôi tập trung. Cùng với việc đàn bò sữa nhập nội từng bước thuần hoá, đẩy mạnh việc lai tạo đàn bò sữa ngoại nhập với giống bò tốt trong nước để nhanh chóng cung cấp giống tót nhằm phát triển ngành chăn nuôi bò lấy sữa ở nước ta.
c- Thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu bò thịt và bò sữa theo phương thức tập trung.
– Chính sách đầu tư cho vay vốn để tạo lập đàn vật nuôi ban đầu gồm tiền mua con giống xây dựng chuồng trại, xây dựng cơ sở sản xuất chế biến thức ăn.
– Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động sản xuất thức ăn gia súc như miễn thuế nông nghiệp đối với đất qui hoạch phát triển cây thức ăn gia súc, miễn giảm thuế đối với các hoạt động chế biến, bảo quản thức ăn chăn nuôi.
– Thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở chế biến thịt sữa tại các vùng chăn nuôi tập trung. Khuyến khích các cơ sở chế biến thu mua sử dụng nguyên liệu từ sản phẩm chăn nuôi trong nước.
– Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các tầng lớp nhân dân về phát triển chăn nuôi trâu bò thịt sữa, sữa thay thế phương thức và kỹ thuật chăn nuôi cổ truyền.
Để lại một bình luận