Về quản lý thuế tại Tp.HCM, hiện nay phương thức quản lý của Cục thuế Tp.HCM vẫn chủ yếu là dựa vào lý thuyết tâm lý hành vi phổ biến mà chưa quan tâm đến lý thuyết tuân thủ của NNT. Điều này đem lại nhiều bất cập trong quản lý thuế.
Có thể nhận thấy, việc quản lý thuế TNCN theo lý thuyết tâm lý hành vi phổ biến đang áp dụng tại Cục thuế Tp.HCM được thực hiện thông qua những công cụ quản lý chủ yếu là thanh tra, kiểm tra, xử phạt và cưỡng chế để buộc đối tượng nộp thuế thực hiện. Các biện pháp này mang tính răn đe cao, nhưng hiệu quả nộp thuế thấp.
Xem xét lại các tình huống ở nội dung 3.1.2 có thể nhận xét:
– Trong tình huống 1: Điện máy Nguyễn Kim trốn thuế trong thời gian dài, chỉ phát hiện khi thanh tra, kiểm tra thuế, đồng thời Nguyễn Kim chỉ nộp thuế khi cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế thuế.
Trường hợp này có thể coi là hành vi “cố tình không tuân thủ”; bởi vì doanh nghiệp này có hiểu biết về pháp luật thuế TNCN, có hiểu biết về nghĩa vụ nộp thuế nhưng cố tình không nộp và tìm mọi cách để trốn thuế trong thời gian dài. Mặc dù áp dụng biện pháp cưỡng chế để răn đe và truy thu thuế song có thể thấy là mất rất nhiều thời gian trước khi phát hiện sự việc (10 năm) và thời gian để xử lý vụ việc cũng kéo dài (có thể hơn 90 ngày), và cơ quan thuế luôn trong tình trạng bị động (không trực tiếp phát hiện được sai phạm của đối tượng bị quản lý, mà phải nhờ sự tố cáo của cán bộ nhân viên điện máy Nguyễn Kim, và không thể kết thúc vụ việc phải đợi ý kiến chỉ đạo của Tổng cục thuế và Bộ Tài chính hoặc phải tranh tụng tại tòa). Qua tình huống này, chúng ta có thể thấy mô hình quản lý theo lý thuyết hành vi phổ biến còn rất nhiều hạn chế.
– Trong tình huống 2: Cá nhân có thu nhập khủng từ Google:
Đối với tình huống của cá nhân có thu nhập khủng từ Google, chúng ta có thể thấy việc có TNCN phát sinh trong thời gian dài (từ năm 2014 đến 2017), tuy nhiên vụ việc chỉ được phát hiện khi Cục thuế TP.HCM tiến hành rà soát số liệu từ các giao dịch với Google và được biết cá nhân này tạm trú tại Tp.HCM nhưng có hộ khẩu tại tỉnh Quảng Nam và được Google chi trả 727.000 đô la Mỹ (tương đương 17 tỷ đồng) trong giai đoạn 2014-2017 nhưng không nộp thuế TNCN theo quy định. Vụ việc diễn biến rất phức tạp khi Cục thuế Tp.HCM nhiều lần gửi giấy mời làm việc nhưng cá nhân không còn ở địa chỉ tạm trú. Được biết cá nhân có hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam, Cục thuế Tp. HCM đã phối hợp với Cục thuế tỉnh Quảng Nam gửi giấy mời làm việc và sau đó cá nhân đã đề nghị được hướng dẫn để hoàn thành nghĩa vụ thuế TNCN đối với Nhà nước.
Chúng ta có thể thấy hành vi của cá nhân này là “không muốn tuân thủ”, mặc dù cá nhân có hiểu biết về việc có thu nhập thì phải có nghĩa vụ nộp thuế, nhưng không có hiểu biết về loại thu nhập nào phải nộp thuế và nộp thuế bao nhiêu. Chỉ khi cơ quan thuế phát hiện có biện pháp phù hợp thì cá nhân đó mới đề nghị hướng dẫn tính toán thu nhập và thuế TNCN của mình để nộp thuế.
– Trong tình huống 3 và 4: Đối với những cá nhân kinh doanh có thu nhập từ mạng xã hội Google và Facebook.
Đối với tình huống của cá nhân có thu nhập từ mạng xã hội Google hoặc Facebook, có thể thấy công tác quản lý thuế TNCN thật sự có vấn đề. Bởi dù sự việc đã diễn ra trong 2 năm (2016-2017) tuy nhiên các chức năng quản lý thuế như quản lý kê khai thuế TNCN, thanh kiểm tra thuế TNCN đã không phát hiện ra, mà sự việc chỉ được phát hiện khi Cục thuế Tp.HCM tiến hành rà soát số liệu từ các giao dịch với Google và Facebook.
Sau khi rà soát số liệu từ các giao dịch và phát hiện các cá nhân có thu nhập nhưng không kê khai và nộp thuế TNCN theo quy định, Cục thuế Tp.HCM mời cá nhân này lên làm việc và cá nhân này thừa nhận là chưa thực hiện nghĩa vụ thuế, cam kết sẽ tự nguyện khắc phục hậu quả. Như vậy, có thể thấy đây là hành vi không hiểu biết về pháp luật thuế và nghĩa vụ nộp thuế, nhưng đã cố gắng tuân thủ thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế khi được cơ quan thuế tuyên truyền giáo dục pháp luật thuế.
Qua trường hợp này, chúng ta có thể nhận thấy, quá trình trên phản ánh nội dung quản lý thuế TNCN theo lý thuyết tâm lý hành vi phổ biến. Cơ quan thuế thông qua những công cụ quản lý chủ yếu là thanh tra, kiểm tra, xử phạt và cưỡng chế thuế để buộc đối tượng nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình.
Việc quản lý thuế TNCN theo lý thuyết này mang tính răn đe cao, nặng về xử phạt mà chưa hướng tới thúc đẩy NNT tự nguyện tuân thủ thuế TNCN để hình thành tâm lý tuân thủ bền vững. Mặc dù trong công tác quản lý thuế, các công cụ thanh tra, kiểm tra và cưỡng chế nợ thuế TNCN được tăng cường, song mức độ tuân thủ của NNT vẫn chưa được cải thiện. Số vụ việc vi phạm vẫn tăng cao; hoạt động thanh tra, kiểm tra luôn phải nỗ lực vượt bậc, nhưng cũng không hạn chế được các hành vi trốn, tránh nghĩa vụ nộp thuế TNCN.
Vì vậy, việc chuyển từ lý thuyết tâm lý hành vi phổ biến sang quản lý thuế hiện đại theo lý thuyết hành vi tuân thủ của NNT là cần thiết, là tất yếu để tăng cường hiệu quả quản lý thuế bền vững.
Để lại một bình luận