Đa dạng hóa các công cụ giao dịch, loại nghiệp vụ trên thị trường
Việc đa dạng hóa và chuẩn hóa các công cụ tài chính bao gồm đa dạng chủng loại, kỳ hạn và chuẩn hóa theo quốc tế sẽ là những yếu tố cần chú ý thực hiện để góp phần phát triển TTTT, mà đặc biệt là để phát triển các thị trường thứ cấp của các giấy tờ có giá, khuyến khích sử dụng các công cụ chuyển nhượng.
Tại các quốc gia có TTTT phát triển, các công cụ trên thị trường khá đa dạng, đặc biệt các hoạt động repo và phái sinh rất phát triển. Trái lại, ở các quốc gia có TTTT kém phát triển hơn, hoạt động TTTT hầu như chỉ tập trung phát triển ở nhóm cho vay, gửi tiền tiền truyền thống, thị trường repo kém phát triển, hoặc các tổ chức tài chính tư nhân tham gia vào các thị trường mua ban có kỳ hạn GTCG (repo) bị giới hạn chỉ được thực hiện các giao dịch với NHTW. Ở Việt Nam, mặc dù đã ban hành quy định pháp luật chế tài khá chi tiết cho thị trường repo nhưng cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng kịp nhu cầu giao dịch lớn của thị trường; đối tượng tham gia thị trường còn hạn chế và chỉ dừng lại ở các TCTD; hàng hóa giao dịch cũng chủ yếu là trái phiếu Chính phủ; các công cụ mang tính phòng ngừa rủi ro, các nghiệp vụ trên thị trường còn chưa đa dạng, đặc biệt là các nghiệp vụ phái sinh còn rất kém phát triển. Do vậy, cần:
– Khuyến khích phát triển các sản phẩm phái sinh (ngoài các sản phẩm như hợp đồng tương lai, quyền chọn, hoán đổi) góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính mà TCTD cung cấp cho khách hàng.
– Phát triển thị trường mua lại tư nhân (private repos market).
Đa dạng hóa thành viên tham gia thị trường tiền tệ
Nâng cao vai trò của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam là tổ chức nghề nghiệp tự nguyện của các TCTD Việt Nam; hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt; tập hợp, động viên các hội viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên; làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan Nhà nước; nhằm ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, qua đó góp phần thực thi CSTT, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Khi hiệp hội hoạt động tích cực và có uy tín trên thị trường, nó sẽ là cơ sở để nâng cao tính kỷ luật của thị trường, giúp giải quyết vấn đề về cơ chế ra chính sách cho cơ quan quản lý. Để đạt được các mục tiêu này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần phải phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của của mình thông qua việc:
– Tăng cường khả năng xử lý các vấn đề phát sinh trên thị trường trong quan hệ giữa các thành viên, giảm gánh nặng cho việc quản lý thông qua các văn bản pháp luật như Thiết lâp các bộ quy tắc ứng xử, xây dựng các hợp đồng mẫu chuẩn, khả thi với thực tiễn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế trên cơ sở có sự đồng thuận của các thành viên thị trường;
– Làm cầu nối hình thành và duy trì có hiệu quả các kênh đối thoại, tham vấn chính sách giữa NHNN và các đối tác liên quan (như đại diện của các TCTD) để trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách và tình hình thị trường;
– Tăng cường vai trò trong việc tham vấn chính sách, tuyên truyền, quảng bá nhằm tạo được sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách của NHNN;
– Chủ động đối thoại, tham vấn với các đại diện của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các tổ chức hiệp hội ngành nghề và các đối tác liên quan khác.
– Một thị trường tài chính phát triển và thành công cần có một tổ chức tự điều tiết hiệu quả và đóng vai trò giám sát hành vi ứng xử của các thành viên và ban hành các quy chuẩn nghiệp vụ trên thị trường. Tổ chức này sẽ hỗ trợ cho các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ. Do đó, trong dài hạn, cần nghiên cứu chuyển đổi chức năng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thành một tổ chức tự điều tiết. Mô hình này cũng tương tự như Hiệp hội các tổ chức đầu tư trên thị trường tài chính (NAFMII) của Trung Quốc.
Với việc thành lập tổ chức tự điều tiết thì một số vấn đề về thị trường như các quy tắc ứng xử trên thị trường có thể do tổ chức tự điều tiết này giám sát và thúc đẩy, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý tập trung vào các vấn đề pháp lý và an toàn cho hệ thống. Về cơ bản, hoạt động của thị trường dựa trên nguyên tắc tự nguyện và thỏa thuận giữa các thành viên, tuy nhiên, cần phải ban hành một bộ quy tắc ứng xử cho các thành viên thị trường trường quy định về các thuật ngữ giao dịch, đao đức của giao dịch viên, xác nhận giao dịch, bảo mật thông tin, hình thức xử lý đối với thành viên vi phạm… Khi các thành viên cùng chấp thuận bộ quy tắc ứng xử này thì nó là văn bản có tính pháp lý để xử lý các tranh chấp phát sinh. Việc ban hành các văn bản này nên do các Hiệp hội ban hành với sự tham gia phối hợp soạn thảo của NHNN và các TCTD.
Để lại một bình luận