a) Xây dựng mô hình thị trƣờng liên ngân hàng tập trung
Thị trường liên ngân hàng là trung tâm của TTTT. Sự phát triển của thị trường liên ngân hàng là tiền đề quan trọng để NHNN có thể truyền tải CSTT có hiệu quả đến nền kinh tế. Bởi vậy việc phát triển thị trường liên ngân hàng ở Việt Nam cần được coi là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường liên ngân hàng vẫn đang phát triển ở trình độ thấp, hoạt động manh mún, phân khúc. NHNN thiếu cơ sở để quản lý, giám sát do không nắm bắt thông tin một cách kịp thời và đầy đủ để đưa ra những quyết định can thiệp có hiệu quả nhất. Vì vậy, để cải thiện phương thức thu thập và xử lý thông về thị trường, cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao dịch tập trung, quản lý tất cả các giao dịch liên ngân hàng bên trong lãnh thổ Việt Nam bao gồm các giao dịch cho vay, gửi tiền, mua bán ngoại tệ hay các giao dịch phái sinh và hướng tới quản lý được cả các giao dịch giữa Việt Nam với nước ngoài.Mô hình giao dịch điện tử tập trung đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.
Với mô hình này, các thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng là các TCTD sẽ dễ dàng tìm kiếm đối tác và thực hiện giao dịch một cách nhanh chóng, thuận tiện; NHNN với tư cách là người tổ chức sẽ có khả năng giám sát dễ dàng đối với hoạt động của thị trường nhờ luôn sẵn có trong tay số liệu cập nhật tức thời về các giao dịch trên thị trường, có khả năng can thiệp nhanh chóng và kịp thời mỗi khi có những biến động bất thường trên TTTT. Mặt khác, hệ thống cơ sở dữ liệu lịch sử giao dịch được lưu trữ sẽ giúp tất cả các thành viên thị trường phân tích, đánh giá chính xác xu hướng và diễn biến thị trường để từ đó có những quyết định hợp lý; NHNN có thể nắm bắt được đầy đủ các thông tin về thị trường một cách chủ động, xác định được những biến động của các yếu tố ảnh hưởng tới cung, cầu vốn khả dụng: tiền ngoài lưu thông, các dòng ngoại tệ, tiền gửi Chính phủ… từ đó thực hiện việc quản lý vốn khả dụng của nền kinh tế hiệu quả hơn.
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội hiên đang cung cấp một sàn giao dịch trái phiếu riêng rẽ và khá hoàn chỉnh, cho phép các thành viên là các TCTD và công ty chứng khoán đặt lệnh mua bán trực tiếp cả chứng khoán mới phát hành (thị trường sơ cấp) và mua bán hẳn, mua bán kỳ hạn trái phiếu (thị trường thứ cấp). Như vậy, trong dài hạn, sàn giao dịch điện tử liên ngân hàng tập trung cần liên kết với sàn giao dịch trái phiếu chính phủ để xây dựng trở thành một sàn giao dịch điện tử thống nhất có khả năng quản lý và giám sát được tất cả các giao dịch của TTTT.
b) Tiếp tục đầy mạnh phát triển nghiệp vụ thị trường mở
Nghiệp vụ thị trường mở cần được tiếp tục hoàn thiện để đóng vai trò là công cụ điều tiết chủ yếu của NHNN. Cụ thể:
– Rà soát lại khung khổ pháp lý để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường.
– Tăng cường số lượng thành viên tham gia thị trường để hoạt động thị trường mở tác động một cách hiệu quả, kịp thời đến các điều kiện thị trường theo mục tiêu điều hành CSTT.
– Tăng thêm hàng hóa sử dụng trong nghiệp vụ thị trường mở bằng cách mở rộng giao dịch GTCG với nhiều kỳ hạn trong cùng một phiên giao dịch mua và bán trên thị trường mở. Điều này sẽ tạo ra nhiều lựa chọn cho các chủ thể tham gia thị trường, nhờ đó khuyến khích họ tham gia nhiều hơn, kết quả là phản ánh tốt hơn cung cầu vốn trên thị trường.
Công cụ cho vay tái cấp vốn cần được hoàn thiện theo hướng là công cụ cung cấp tín dụng ngắn hạn của NHNN với tư cách là “người cho vay cuối cùng” trong những điều kiện nhất định chứ không sử dụng thường xuyên để tránh tình trạng lạm dụng của các TCTD. Như vậy, việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá hay bảo đảm bằng hồ sơ tín dụng khi NHNN cho các TCTD vay tiền chỉ được coi là biện pháp cuối cùng.
c) Phát triển thị trường repo
Thị trường repo là một bộ phận cấu thành quan trọng của TTTT. Hầu hết các nước (bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi) có xu hướng sử dụng repo nhiều hơn là các hoạt động thị trường mở vì chúng không đòi hỏi phải có một thị trường chứng khoán phát triển vững chắc và chúng xóa bỏ sự ràng buộc giữa kỳ hạn của giấy tờ có giá và kỳ hạn của các giao dịch.
Để phát triển thị trường repo, cần khẩn trương xây dựng hợp đồng khung giao dịch repo chuẩn (GMRA) áp dụng thống nhất cho các giao dịch mua lại GTCG với tất cả các thành viên thị trường. Việc áp dụng các hợp đồng một cách riêng rẽ không theo một chuẩn nhất định như hiện nay làm tăng thêm sự phát triển manh mún của TTTT Việt Nam. Hợp đồng chuẩn này cần áp dụng các thông lệ quốc tế và cân nhắc đến tính phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, tránh những chồng chéo trong quá trình quản lý và giám sát thị trường.
Để lại một bình luận