Các nhân tố khách quan tạo môi trường cho TNXH đối với NLĐ bằng sự hỗ trợ hoặc lại phản ứng để tạo dấu hiệu điều chỉnh hành vi DN. Thông thường, DN phản ứng thụ động với những ảnh hưởng của điều kiện khách quan từ môi trường bên ngoài hoặc chỉ có thể cố gắng tận dụng các cơ hội thực thi TNXH đối với NLĐ và giảm bớt các ảnh hưởng không mong muốn. Nghiên cứu trong và ngoài nước của các tác giả: Murillo & Lozano, (2006), Saulquin & Schier, (2010), Nguyễn Thị Minh Nhàn (2015), Lê Thị Hướng (2017), Phạm Công Đoàn (2012)… đề xuất điều kiện khách quan ảnh hưởng đến TNXH đối với người lao động như: Tình hình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; Quản lý Nhà nước về thực hiện TNXH đối với NLĐ; Các CoC trong thực hiện TNXH đối với NLĐ; Các bên liên quan ngoài DN.
Tình hình phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế
Đối với các DN, tăng trưởng và phát triển kinh tế ổn định là cơ sở quan trọng để các DN thực hiện trách nhiệm pháp lý cũng như đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan trong đó có NLĐ. Bên cạnh đó, tăng trưởng và phát triển cũng dẫn đến những áp lực cho các DN như vấn đề phát triển bền vững hay thực hiện TNXH đối với NLĐ là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển và hội nhập.
Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Hòa mình vào xu thế phát triển này các nước đã gia nhập tổ chức lao động quốc tế – ILO. Việc tham gia ILO đã giúp các nước này tăng cường cải thiện PLLĐ đáp ứng nhu cầu của NLĐ, hướng tới sự ổn định, thịnh vượng của xã hội. Để bảo vệ quyền cơ bản của NLĐ tuyên bố 1998 của ILO đã thông qua các quyền như: “tự do liên kết và thỏa ước lao động tập thể; không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động; xóa bỏ lao động trẻ em; được đối xử bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp”. Do vậy, hội nhập kinh tế là thực hiện TNXH đối với NLĐ để đảm bảo các quyền cơ bản của ILO và yêu cầu về tiêu chuẩn lao động của các Hiệp định song phương, đa phương, các FTAs mà các nước ký kết.
Quản lý Nhà nước về thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động
Nhà nước luôn là chủ thể quản lý TNXH đối với NLĐ còn các bên liên quan như NLĐ, khách hàng hay tổ chức, cá nhân tác động đến DN. Quản lý nhà nước về thực hiện TNXH đối với NLĐ là sự tác động của các chủ thể mang tính quyền lực nhà nước, bằng nhiều biện pháp tới các đối tượng quản lý nhằm thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại của Nhà nước trên nhiều phương diện như:
Thứ nhất, Nhà nước ban hành pháp luật và chính sách có liên quan tới thực hiện TNXH đối với NLĐ của DN. Trách nhiệm đảm bảo quyền của NLĐ được thể hiện trong PLLĐ, Luật ATVSLĐ, Luật công đoàn. Để DN phát triển và hội nhập Nhà nước đã ban hành các chính sách khác nhau để DN có quyền tự do tiến hành hoạt động kinh doanh như: chính sách lao động, chính sách thuế, chính sách đất đai, chính sách đầu tư, chính sách tài chính – tín dụng. Như vậy, Nhà nước đã tạo điều kiện để DN tự do kinh doanh cũng như thực hiện TNXH đối với NLĐ.
Thứ hai, thiết lập tổ chức bộ máy cấp Nhà nước và địa phương về thực hiện TNXH đối với NLĐ gồm: Bộ, Sở, Ủy ban. Đối với hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực PLLĐ, hiện nay chủ yếu giao thực hiện bởi Bộ lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho DN và NLĐ từ nhận thức pháp luật, hỗ trợ DN và NLĐ khi gặp khó khăn; tư vấn pháp luật, xây dựng quan hệ lao động; tạo lưới an sinh xã hội; hỗ trợ cuộc sống vật chất, tinh thần của NLĐ để họ phát triển toàn diện; cung cấp thông tin thị trường, định hướng, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cho DN và NLĐ.
Thứ ba, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, quy hoạch, kế hoạch và chấp hành pháp luật có liên quan tới thực hiện TNXH đối với NLĐ. Đồng thời hoạt động này giúp cho DN hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra sẽ phát hiện sai phạm và có những biện pháp xử lý góp phần “tiết giảm” các vi phạm tương tự đồng thời có những hướng dẫn, hỗ trợ cần thiết.
Các Bộ quy tắc ứng xử về trách nhiệm xã hội đối với người lao động
Một số CoC (xem bảng 1- phụ lục 06) ảnh hưởng đến quy mô, cách thức thực hiện TNXH đối với NLĐ như:
SA 8000: là tiêu chuẩn quốc tế ban hành năm 1997 nhằm cải thiện điều kiện làm việc trên toàn cầu được Hội đồng công nhận Quyền ưu tiên Kinh tế xây dựng với nội dung: lao động trẻ em, lao động bắt buộc, sức khỏe và an toàn cho NLĐ, tự do hội họp và thương lượng tập thể, xử phạt, giờ làm việc và trả công. SA8000 có rất nhiều quy định tương thích với các quy định TNXH đảm bảo quyền trong PLLĐ của Việt Nam.
OHSAS: ban hành bởi Viện tiêu chuẩn Anh năm 1999 nhằm quy định đánh giá về hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. OHSAS18001 không qui định các tiêu chí thực hành cụ thể hoặc đưa ra yêu cầu chi tiết về thiết kế hệ thống quản lý. Nó tạo điều kiện cho các DN kiểm soát các rủi ro về an toàn và sức khoẻ.
WRAP – được Hiệp hội may mặc Mỹ ban hành năm 2002 để công nhận trách nhiệm sản xuất toàn cầu đối với các DN may. WRAP chứng nhận với 12 nguyên tắc: luật pháp và quy tắc nơi làm việc; ngăn cấm lao động cưỡng bức; ngăn cấm lao động trẻ em; ngăn cấm quấy rối và ngược đãi; bồi thường và phúc lợi; sức khỏe và an toàn môi trường làm việc; các quyền hợp pháp của nhân viên về tự do hiệp hội và thỏa ước lao động tập thể…
Các bên liên quan ngoài doanh nghiệp
Các nghiên cứu của Murillo, Lazano, (2006); Perrini et al, (2010) cho rằng các bên liên quan ngoài DN có thể kể đến:
Khách hàng: khách hàng khi mua và sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào họ cần phải được đảm bảo về an toàn, được đầy đủ thông tin về sản phẩm và NLĐ tạo ra sản phẩm được bảo vệ các quyền và lợi ích trong quá trình làm việc như: NLĐ cần được đối xử công bằng, phải được bảo vệ vệ mặt xã hội như BHXH, BHYT.
Khách hàng quốc tế hiện nay ngày càng có những yêu cầu cao hơn, tiến nói mạnh mẽ hơn, quyết định số mệnh của DN, buộc DN thực hiện TNXH đối với NLĐ để bảo vệ NLĐ và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Nhà cung ứng: luôn là “đối tác” có mối liên quan trực tiếp với DN bởi quan hệ khế ước. Nhà cung ứng đảm bảo sự thành công của DN bởi vì nguyên liệu sẽ xác định được chất lượng và giá cả của sản phẩm. Họ có thể gây sức ép để được cung cấp đầy đủ, chính xác, chính sách đảm bảo sự trung thực và công bằng trong các hợp đồng, yêu cầu thanh toán đúng hạn các khoản phải trả và DN có quy trình khiếu nại, giải quyết các tranh chấp liên quan cũng như TNXH đối với NLĐ.
Cộng đồng: DN không thể tác khỏi cộng đồng nơi họ hoạt động. Nhận thức của cộng đồng có được chủ yếu thông qua hoạt động giáo dục, các chương trình đối thoại, các kênh truyền thông. Cộng đồng mong muốn được tôn trọng, được thực hiện các hoạt động hỗ trợ cùng với NLĐ, thiết lập các mối quan hệ minh bạch thông qua các dự án của cộng đồng mà DN thường xuyên tài trợ. Mặt khác, khi cộng đồng có hiểu biết một cách rõ ràng về công bằng xã hội họ có thể gây sức ép lên DN giúp đảm bảo quyền và lợi ích trong thực hiện TNXH đối với NLĐ.
Để lại một bình luận