Tiếp giáp với biển
Xét về mặt lý thuyết, các quốc gia không tiếp giáp với biển thường hạn chế hơn khi trao đổi thương mại với các quốc gia khác vì vận chuyển bằng đường hàng không rất tốn kém chi phí. Nếu vận chuyển bằng đường bộ, họ phải thông qua các nước khác với rất nhiều chi phí phát sinh như chi phí quá cảnh, xung đột với quốc gia quá cảnh, thiếu tính minh bạch, vấn đề thủ tục hành chính và thời gian chờ đợi lâu tại biên giới các nước. Điều này gây trở ngại cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia. Vì lẽ đó, họ sẽ hạn chế hơn trong việc trao đổi buôn bán với các nước còn lại trên thế giới. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa vị trí tiếp giáp với biển của các quốc gia và xuất khẩu đều ủng hộ quan điểm cho rằng các quốc gia không tiếp giáp với biển thường quan hệ thương mại ít hơn với các nước khác trên thế giới (Raballand, 2003; Rose, 2004).
Như vậy, các quốc gia không tiếp giáp với biển được phỏng đoán có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu hàng hóa.
Môi trường kinh tế vĩ mô
Tác động của môi trường kinh tế vĩ mô đến xuất khẩu đã được nghiên cứu khá nhiều trong các công trình nghiên cứu. Trong những nghiên cứu này, các tác giả sử dụng mô hình của Goldstein và Khan (1985) để phân tích tác động của môi trường kinh tế vĩ mô đối với xuất khẩu như B ayoumi và cộng sự (2011). Sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh và do đó có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng cạnh tranh tổng thể của một quốc gia. Chính phủ không thể cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả nếu phải trả lãi cao cho các khoản nợ trong quá khứ. Các doanh nghiệp không thể hoạt động hiệu quả khi tỷ lệ lạm phát vượt quá tầm kiểm soát. Như vậy, nền kinh tế không thể phát triển một cách bền vững trừ khi môi trường vĩ mô ổn định. Sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô là điều cần thiết để hoạt động xuất khẩu tốt hơn (Sertic, M. B. và cộng sự, 2015).
Các quốc gia thành công trong xuất khẩu do họ chiếm lĩnh được các thị trường sử dụng nhiều vốn hoặc có sự khác biệt hoá sản phẩm và có thể ít phải cạnh tranh hơn so với các quốc gia xuất khẩu sang các thị trường mà sản phẩm ở đó sử dụng nhiều lao động. Kết quả là khả năng cạnh tranh của họ ít bị ảnh hưởng bởi những thay đổi nhỏ về tỷ giá hối đoái thực và tương đối phụ thuộc vào nội dung công nghệ của sản phẩm. Điều này có lẽ không đúng đối với các quốc gia xuất khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều lao động phổ thông mà mức độ thay thế cao và nhu cầu về sản phẩm này rất hay thay đổi và phụ thuộc nhiều vào giá cả.
Lãi suất thực, một nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, được cho là có ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia thành công trong xuất khẩu. Khi lãi suất tăng cao sẽ làm tăng chi phí sản xuất và do đó ảnh hưởng tiêu cực về khả năng cạnh tranh xuất khẩu.
Do vậy, về mặt lý luận, một quốc gia có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tạo điều kiện cho hoạt động thương mại phát triển. Trong đề tài này, môi trường kinh tế vĩ mô được giả định có ảnh hưởng tích cực đến thương mại.
Tự do hoá thương mại
Chính sách thương mại bao gồm thuế quan và hàng rào phi thuế quan có ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại quốc tế. Các quốc gia càng nới lỏng chính sách thương mại thì thương mại của các quốc gia đó càng có điều kiện thuận lợi để phát triển. Ngược lại, các quốc gia càng thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch thì thương mại của những quốc gia đó càng bị hạn chế. Một số nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ tích cực giữa tự do hóa thương mại và xuất khẩu, tự do hóa thương mại làm tăng trưởng xuất khẩu (Santos-Paulino và Thirlwall, 2004; Kassim, 2013).
Trên thực tế, các nhà kinh tế đã sử dụng chỉ số tự do thương mại (trade freedom) để đo lường mức độ tác động của chính sách thương mại đối với các hoạt động xuất nhập khẩu. Điểm tự do thương mại dựa trên hai đầu vào: Thuế suất bình quân gia quyền thương mại và rào cản phi thuế quan (NTBs). Như vậy, xét về mặt lý thuyết, các quốc gia càng nới lỏng chính sách thương mại sẽ có xu hướng trao đổi thương mại nhiều hơn.
Để lại một bình luận