Nguyên nhân khách quan: Chưa có chiến lược, quy hoach phát triển logistics chung cũng như tại khu vực Hải Phòng; Chưa có cơ chế chính sách ưu đãi cần thiết (về đất đai, đầu tư, tín dụng…) cho đầu tư, phát triển doanh nghiệp logistics, TT logistics; Năng lực quốc gia về logistics (LPI) của nước ta còn chưa cao, nằm trong mức trung bình của khu vực ASEAN (đứng thứ 5); Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động logistics quy mô nhỏ, bố trí chưa hợp lý, việc đầu tư còn chậm, chưa hiện đại, thiếu động bộ; Hoạt động logistics, doanh nghiệp logistics, TT logistics còn mới, chưa có kinh nghiệm.
Hiện nay hoạt động logistics đang chịu sự quản lý của nhiều cơ quan chức năng chuyên ngành như Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Hải quan với những quy định khá phức tạp đôi khi chồng chéo. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đồng thời cũng khó khăn cho chính công tác thống kê, quản lý và có thể dẫn đến các tiêu cực như giả mạo giấy tờ, xin hoàn thuế.
Nguyên nhân chủ quan: Các doanh nghiệp logistics chủ yếu có quy mô vốn nhỏ, thiếu kinh nghiệm, ít nhân viên, hoạt động chưa chuyên nghiệp, chỉ có thể cung cấp các loại hình dịch vụ đơn giản.
Một trong những nguyên nhân làm cho dịch vụ logistics của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thiếu tin cậy là do trình độ ứng dụng công nghệ thông tin kém kết nối với mạng logistics toàn cầu nên thường xuyên thiếu thông tin, công việc phải giải quyết thông qua các đại lý của các công ty nước ngoài; Chất lượng dịch vụ cung cấp chưa cao, chi phí dịch vụ còn cao, chưa cạnh tranh; Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, hoạt động logistics còn phân tán thiếu kết nối, hoạt động vận tải đa phương thức còn thiếu kết nối, tỷ lệ thuê ngoài logistics còn thấp là những khó khăn ngành dịch vụ logistics đang mắc phải;
Chất lượng dịch vụ thấp, thiếu chuyên nghiệp, chưa tạo dựng được mạng lưới và sự kết nối giữa các doanh nghiệp và chủ hàng, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, hầu hết vẫn mang tính chất trung chuyển nhỏ lẻ; Phát triển nhỏ lẻ tự phát, chỉ tập trung vào cảng biển, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; Chất lượng kho bãi không đồng đều, số lượng kho bãi thuê, sử dụng sai mục đích,… chiếm tỷ lệ lớn;
Bài học kinh nghiệm cho việc đầu tư xây dựng trung tâm logistics tại Hải Phòng.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm và thực tiễn của một số cảng biển, TT logistics cảng biển trong nước và quốc tế, một số kinh nghiệm cần rút ra khi nghiên cứu đầu tư xây dựng TT logistics cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nhằm mang lại hiệu quả cao như sau:
Có 5 loại mô hình đầu tư xây dựng TT logistics cảng biển tại Lạch Huyện – Hải Phòng bao gồm Nhà nước đầu tư toàn bộ hạ tầng và cho thuê hạ tầng; DN nước ngoài đầu tư hạ tầng để khai thác toàn bộ hoặc cho thuê lại; DN trong nước đầu tư hạ tầng để khai thác hoặc cho thuê lại; DN trong nước kết hợp DN nước ngoài đầu tư hạ tầng để khai thác hoặc cho thuê lại; DN kết hợp với vốn nhà nước để đầu tư thực hiện (PPP), do đó Hải Phòng cần chủ động trong việc xây dựng mô hình TT logistics tổng hợp, tập trung, quy mô lớn sử dụng chung cho cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại Lạch Huyện).
Lập và phê duyệt quy hoạch TT logistics cùng với quy hoạch tổng thể phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại Lạch Huyện). Trên cơ sở quy hoạch tổng thể được phê duyệt cần tiến hành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết trung tâm cũng như các chương trình, cơ chế thực hiện quy hoạch và công khai các quy hoạch.
Chủ động xây dựng các chính sách theo các quy định của Luật, nghị định, thông tư của Nhà nước để triển khai kịp thời, khắc phục tình trạng chờ đợi, thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp trong thực thi chính sách. Các chính sách ban hành phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tế. Hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế, giá đất, ưu đãi để thu hút đầu tư logistics trên địa bàn tỉnh. Chủ động trong việc xúc tiến kêu gọi thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng TT logistics cùng với quy hoạch tổng thể phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại Lạch Huyện);
Hải Phòng cần có sự phối hợp chỉ đạo đồng bộ giữa các Bộ ngành trung ương với chính quyền thành phố, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, di chuyển dân trước, khắc phục tình trạng dự án “treo”, không có nguồn lực thực hiện.
Để lại một bình luận