Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất có những nét đặc thù, là ngành sản xuất gắn với sinh vật (cây trồng, vật nuôi), bị chi phối bởi quy luật sinh học, các điều kiện ngoại cảnh (đất đai, thời tiết – khí hậu) và là ngành sản xuất ra sản phẩm tất yếu để xã hội tồn tại và phát triển, vì thế từ lâu rất được các nhà kinh tế quan tâm và được đề cập nhiều trong các lý thuyết kinh tế, nhất là trong các mô hình phát triển kinh tế của các nước chậm phát triển hiện đang tiến hành công nghiệp hoá.
D. Ricardo, nhà kinh tế học cổ điển lỗi lạc cho rằng lợi nhuận là số còn lại ngoài tiền lương mà nhà tư bản trả cho công nhân. Xu hướng giảm sút tỷ suất lợi nhuận được ông giải thích bởi nguyên nhân nằm trong sự vận động, biến đổi thu nhập của ba giai cấp: địa chủ, công nhân và nhà tư bản. D. Ricardo cho rằng do quy luật màu mỡ đất đai ngày càng giảm, giá cả nông sản tăng lên làm cho tiền lương công nhân tăng và địa tô tăng lên, còn lợi nhuận không tăng. Như vậy, địa chủ là người có lợi, công nhân không được lợi và cũng không bị hại còn nhà tư bản bị thiệt do tỷ suất lợi nhuận giảm. Kết luận này rõ ràng không còn phù hợp trong thời đại tiến bộ khoa học công nghệ ngày nay.
Công lao to lớn của D.Ricardo là phân tích địa tô. Điểm nổi bật của lý thuyết địa tô được Ông phân tích dựa trên cơ sở lý thuyết về lao động. D.Ricardo lập luận rằng, do đất đai canh tác bị hạn chế, độ màu mỡ đất đai giảm đi, năng suất đầu tư đem lại không tương xứng, trong khi đó dân số tăng nhanh làm cho nông sản trở nên khan hiếm, trở nên hiện tượng phổ biến trong mọi xã hội. Điều này đã buộc con người phải canh tác cả trên đất xấu. Vì phải canh tác trên đất xấu nên giá trị nông sản do hao phí lao động trên đất xấu quyết định. Vì vậy khoản chênh lệch về lượng nông sản do cùng một lượng đầu tư như nhau trên một đơn vị diện tích ruộng đất tốt hoặc trung bình so với một đơn vị diện tích ruộng đất xấu được gọi là địa tô và khoản chênh lệch này được trả cho địa chủ. Tuy nhiên, hạn chế quan trọng nhất trong lý thuyết địa tô của D. Ricardo là ông không thừa nhận địa tô tuyệt đối.
C.Mác đã dành sự quan tâm đáng kể cho việc nghiên cứu về vấn đề địa tô. Sau khi nghiên cứu lý luận địa tô của các học giả trước C. Mác, như Andiexơn, A.Smith, D.Ricardo v.v. C.Mac đã bình luận, phê phán sâu sắc những quan điểm, nội dung về lý luận địa tô của các học giả này. Những nghiên cứu này được trình bày khá kỹ trong cuốn sách: “Các học thuyết về giá trị thặng dư” phần II (từ chương IX đến chương XIV – quyển IV của Bộ tư bản). Trên cơ sở đó C.Mác đã trình bày quan điểm của mình về địa tô trong quyển III của Bộ tư bản, phần II. ở phần này C.Mác đã trình bày khá cụ thể về các loại địa tô, trong đó Ông đã dành sự quan tâm thích đáng đến địa tô chênh lệch. Theo C.Mac khi hai lượng tư bản và lao động ngang nhau thì lợi nhuận siêu ngạch ấy chuyển thành địa tô. Địa tô chênh lệch bao gồm hai loại: địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II.
Địa tô chênh lệch I được tạo thành là do sự khác biệt về độ phì nhiêu tự nhiên của ruộng đất và vị trí địa lý của các thửa đất đem lại. ảnh hưởng đến độ phì nhiêu tự nhiên của đất, theo C.Mác là do cấu thành lý học (cấu tượng đất, chất đất, v.v…) hóa học đất (các thành phần dinh dưỡng trong đất và khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng), điều kiện thời tiết – khí hậu (ôn độ, ánh sáng, lượng mưa v.v…).
Địa tô chênh lệch II được tạo thành do đầu tư tư bản khác nhau trên cùng một thửa đất. C.Mác nhấn mạnh địa tô chênh lệch I là tiền đề, là điểm xuất phát để tạo thành địa tô chênh lệch II. Ông đã phân tích khá sâu về địa tô chênh lệch II, xem xét địa tô chênh lệch II được tạo thành trong ba trường hợp giả định: giá cả sản xuất không thay đổi, giá cả sản xuất giảm xuống và giá cả sản xuất tăng lên.
Lý thuyết phát triển cân đối của R. Nurkse, là người đi tiên phong trong lý thuyết phát triển, cho rằng cần đầu tư vốn đồng bộ để phát triển rộng rãi các ngành khác nhau, bởi đây là cách duy nhất để tránh khỏi vòng tròn luẩn quẩn của nghèo đói. R. Nurkse quan tâm đến vấn đề tăng thu nhập quốc dân bình quân đầu người bằng cách tạo ra những chuyển biến để thoát khỏi nông nghiệp, là khu vực thu hút quá nhiều nhân công. Ông cho rằng lao động dư thừa cần phải được chuyển khỏi nông nghiệp, đáp ứng sự hình thành tư bản cho các công trình xây dựng, công xưởng, máy móc. Tình hình đó sẽ tăng năng lực sản xuất và nhu cầu chung cần thiết cho sản phẩm có thu nhập cao lâu dài, từ đó đạt được sự cân đối tốt hơn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, với lý thuyết phát triển cân đối làm phân tán các nguồn lực rất có hạn của quốc gia. Chính vì vậy, chỉ sau một thời kỳ tăng trưởng, các nền kinh tế theo đuổi mô hình cơ cấu cân đối đã nhanh chóng rơi vào tình trạng thiểu năng.
Lý thuyết phát triển cơ cấu ngành không cân đối, tiêu biểu cho trường phái này là A. Hirschman, F.Perrons và G.Bernis. Lý thuyết không cân đối cho rằng các nước chậm phát triển không thể và không nhất thiết phải đảm bảo tăng trưởng bền vững bằng cách duy trình cơ cấu cân đối liên ngành, mà cần tập trung tài nguyên, vốn, năng lực quản lý vào những ngành chủ yếu. Việc phát triển cơ cấu ngành không cân đối sẽ gây nên áp lực, tạo ra sự kích thích đầu tư. Trong mối tương quan giữa các ngành, một mặt nếu cung bằng cầu thì sẽ triệt tiêu động lực khuyến khích đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, mặt khác, trong mỗi giai đoạn phát triển của thời kỳ công nghiệp hoá, vai trò “cực tăng trưởng” của các ngành trong nền kinh tế là không giống nhau. Vì thế, cần tập trung các nguồn lực khan hiếm cho một số lĩnh vực trong những thời điểm nhất định với ý nghĩa là những ngành, lĩnh vực đầu tàu lôi kéo toàn bộ nền kinh tế phát triển. Việc vận dụng lý thuyết này để chọn ngành chủ đạo được bàn luận khá nhiều. A. Hirschman (1959) đã xác định những ngành chủ yếu là những ngành có mối liên kết to lớn nhất theo ý nghĩa đầu vào – đầu ra với các ngành công nghiệp khác và những ngành sản xuất không phải nông nghiệp hay công nghiệp nhẹ thuộc nhánh dưới mà là những ngành công nghiệp thuộc nhánh giữa và nhánh trên sử dụng nhiều vốn, đặc biệt là ngành công nghiệp nặng. Thực tế phát triển kinh tế ở các nước Mỹ La Tinh, ấn Độ cho thấy các ngành công nghiệp này, với kết quả không những bản thân các ngành công nghiệp này hoạt động kém hiệu quả mà còn trút hậu quả xuống các ngành công nghiệp nhánh dưới. Mô hình hai khu vực của A. Lewis 7, mô hình này ra đời vào những năm
1950, sau đó được John Fei và G. Ranis mở rộng. Mô hình hai khu vực của Lewis trở thành lý thuyết “khái quát” về quá trình phát triển trong các nước thuộc thế giới thứ ba thừa lao động. Mô hình này được thừa nhận trong gần suốt những năm 1960 và đầu những năm 1970. Trong mô hình Lewis, nền kinh tế kém phát triển có hai khu vực, đó là khu vực nông thôn mang tính truyền thống, dân số đông đúc, nền kinh tế kém phát triển, lao động dư thừa so với các yếu tố sản xuất khác, năng suất lao động bằng không, do đó có thể cung cấp vô hạn lao động sang khu vực công nghiệp mà không hề làm giảm sản lượng. Thứ hai là khu vực công nghiệp thành thị hiện đại, năng suất cao mà lao động từ khu vực truyền thống chuyển sang đó. Trọng tâm của mô hình này là quá trình chuyển dịch lao động từ khu vực sinh tồn – nông nghiệp sang khu vực hiện đại – công nghiệp và sự tăng sản lượng, việc làm trong khu vực hiện đại. Sự chuyển dịch đó là kết quả của sự mở rộng quy mô sản xuất trong khu vực công nghiệp. Tốc độ chuyển dịch phụ thuộc vào tỷ lệ đầu tư công nghiệp và tích lũy tư bản trong khu vực hiện đại. Mức tiền công trong khu vực công nghiệp được giả định là không thay đổi và bị quy định như là một mức nhất định cao hơn mức tiền công trung bình trong khu vực sinh tồn (theo Lewis giả định cao hơn 30% để thúc đẩy nông dân di cư ra khỏi vùng quê của họ). Mô hình của Lewis – Fei – Ranis đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự biến đổi cơ cấu trong những nước chậm phát triển, có giá trị phân tích nhất định ở chỗ, nó nhấn mạnh hai yếu tố chủ yếu của vấn đề công ăn việc làm, đó là những sự khác biệt về kinh tế và cơ cấu giữa hai khu vực nông thôn, thành thị và cơ chế của quá trình chuyển giao lao động giữa hai khu vực.
Tuy nhiên thực tế phát triển ở Trung Quốc, Philippin, Indonexia v.v… với những cuộc di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị đã gây ra tình trạng giảm sút nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp, thiếu hụt lương thực trong các nước này. Vì vậy theo Oshima8 hình mẫu phát triển có lẽ phải bắt đầu từ hiệu suất nông nghiệp, nhất là trường hợp ở các nước Châu á gió mùa, nơi thu nhập hàng năm và năng suất lao động theo đầu người quá thấp. Những ý đồ nhằm duy trì năng suất do biến đổi cơ cấu sẽ không thành công, nếu trước tiên không tăng hiệu suất nông nghiệp, trừ phi việc tăng thu thập do xuất khẩu sản lượng công nghiệp và nhập khẩu lương thực. Tuy nhiên điều này rất khó thực hiện trong giai đoạn đầu của tăng trưởng khi quản lý công nghiệp, kỹ năng, vốn, quy mô và kinh tế đối ngoại chưa phát triển tốt. Đặc biệt với các nước đang phát triển, nhu cầu về nguồn lực có trình độ cao trong giai đoạn đầu công nghiệp hoá là một đòi hỏi quá lớn.
Lý thuyết các giai đoạn phát triển kinh tế của W.Rostow, còn được gọi là mô hình suy diễn lịch sử, đã chia tiến trình kinh tế thành năm gian đoạn: Giai đoạn xã hội truyền thống (nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế), giai đoạn chuẩn bị cất cánh (đã xuất hiện các khu vực kinh tế có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển), giai đoạn cất cánh (tỷ lệ đầu tư tăng từ 5 đến 10% tổng sản phẩm quốc dân), giai đoạn hướng tới sự chín muồi kinh tế (tỷ lệ đầu tư cao, xuất hiện nhiều cực tăng trưởng, làm thay đổi cơ cấu kinh tế), và giai đoạn kỷ nguyên tiêu dùng cao. Với cách phân chia này các nước đang phát triển hiện nay ở vào giai đoạn 1 đến 3. Xã hội có trình độ phát triển còn thấp thì khu vực nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn về cơ cấu giá trị sản phẩm và cơ cấu lao động.
Như vậy, có thể nói rằng hầu hết các lý thuyết của các nhà Kinh tế học trước đây đều không thuần túy tập trung nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp, mà đều đặt nông nghiệp trong mối quan hệ với các ngành, các lĩnh vực khác, trước hết là với công nghiệp. Ngày nay, hơn bao giờ hết, phát triển nông nghiệp càng phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với các lĩnh vực, các ngành khác như: xuất khẩu, du lịch, công nghiệp, môi trường… Do vậy khi nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp cũng phải nghiên cứu trong mối quan hệ tổng thể.
Để lại một bình luận