Theo học thuyết của K.Marx, khi tiền tệ trở thành tư bản cho vay (trong điều kiện thị trường hoàn hảo) thì giá vốn cũng chịu điều tiết của quy luật tỷ suất lợi nhuận bình quân. Mặc dù vậy, lý thuyết kinh tế tiền tệ hiện đại cho rằng lãi suất thị trường được hình thành trên cơ sở cung cầu tiền tệ của thị trường và lãi suất này cũng bị tác động bởi sự can thiệp của NHTW. Vì vậy, lãi suất trên TTTT cũng chịu sự ảnh hưởng từ lãi suất ngân hàng và được điều tiết vĩ mô bởi NHTW.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, lãi suất trên TTTT cần được xác định theo đúng quy luật cung cầu và phản ánh đúng giá cả của hàng hóa được mua bán trên thị trường. Vì vậy, cơ chế cho TTTT hoạt động hiệu quả trước hết được hiểu là cơ chế điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu CSTT của NHTW của từng quốc gia, đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của TTTT của quốc gia đó.
Thông thường, ở các nước phát triển, NHTW sử dụng lãi suất chính thức là lãi suất cho vay qua đêm hoặc lãi suất định hướng liên ngân hàng được xác lập chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển phần lớn sử dụng lãi suất cho vay ngắn hạn (lãi suất tái cấp vốn) kết hợp với lãi suất chiết khấu. Sự thay đổi lãi suất chính thức phụ thuộc vào sự lựa chọn mục tiêu của CSTT và diễn biến kinh tế vĩ mô, tình trạng vốn khả dụng của NHTM. Lãi suất chính thức cần phải phản ánh vai trò của NHTW là người cho vay cuối cùng trên thị trường liên ngân hàng.
Cơ chế cho TTTT hoạt động hiệu quả còn được hiểu là hoạt động điều tiết của NHTW trên TTTT. Theo đó, để tăng động lực phát triển kinh tế, NHTW thực hiện CSTT nới lỏng, tín dụng bằng cách giảm lãi suất tín dụng, hoặc giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc đối với các NHTM và TCTD hoặc mua vào các chứng khoán nợ của Chính phủ. Tùy tình hình cụ thể trong từng thời điểm mà NHTW sử dụng biện pháp/công cụ này hay biện pháp/công cụ khác. Ngược lại, khi cần thực hiện CSTT thắt chặt, NHTW sẽ tăng lãi suất chiết khấu hoặc tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc hoặc bán chứng khoán nợ Chính phủ.
Trên thực tế, sự phát triển của TTTT là cần thiết để nâng cao hiệu quả của việc điều hành CSTT. Theo đó, một TTTT kém phát triển do nhiều nguyên nhân (phân khúc thị trường, dư thừa thanh khoản, tình trạng tài chính yếu kém của các thành viên) có thể cản trở các cú sốc thanh khoản từ NHTW và làm giảm hiệu quả của kênh truyền dẫn của lãi suất, từ đó làm giảm hiệu quả điều hành CSTT (Laurens, 2005).
Việc điều hành CSTT của NHTW, ngược lại cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và các chức năng của TTTT (Loretan & Wooldridge, 2008). Việc gia tăng khối lượng và hoạt động giao dịch trong một số thị trường bộ phận của TTTT, nơi mà tại đó NHTW lựa chọn các công cụ hoạt động và phương thức can thiệp có thể giúp cải thiện độ sâu và sự phát triển của TTTT một cách tổng thể. Theo đó, việc NHTW lựa chọn phân khúc TTTT để điều hành CSTT mà không phải là một bộ phận nào khác hay việc sử dụng các công cụ thị trường trên TTTT thay vì sử dụng các công cụ phi thị trường (kiểm soát tín dụng) sẽ góp phần làm tăng khối lượng giao dịch và do đó, ảnh hưởng đến độ sâu cũng như sự phát triển toàn diện của TTTT.
Để lại một bình luận