Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vẫn là kênh cung cấp nguồn vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán vẫn chưa phát huy được vai trò tích cực là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho thị trường, tạo gánh nặng cho hệ thống các TCTD, là nguyên nhân chính tạo ra rủi ro thanh khoản và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Do vậy, để phát triển được TTCK, mà trước hết là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Luận án có một số khuyến nghị sau:
– Bộ Tài chính cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 vừa được phê duyệt theo Quyết định số 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/02/2019; trong đó có nhiệm vụ đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào hoạt động trong năm 2019. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trung, dài hạn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp do tính thanh khoản của thị trường này khá thấp, báo cáo tài chính của doanh nghiệp chưa thực sự minh bạch để tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư; thiếu tổ chức định mức tín nhiệm doanh nghiệp; điều kiện phát hành, niêm yết, giao dịch của trái phiếu doanh nghiệp tương tự như cổ phiếu nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia huy động vốn, … Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc ban hành và giao dịch các loại hình sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp và các loại hình chứng khoán phái sinh liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa được triển khai gây bất cập cho hoạt động của thị trường.
– Thời gian qua, việc không có tổ chức định mức tín nhiệm được thành lập tại Việt Nam là một trong những nút thắt, trở ngại chính cho sự phát triển của TTCK. Tại các thị trường phát triển đều có các công ty độc lập xếp hạng tín nhiệm các định chế thẩm tra thị trường, các thông tin này được công bố minh bạch và công khai cho các nhà đầu tư và các chủ thể liên quan. Do đó, Bộ Tài chính cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc để đề xuất giải pháp phù hợp cho việc hình thành tổ chức định mức tín nhiệm tại Việt Nam sớm đi vào thực tế.
– Đối với nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, đây là một nghiệp vụ quan trọng trên TTCK, giúp các doanh nghiệp niêm yết huy động và phân phối vốn một cách hiệu quả, từ đó góp phần khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán. Bảo lãnh phát hành từng được coi là một nghiệp vụ chủ đạo cho sự phát triển của các công ty chứng khoán, thế nhưng nghiệp vụ này dường như không xuất hiện trong bảng doanh thu tại nhiều công ty chứng khoán vào thời điểm hiện tại. Do vậy, cần phải có định hướng và phương thức cụ thể để thúc đẩy hoạt động bảo lãnh chứng khoán trên thị trường.
– Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) do đây là một kênh phân phối tiềm năng và có tốc độ phát triển cao trong thời gian qua. Hiện nay mới chỉ có quy định liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02/7/2014 của Bộ tài chính và Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ), còn hoạt động đại lý bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe lại chưa có quy định nào cụ thể đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
– Nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về chứng khoán hóa trong đó tập trung xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các loại hình tài sản nhằm góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch chứng khoán nợ (các loại hình trái phiếu) trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch
Để lại một bình luận