Thứ nhất, nên mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB đối với các loại hàng hóa, dịch vụ sau : các thiết bị điện, điện tử gia dụng cao cấp; điện thoại di động và dịch vụ kinh doanh nó; vật dụng cao cấp làm bằng pha lê, thảm len; mỹ phẩm cao cấp,… không phân biệt đó là hàng hóa sản xuất trong nước hay hàng hóa nhập khẩu. Bởi đây là những loại hàng hóa, dịch vụ cao cấp mà thành phần sử dụng đa số là tầng lớp giàu có. Việc mở rộng diện chịu thuế TTĐB với những loại hàng hóa dịch vụ này sẽ góp phần điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, mở rộng thêm được nguồn thu, (Ngoài ra, do dự thảo sửa đổi luật thuế GTGT mới có điều chỉnh giảm thuế suất đối với hoạt động xổ số kiến thiết, nên cần bổ sung hoạt động này vào diện chịu thuế TTĐB nhằm khai thác tối đa số thu từ hoạt động này . Qua việc mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB trên đây, sẽ cho phép tăng thu từ loại thuế này góp phần bù đắp cho việc giảm thu từ các loại thuế khác (thuế nhập khẩu , thuế sử dụng đất nông nghiệp…). Ở các nước, hàng hóa dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB so với nước ta đều khá rộng, như thuế TTĐB của Malaysia thu vào 17 loại hàng hóa, Hungari thu vào 22 loại hàng hóa, Thụy Điển thu vào 19 nhóm hàng hóa,… Mặt khác, nên đưa mặt hàng ô tô từ 16 đến 24 chỗ ngồi ra khỏi danh mục đối tượng chịu thuế TTĐB vì đây là loại phương tiện lưu thông nhiều chỗ ngồi, thiết nghĩ nên được khuyến khích sử dụng để góp phần giảm thiểu áp lực tình trạng quá tải giao thông trong điều kiện nước ta hiện nay.)
Thứ hai, về thuế suất, sự điều chỉnh cần đặt trong mối quan hệ với các sắc thuế khác. Cụ thể, trong điều kiện thuế nhập khẩu tiếp tục được điều chỉnh giảm theo cam kết thực hiện CEPT, áp dụng thuế GTGT đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB…, theo đó, cần điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành xuống mức hợp lý nhằm không làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các DN đang SX- KD các mặt hàng, dịch vụ này. Bên cạnh đó, để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, chúng tôi đề nghị mỗi loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB chỉ nên áp dụng một hoặc hai mức thuế suất để đảm bảo tính đơn giản, khả thi chứ không chia nhỏ như hiện nay làm cho biểu thuế TTĐB phức tạp và khó áp dụng. Theo đó, đối với mặt hàng thuốc lá không nên áp dụng các mức thuế suất khác nhau phân biệt giữa thuốc lá có đầu lọc và thuốc lá không có đầu lọc bởi như quy định hiện hành thuốc lá không có đầu lọc (có hại cho sức khỏe nhiều hơn thuốc lá có đầu lọc) lại được hưởng thuế suất thấp hơn thuốc lá có đầu lọc (25% so với 45% và 65%) là không hợp lý, khi quy định áp dụng cùng một mức thuế suất nhưng giá trị thuốc lá có đầu lọc lớn hơn giá trị thuốc lá không có đầu lọc nên mức điều tiết thu nhập vào người tiêu dùng thuốc lá có đầu lọc vẫn cao hơn; còn đối với mặt hàng rượu không nên chia thành quá nhiều loại rượu như hiện nay gồm rượu thuốc, rượu dưới 200, rượu chế biến từ hoa quả, rượu từ 200 đến 300, rượu từ 300 đến 400 và rượu trên 400 để áp dụng các mức thuế suất khác nhau làm cho biểu thuế của thuế TTĐB quá phức tạp, thiết nghĩ chỉ nên chia thành hai loại là rượu trên 300 và rượu dưới 300 là đủ, vì rượu dưới 300 đã có cả các loại rượu chế biến từ hoa quả và rượu thuốc trong đó. Đặc biệt, cần xóa bỏ thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành phân biệt giữa thuốc lá có nguyên liệu nhập khẩu trên 51% với thuốc lá có nguyên liệu trong nước là chủ yếu, giữa ô tô nhập khẩu với ô tô SX trong nước vì nó vi phạm nguyên tắc đãi ngộ quốc gia.
Thứ ba, không nên áp dụng chế độ miễn giảm thuế TTĐB cho các cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB bởi đây là loại thuế gián thu do người tiêu dùng chịu thuế, các cơ sở sản xuất chỉ là người nộp hộ nên việc quy định miễn giảm thuế đối với loại thuế này là không hợp lý; hơn nữa theo các cam kết quốc tế về thuế phải thực hiện trong tiến trình hội nhập, chính sách thuế nói chung và thuế TTĐB nói riêng không được phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Mặt khác, đây là những loại hàng hóa dịch vụ mà Nhà nước cần điêu tiết, định hướng cho việc sản xuất, tiêu dùng để đảm bảo lợi ích cộng đồng, hầu hết những loại hàng hóa dịch vụ này không phải là những mặt hàng thiết yếu cho đời sống nhân dân, không thuộc diện khuyến khích tiêu dùng (ngoại trừ những mặt hàng cá biệt như xăng), nên việc quy định miễn giảm thuế đối với các mặt hàng này là không cần thiết.
Thứ tư, cần áp dụng thống nhất quy định giá tính thuế đối với hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB như quy định tại điều 6 của Luật thuế TTĐB,theo đó giá tính thuế là giá do cơ sở sản xuất bán ra tại nơi sản xuất chưa có thuế TTĐB, tức là giá tính thuế bao gồm cả chi phí bao bì, vỏ hộp. Do vậy cần bãi bỏ quy định việc loại trừ chi phí bao bì, vỏ hộp 3.000đ/lít đối với mặt hàng bia hộp hiện nay. Đồng thời để hạn chế việc các cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB lợi dụng việc không quy định khống chế về giá TTĐB để lách thuế như đã trình bày, cần thiết quy định áp dụng giá tính thuế TTĐB theo giá thị trường đối với loại hàng hóa đó trong những trường hợp các cơ sở sản xuất kê khai giá bán không hợp lý. Hoặc nên chăng áp dụng thuế suất tuyệt đối ( như một số nước đã làm ),trước mắt thí điểm cho một mặt hàng nào đó nhằm vô hiệu thủ đoạn “chuyển giá” sau đó, sẽ rút kinh nghiệm mở rộng cho các hàng hoá, dịch vụ khác
Để lại một bình luận