Hà Tĩnh có “13 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Lộc Hà. Đến cuối năm 2016, Tỉnh có 262 xã, phường, thị trấn, trong đó có 230 xã vùng NT. Hà Tĩnh có vị trí địa lý chiến lược so với các tỉnh lân cận”[52]. Tỉnh nằm ở vị trí có khoảng cách tốt “giữa các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam (Hà Nội và Đà Nẵng – chỉ cách khoảng 400km) và có thể tiếp cận bằng các chuyến bay từ sân bay tại khu vực gần đó, bằng đường bộ hoặc bằng đường sắt. Hà Tĩnh có vị trí địa lý thuận lợi để giao thương với Lào và Đông Bắc Thái Lan. Ngoài ra, tỉnh còn có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và cảng nước sâu Vũng Áng thuận lợi cho việc trao đổi và hợp tác với các nước trong khu vực”[52].
Diện tích tự nhiên của Hà Tĩnh là 6.026 km2 “chiếm khoảng 1,8% tổng diện tích cả nước. Với điều kiện địa hình, địa mạo, tính chất khí hậu đất đai, khí hậu, Hà Tĩnh được chia thành 3 vùng sinh thái riêng biệt. Khoảng 9% diện tích đất Hà Tĩnh là đồng bằng ven biển, vùng này bao gồm các huyện, thị xã dọc trục đường QL 1A từ thị xã Hồng Lĩnh đến Kỳ Anh và một phần của huyện Đức Thọ dọc đường QL 8A từ thị trấn Đức Thọ đến thị xã Hồng Lĩnh. Vùng đất nhỏ hẹp này nghiêng từ tây sang đông, có hơn 100.000 ha đất màu mỡ, phù hợp với sản xuất lúa quy mô lớn. Vùng trung du nằm ở khu vực giữa tỉnh, chiếm 5% tổng diện tích đất tự nhiên. Địa hình là đồi thấp, phù hợp với sản xuất lúa gạo, cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày và phát triển trang trại chăn nuôi gia súc tập trung. Phía tây của tỉnh là vùng miền núi, chiếm gần 80% tổng diện tích đất và kém thích hợp nhất với NN. Diện tích sử dụng cho NN chỉ chiếm khoảng 10% diện tích của vùng này. Hơn nữa, thổ nhưỡng vùng núi Hà Tĩnh có lớp đất mỏng, nghèo dinh dưỡng với tỷ lệ đất ferralit vàng có nồng độ axit cao. Điều này tác động tiêu cực tới khả năng canh tác và hạn chế việc sử dụng đất cho các mục đích NN khác nhau”[52].
Hà Tĩnh nằm trong vùng “khí hậu nhiệt đới gió mùa có đặc trưng là thời tiết khắc nghiệt và cực đoan trong suốt cả năm. Những hiện tượng thời tiết bất lợi như mưa kéo dài, bão, lũ lụt, những đợt lạnh sâu và gió lào khô nóng thổi từ phía Tây Nam. Các mô hình thời thiết và khí hậu khắc nghiệt là những thách thức lớn nhất đối với mở rộng sản xuất NN. Nhiệt độ của Hà Tĩnh có thể dao động từ mức trên 40oC và xuống đến mức dưới 12oC”[52]. Từ tháng 3 đến tháng 8, Tỉnh bị ảnh hưởng bởi gió khô nóng tây nam càng làm cho hạn hán và thiếu nước trầm trọng hơn. Đến tháng 9, 10 địa bàn tỉnh lại có mưa to, bão và gió xoáy mạnh, có thể còn gây lũ lụt nghiêm trọng. Độ ẩm thường ở mức cao trong nhiều tháng trong năm. Những điều kiện khí hậu này gây rất nhiều bất lợi tới sản xuất NN.
Dân số của Hà Tĩnh năm 2015 là 1.280,782 nghìn người, mật độ dân số trung bình 209 người/km2. Mặc dù tốc độ đô thị hóa mạnh song Hà Tĩnh còn là một tỉnh NN với hơn 84% dân số sống ở NT. Dân số đông được xem là tiềm năng về nhu cầu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy các ngành sản xuất hàng tiêu dùng phát triển đồng thời cũng cung cấp cho các ngành kinh tế nguồn lao động dồi dào (khoảng 57% dân số trong độ tuổi lao động), người dân Hà Tĩnh còn được đánh giá có truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo.
Để lại một bình luận