Kết quả từ mô hình hồi quy chỉ ra rằng biến “môi trường kinh tế vĩ mô” (MEj) có tác động cùng chiều với xuất khẩu hàng chế biến. Khi tổng chỉ số về chất lượng của yếu tố này ở Việt Nam và EU tăng lên 1% thì xuất khẩu hàng chế biến sang EU sẽ tăng 0,069%. Kinh tế vĩ mô ổn định được thể hiện bởi mức lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, cán cân thanh toán thặng dư và ngân sách được cải thiện. Rõ ràng, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam và EU ổn định sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy xuất khẩu hàng chế biến của Việt Nam sang thị trường EU.
Giữ ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những yêu cầu quan trọng, được ưu tiên hàng đầu nhằm phát huy vai trò kiến tạo của Nhà nước và có ý nghĩa trên nhiều phương diện trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới của Đảng. Bởi lẽ, ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đẩy mạnh đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa cũng được phát triển. Và ngược lại, tăng trưởng kinh tế bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, từ đó tạo nền tảng cho kinh tế vĩ mô ổn định.
Nền kinh tế của nước ta đã trải qua nhiều khó khăn và biến động lớn như cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu Á 1997-1998 hay khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008. Trong những giai đoạn đó, nước ta đã áp dụng các biện pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Từ vài năm trở lại đây, nền kinh tế nước ta đã dần có dấu hiệu phục hồi tích cực và tiếp tục phát tri ển ổn định. Điều này thể hiện ở chỉ số giá tiêu dùng đã giảm (từ 6,81% năm 2012 xuống còn 3,53% năm 2017) và tốc độ tăng trưởng GDP tăng (từ 5,25% năm 2012 lên 6,81% năm 2017).
Riêng năm 2017, tỉ lệ lạm phát có xu hướng giảm rõ rệt, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tỉ lệ nợ công/GDP đã giảm xuống còn 62%, tăng trưởng nợ công cũng giảm dần còn 9%, cán cân thương mại thặng dư 2,8 tỷ USD. Tỷ giá đã đi vào ổn định, lãi suất có chiều hướng giảm phù hợp với diễn biến lạm phát, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói riêng.
Theo đánh giá của WEF, chỉ số môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã dần cải thiện trong những năm gần đây. Chỉ số này liên tục tăng lên từ 4,44 năm 2013 lên 4,74 năm 2015. So với các nước EU, chỉ số của Việt Nam thấp hơn so với một số nước như Áo, Cộng hoà Séc, Đan Mạch, Hà Lan,… nhưng cao hơn so với các nước: Bồ Đào Nha, Ý,… (Phụ lục 12). Môi trường vĩ mô còn được phản ánh thông qua các chỉ tiêu: Số dư ngân sách của chính phủ, tổng mức tiết kiệm quốc gia, lạm phát, nợ chính phủ (Phụ lục 13). Đối với Việt Nam, số dư ngân sách của chính phủ vẫn xếp hạng ở mức thấp tuy nhiên đã có những cải thiện trong vài năm gần đây, từ vị trí thứ 126 năm 2010 đến năm 2015 vị trí này đã tăng lên 115. Tổng mức tiết kiệm quốc gia đã tăng lên, lạm phát ngày càng được kiểm soát. Trong giai đoạn 2006 – 2015, lạm phát ở mức cao nhất vào năm 2009 là 23,1% (xếp hạng thứ 126), nhưng đến năm 2015 lạm phát chỉ còn 4,1% (xếp hạng thứ 85). Nợ chính phủ vẫn chiếm một tỷ lệ cao trong GDP.
Có thể thấy rằng, với những nỗ lực của chính phủ trong việc phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khóa cũng như thương mại, đầu tư,. tình hình kinh tế của đất nước đã có những chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế đang trên đà tăng tốc và nền tảng kinh tế vĩ mô dần được cải thiện, vững chắc hơn. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng kinh tế còn thấp hơn so với thời kỳ trước năm 2008, mặc dù đã có tín hiệu cải thiện nhưng tỷ lệ nợ công vẫn cao, bội chi ngân sách còn lớn. Điều này cho thấy rằng nhiều chính sách kinh tế vĩ mô đã và đang đi đúng hướng, tuy vậy tốc độ còn chậm. Trong khi đó, bối cảnh thế giới, khu vực có những diễn biến khó lường, đầy biến động. Các quốc gia, đối tác lớn như EU đang thực hiện các chính sách như tăng lãi suất, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và giảm thuế để thu hút đầu tư về nước họ đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế thế giới nói chung, tình hình kinh tế vĩ mô và nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam nói riêng, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu hàng chế biến. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm ổn định vĩ mô cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc hoạch định và năng lực tổ chức thực hiện các chính sách phát triển vĩ mô của Nhà nước được tiến hành đúng, phù hợp, kịp thời sẽ là điều kiện quan trọng và cần thiết để tạo nên tiếng nói chung trong xã hội cùng hành động vì sự nghiệp phái triển đất nước.
Qua các phân tích trên đây, có thể thấy rằng môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam và EU ổn định sẽ là nhân tố tác động tích cực đến xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng chế biến của Việt Nam sang thị trường EU nói riêng.
Để lại một bình luận