Trình độ phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và sự phát triển của các thị trường bộ phận trên thị trường tài chính TTTT ra đời và phát triển là kết quả của quá trình phát triển của nền kinh tế. Sự phát triển của TTTT chỉ đầy đủ và đồng bộ khi hội đủ những điều kiện kinh tế khách quan, đặc biệt là sự phát triển của các thị trường khác trong nền kinh tế như thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường vốn… Mặt khác, khi một nền kinh tế phát triển, nhu cầu vốn của các chủ thể trong nền kinh tế sẽ gia tăng kéo theo nhu cầu về đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho việc lưu chuyển vốn trong nền kinh tế và qua đó góp phần phát triển TTTT.
Ở chiều ngược lại, sự phát triển của TTTT đóng vai trò tích cực cho việc phát triển hệ thống ngân hàng, thực hiện chức năng điều tiết cung cầu về nguồn vốn ngắn hạn để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể trong xã hội và tạo điều kiện cho việc dân đối, điều hòa nguồn vốn giữa các NHTM. Một TTTT hoạt động tích cực, phát triển tốt sẽ giúp cho các công ty, doanh nghiệp ngoài ngân hàng và các NHTM tiếp cận vốn vay ngắn hạn một cách thuận lợi, đẩy nhanh quá trình luân chuyển vốn trong nền kinh tế, qua đó góp phần phát triển kinh tế nói chung.
Mối liên hệ giữa phát triển TTTT với các thị trường bộ phận khác của thị trường tài chính cũng như đối với sự vận hành, lưu thông chung của nền kinh tế được thể hiện trong mô hình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (xem Hình 2.1). Trong mô hình này, TTTT được chia thành 3 phân khúc:
(i) Thị trường liên ngân hàng: Là nơi giao dịch các khoản vốn ngắn hạn ngay trước khi quyết toán để cho phép các ngân hàng đáp ứng các nghĩa vụ với nhau và với NHTW. Thị trường liên ngân hàng theo nghĩa hẹp này chỉ bao gồm sự tham gia của các tổ chứccó tài khoản ở NHTW và NHTM.
Thị trường liên ngân hàng hỗ trợ các tổ chức tài chính quản lý các luồng thanh khoản ngắn hạn của mình, thực hiện phân bổ có hiệu quả các nguồn lực của xã hội; tạo điều kiện phát triển các thị trường ngoại hối, thị trường vốn dài hạn.
Như vậy, thị trường liên ngân hàng đóng vai trò như thị trường thứ cấp, thị trường thanh khoản của các công cụ nợ dài hạn, do đó, nó góp phần thúc đẩy thị trường huy động và cho vay trung, dài hạn. Hoạt động mua, bán các công cụ nợ dài hạn (giao dịch ngắn hạn) trên thị trường thứ cấp sôi động sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc phát hành các công cụ nợ đó trên thị trường sơ cấp. Tính thanh khoản và sự ổn định của TTTT ảnh hướng tới sự thanh khoản của thị trường trái phiếu.
(ii) Thị trường qua đêm: Thị trường cho các khoản vốn với kỳ hạn qua đêm. Các giao dịch diễn ra liên tục trong ngày. Ngân hàng và các TCTD lớn tham gia.
(iii) Thị trường kỳ hạn: Thị trường cho các khoản vốn có kỳ hạn hơn 1 ngày và dưới 1 năm. Trong đó có cả thị trường thứ cấp cho các loại giấy tở có giá. Thị trường này có sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn.
Khi tách thị trường ngoại hối với chức năng là nơi mua bán các loại ngoại tệ ra khỏi TTTT, nhìn nhận TTTT ở góc độ là nơi tạo điều kiện dễ đàng cho các nhà đầu tư cơ cấu lại thời hạn của các công cụ nợ (như chuyển đổi các công cụ ngắn hạn thành các công cụ dài hạn và ngược lại), thì rõ ràng, sự phát triển của TTTT tạo điều kiện cho các nhà tạo lập thị trường (market makers) trên các thị trường khác của hệ thống tài chính có đủ nguồn lực tài chính để nắm giữ không chỉ các loại chứng khoán mà cả ngoại hối, nhờ đó mà họ có thể thực hiện các giao dịch buôn bán với các đối tác khác. Nếu hoạt động trên TTTT được thông suốt và nhịp nhàng thì các nhà đầu tư cũng dễ dàng quản lý, luân chuyển và duy trì đều đặn nguồn vốn để tham gia một cách nhịp nhàng và tích cực trên thị trường ngoại hối. Như vậy, tính thanh khoản của TTTT bao gồm hoạt động vay mượn qua đêm và các kỳ hạn giữa các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn có ảnh hướng tới sự vận hành của thị trường ngoại hối. Sự phát triển của TTTT cũng giúp tạo ra các thị trường nợ có tính thanh khoản cao, qua đó tăng xác suất thành công khi Chính phủ thực hiện các hoạt động bán đấu giá, góp phần đảm bảo chắc chắn hơn nguồn tài chính của Chính phủ. Sự tồn tại của các thị trường nợ có tính thanh khoản tốt cũng làm giảm chi phí đi vay nói chung của Chính phủ; Chính phủ có thể kiểm soát và hạ thấp được chi phí bảo hiểm thanh khoản của mình, qua đó giúp phát triển thị trường trái phiếu.
Để lại một bình luận