Các bộ phận của thị trường tài chính (thị trường bộ phận) có mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời. Mối quan hệ của chúng được hình thành từ các luồng chu chuyển về vốn giữa các bộ phận, biến động trên thị trường này sẽ tạo ra các luồng vốn chu chuyển, từ đó tác động đến quan hệ cung cầu, làm thay đổi những chỉ số phản ánh hoạt động của thị trường khác.
Về mặt thời gian, thị trường tiền tệ xuất hiện trước thị trường vốn nhưng chúng đều là những mắt xích trong một dây chuyền hoàn chỉnh – hệ thống tài chính quốc gia và quốc tế. Theo sự phát triển của nền kinh tế, thị trường tài chính ngày càng trở nên linh hoạt, tinh vi và phức tạp hơn, ranh giới giữa các công cụ, giữa các thị trường bộ phận ngày càng mang tính tương đối. Các công cụ tài chính được lưu thông đan xen giữa các loại thị trường và được chuyển hoá lẫn nhau. Những công cụ mới xuất hiện liên tục, trong đó có những công cụ mang tính hỗn hợp với những đặc tính vốn tồn tại tách rời nhau. Các thị trường bộ phận do đó càng trở nên gắn bó với nhau chặt chẽ hơn.
Mối quan hệ giữa các thị trường bộ phận thông qua công cụ lãi suất và được phản ánh bởi sự biến động của các chỉ số khác như giá chứng khoán, tỷ giá hối đoái. Sự thay đổi của lãi suất chắc chắn sẽ dẫn đến những biến động về giá chứng khoán và tỷ giá hối đoái. Ngược lại, những biến động này sẽ cân bằng trở lại dưới tác dụng của việc điều chỉnh lãi suất. Có thể nói, lạm phát và lãi suất là hai nhân tố vĩ mô ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường chứng khoán, trong đó lãi suất là nhân tố gây tác động trực tiếp tới giá chứng khoán thông qua việc thay đổi lợi suất yêu cầu của nhà đầu tư. Khi thị trường tiền tệ có dấu hiệu thay đổi lãi suất chiết khấu và tái chiết khấu từ NHTW, lập ức sẽ ảnh hưởng tới giá chứng khoán. Tóm lại, các thị trường bộ phận có mối quan hệ khăng khít, biện chứng và tác động lẫn nhau, ảnh hưởng và chi phối đến nhau. Đây chính là một yếu tố tạo nên tính đồng bộ của thị trường tài chính.
Để lại một bình luận