Theo Lý thuyết Keynes và Lý thuyết bầy đàn (Banerjee, 1992; Chari và Kehoe, 2004) thì cơ chế phản hồi khách quan và chủ quan được kích hoạt. Trước những thông tin về cuộc suy thoái tài chính đến gần (suy thoái trong TTTD và BĐS), các nhà đầu cơ, các chủ thể trong nền kinh tế buộc phải đồng loạt bán tháo các tài sản để thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình. Vấn đề quá nhiều nhà đầu tư bán cùng một lúc có thể làm giá trị các loại tài sản tài chính giảm mạnh và dẫn đến một sự sụp đổ nhanh chóng TTTD và TTBĐS.
Mặt khác, các ngân hàng hạn chế cấp tín dụng, cơ cấu lại các khoản vay hoặc siết chặt các điều kiện cho vay, càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn. Ngoài ra, trong thời kỳ này, thông qua cơ chế lan truyền thông tin phản ánh về sự khó khăn của nền kinh tế lòng tin bị xói mòn và mức độ không chắc chắn gia tăng bao trùm lên các chủ thể.
Bên cạnh đó, do sự thiếu hụt về nguồn vốn, đầu tư và nhu cầu tiêu dùng sẽ suy giảm, theo Lý thuyết tiêu dùng yếu, trong thời kỳ này phần trăm tiết kiệm trong tổng thu nhập sẽ tăng, “tiền giữ trong túi” (Nguyễn Ngọc Thạch và Lý Hoàng Ánh, 2014). Theo đó giá trị hàng hóa giảm, có thể dẫn đến giảm phát. Trong thời kỳ này, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ bắt đầu cắt giảm chi phí, đầu tiên là chi phí lao động nên tỷ lệ thất nghiệp tăng. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt của các doanh nghiệp và lan truyền trên toàn diện. Theo Lý thuyết Keynes, nếu không còn đủ dòng tiền chảy vào nền kinh tế để giúp cho quá trình tái tài trợ thì tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài và kết quả là cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, chu kỳ kinh tế khép lại.
Do đó, nhằm hạn chế những mất mát do suy thoái kinh tế gây ra, Chính phủ có thể thực hiện CSTT thắt chặt bằng cách tăng lãi suất nhằm hạn chế việc tiếp tục vay mượn để mở rộng kinh doanh, đầu tư do chi phí lãi vay tăng cao, lợi nhuận kỳ vọng thấp, giá tài sản có thể ngừng gia tăng hơn nữa và điều này có thể dẫn đến các vấn đề về nhà đầu cơ, hoặc thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư, nền kinh tế bị thu hẹp.
Tuy nhiên, theo trường phái Tân cổ điển, nguyên nhân của sự thu hẹp quy mô đầu tư của các nhà đầu tư cũng như sự không sẵn sàng tiêu dùng của hộ gia đình là vì họ dự đoán thuế sẽ cao hơn trong tương lai vì thâm hụt ngân sách lớn của Chính phủ. Do đó, để hạn chế tình trạng này, Chính phủ các quốc gia cần kiểm soát các vấn thu, chi ngân sách nhà nước và điều chỉnh chính sách thuế.
Ngoài ra, trong điều kiện các quốc gia có mối quan hệ với nhau chặt chẽ và trở nên phụ thuộc lẫn nhau đã dẫn đến quá trình toàn cầu hóa gia tăng mạnh mẽ như hiện nay. Vì vậy, suy thoái kinh tế kéo dài và nghiêm trọng dẫn đến khủng hoảng kinh tế và lan truyền sang các nước khác, phạm vi toàn cầu. Đây là xu hướng đồng bộ hóa chu kỳ kinh tế. Điều này được thể hiện ở cả ba khía cạnh – nền kinh tế, xã hội và chính trị. Trong phạm vi luận án nghiên cứu về khía cạnh kinh tế. Cơ chế lan truyền về khía cạnh kinh tế chủ yếu thông qua sự dịch chuyển bằng kênh thương mại trực tiếp và dòng vốn đầu tư quốc tế. Đối với kênh thương mại trực tiếp, do tổng cầu của các quốc gia suy thoái kinh tế sụt giảm mạnh, theo đó hàng hóa nhập khẩu cũng giảm tương ứng. Từ đó, ảnh hưởng mạnh nhất đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của các nước nhất là các nước có quan hệ thương mại quốc tế lớn với quốc gia bị suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, theo Kindleberger (1996), thông thường cơ chế lan truyền chu kỳ kinh tế từ một nước phát triển sang các quốc gia đang phát triển không phải thông qua các kênh thương mại trực tiếp mà chủ yếu thông qua kênh đầu tư. Dòng vốn đầu tư quốc tế dịch chuyển từ các quốc gia có chu kỳ kinh tế ở pha suy thoái sang các quốc gia có chu kỳ kinh tế ở pha phục hồi hoặc hưng thịnh. Kết quả của quá trình này là tại các quốc gia đang bị suy thoái kinh tế, sự thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai, mất khả năng thanh toán các khoản nợ ngoại tệ, dẫn đến sự mất giá của đồng nội tệ. Trường hợp này thường xảy ra tại các nước đang phát triển thường rơi vào tình trạng bị đô la hóa cao (Herr, 2008).
Mặc dù, các trường phái khác nhau có các hướng tiếp cận khác nhau nhưng chúng không mâu thuẫn nhau và đóng vai trò là một nội dung trong hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh về chu kỳ kinh tế. Do đó, trong nội dung tiếp theo, luận án sẽ vận dụng kết hợp các lý thuyết này với các lý thuyết CTV hiện đại nhằm phân tích mối quan hệ giữa suy thoái kinh tế và việc lựa chọn CTV của doanh nghiệp.
Để lại một bình luận