Năm 1968 Becker đưa ra lý thuyết kinh tế về tội phạm. Trên cơ sở lý thuyết này, Allingham và Sandmo năm 1972 phát triển mô hình kinh tế về hành vi tuân thủ thuế. Trong mô hình của Allingham và Sandmo, NNT được giả thiết là có thu nhập (I) và cần phải chọn lựa báo cáo một khoản thu nhập cho cơ quan thuế làm cơ sở tính thuế TNCN. Khoản thu nhập do NNT báo cáo
(D) sẽ được đánh thuế suất (t) và khoản thu nhập do NNT không báo cáo sẽ không bị đánh thuế. NNT sẽ có khả năng bị phát hiện (p) và có thể bị phạt một khoản tiền (f) vì hành vi gian dối.
NNT sẽ có hai phương án lựa chọn:
(1) NNT sẽ báo cáo khoản thu nhập thật sự của họ;
(2) NNT sẽ báo cáo một khoản thu nhập ít hơn so với khoản thu nhập thật sự của họ.
Nếu NNT chọn phương án (2), việc NNT bị phạt sẽ phụ thuộc vào việc NNT có bị kiểm tra bởi cơ quan thuế hay không. Nếu NNT không bị kiểm tra, NNT rõ ràng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn việc lựa chọn phương án (1). Nếu NNT bị kiểm tra, NNT sẽ bị truy thu và bị phạt. Do đó, NNT sẽ chọn một khoản thu nhập (D) để tối đa hóa lợi ích kỳ vọng của việc trốn thuế.
Trên cơ sở đó, Allingham và Sandmo đề nghị công thức tính toán khoản thu nhập (D) phụ thuộc vào các yếu tố thu nhập thực sự (I), khả năng bị phát hiện (p), khoản phạt (f) và thuế suất (t) như sau:
D = f(I, p, f, t)
Công thức này chỉ ra rằng thu nhập báo cáo (D) biến thiên phụ thuộc trực tiếp bởi yếu tố thu nhập, khả năng bị kiểm tra và khoản phạt, nhưng ngược chiều với mức thuế suất.
Ngoài ra, hành vi tuân thủ sẽ tác động trực tiếp tới lợi ích mỗi cá nhân nhận được tự dịch vụ công hình thành từ các khoản đóng góp thuế của họ.
Lý thuyết của Allingham và Sandmo dựa trên giả thiết là NNT đóng thuế là kết quả của việc họ sợ bị phát hiện và đóng phạt. Tuy nhiên, rõ ràng là hành vi tuân thủ của NNT không thể được giải thích hoàn toàn bởi các yếu tố về kinh tế và mức độ nghiêm khắc của luật. Lý thuyết của Allingham và Sandmo được cho rằng quá đơn giản và đã bỏ qua rất nhiều yếu tố phi kinh tế cần thiết chưa được đề cập.
Để giải quyết những khiếm khuyết trên, thuyết hành vi dự định được đề xuất bởi Ajzen năm 1985, thuyết hành vi dự định được phát triển từ thuyết hành vi có lý do của Fishbein và Ajzen đề xuất năm 1975. Xuất phát điểm của lý thuyết này cho rằng, mọi người có khả năng sẽ thực hiện một hành vi nếu họ đánh giá hành vi đó sẽ mang lại kết quả tích cực và nếu họ cho rằng những người khác cũng muốn thực hiện hành vi đó. Tuy nhiên, việc đánh giá kết quả tích cực và nhiều người cùng muốn thực hiện không phải lúc nào cũng dẫn tới việc thực hiện hành vi.
Để tăng tính dự báo cho lý thuyết hành vi có lý do, Ajzen đã thêm một thành tố nữa là thành tố kiểm soát hành vi cảm nhận. Giả thuyết chính của lý thuyết hành vi dự định là yếu tố trung gian của hành vi, được gọi là dự định thực hiện hay không thực hiện một hành vi. Dự định này được Ajzen đề nghị là gồm ba nhân tố: thái độ, chuẩn mực chủ quan và kiểm soát chủ quan về một hành vi cụ thể. Lý thuyết hành vi dự định đưa ra những giải thích về sự kết hợp của ba nhân tố trên trong việc dự báo hành vi của con người.
Lý thuyết hành vi dự định được xem là một lý thuyết phù hợp để giải thích các yếu tố tác động vào hành vi tuân thủ thuế của NNT. Một số nghiên cứu đã sử dụng lý thuyết hành vi dự định để giải thích như nghiên cứu của Damayanti năm 2012; Benk, Cakmak, & Budak năm 2011; Hai & See năm 2011; Trivedi, Shehata, & Mestelman năm 2005; Hanno & Violette năm 1996. Đến nay đã có khoảng 55 nhân tố tác động đưa phân loại thành 3 nhóm, cụ thể: Thái độ (16 nhân tố), Chuẩn mực chủ quan (7 nhân tố) và kiểm soát chủ quan (29 nhân tố), cuối cùng các nhân tố còn lại được phân vào nhóm khác.
Trong luận án này, NCS sử dụng lý thuyết hành vi dự định của Ajzen đề xuất năm 1985 làm lý thuyết nền để giải thích mối quan hệ giữa các nhân tố tác động đến hành vi dự định tuân thủ thuế TNCN của NNT.
Để lại một bình luận