Lý thuyết phát triển kinh tế là lý thuyết đề cập đến những cách thức, con đường để phát triển kinh tế, để các nước đang phát triển thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn. Một số lý thuyết tiêu biểu về phát triển kinh tế liên quan trực tiếp đến nội dung nghiên cứu của luận án:
– Lý thuyết phát triển về nông nghiệp, nông thôn
Có thể nói rằng tất cả các lý thuyết phát triển đều bắt đầu bằng mối quan hệ đối lập giữa một bên là xã hội truyền thống và bên kia là xã hội hiện đại, trong đó xã hội truyền thống được định nghĩa là “nông thôn”, “lạc hậu”, và “kém phát triển” còn xã hội hiện đại là “thành thị”, “văn minh”, và “công nghiệp” (Larrain 1989). Các học thuyết về phát triển và hiện đại hóa ở thời kỳ này coi nông dân là những người sống ở nông thôn, thiếu vốn sản xuất, trình độ lao động thấp và thường áp dụng các kỹ thuật sản xuất lạc hậu, vì vậy họ thường đưa ra những quyết định sản xuất không hợp lý . Do vậy, các lý thuyết phát triển đều cho rằng nông dân cần phải được “hiện đại hóa”, được tạo cơ hội tiếp cận với vốn, kỹ thuật, thị trường và cần phải được hỗ trợ để cho phát triển (Escobar 1995) (Nguyễn Phượng Lê (2012), “Những lý luận cơ bản về “nông nghiệp- nông dân- nông thôn”: Thực tiễn áp dụng ở Việt Nam”, trong Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn, tr7- 27, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội)
Với lập luận như vậy, các nhà lý thuyết phát triển đã đề xuất 2 con đường cơ bản cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đó là: (i) Các nông hộ sản xuất nhỏ nên được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để trở thành các trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn phù hợp với nền kinh tế hàng hóa; (ii) Các nông hộ sản xuất nhỏ sẽ bị phá sản nếu họ không có khả năng cạnh tranh trên thương trường cũng như trong quá trình sản xuất. Nói cách khác, l thuyết phát triển khẳng định rằng nền kinh tế tiểu nông chỉ có thể tồn tại trong xã hội hiện đại khi nó được hòa nhập với nền kinh tế thị trường bằng cách tiếp thu và áp dụng những kiến thức tiên tiến.
– Lý thuyết về phát triển bền vững
Đầu thập niên 80, thuật ngữ “phát triển bền vững” được Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thế giới (IUCN), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UPEP) và Quỹ bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (WWF) sử dụng trong “Chiến lược bảo tồn thế giới”, đề xuất nội dung “phát triển bền vững” là: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái”. Trong báo cáo Brundland, “Phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của hiện tại và không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai”. Từ đây, “Phát triển bền vững” trở thành khái niệm then chốt giúp các quốc gia xây dựng quan điểm, định hướng, giải pháp tháo gỡ các vấn đề trong quá trình phát triển, chủ động điều chỉnh (tái cơ cấu) nền kinh tế, trong đó có chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đó là sự phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo, tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và hệ thống trợ giúp của tự nhiên đối với cuộc sống con người, động vật và thực vật. Qua thời gian, khái niệm này không chỉ dừng lại ở nhân tố sinh thái mà còn mở rộng thêm nội hàm vào nhân tố xã hội, con người, đặc biệt là bình đẳng xã hội. Như vậy, phát triển bền vững là sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu kinh tế – xã hội và môi trường.
Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về môi và phát triển bền vững họp tại Johannesburg, Nam Phi (2002), và trong các văn kiện tại hội nghị đã khẳng định: Phát triển bền vững là sự phát triển không những chỉ đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà còn không làm ảnh hưởng xấu, cản trở đến sự phát triển của các thế hệ tương lai, là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý , hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, gồm: tăng trưởng kinh tế, cải thiện các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Ở đây, đã xác định ba trụ cột của phát triển bền vững đó là: bền vững về kinh tế, bền vững về mặt xã hội và bền vững về môi trường sinh thái. Các tiêu chí chủ yếu đánh giá sự bền vững là tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp l , sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao đời sống của con người và chất lượng môi trường sống. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, các vấn đề phát triển bền vững cũng phải được quan tâm nhằm giải quyết những khía cạnh mang tính toàn cầu của phát triển bền vững như vấn đề nghèo đói và khoảng cách giầu nghèo, khí thải và biến đổi khí hậu. Như vậy, mỗi quốc gia và mỗi vùng có thể lựa chọn những lý thuyết kinh tế cơ bản và vận dụng phù hợp để thúc đẩy cơ cấu kinh tế nói chung và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói riêng; song dù theo lý thuyết nào chăng nữa, cũng cần chú đến những vấn đề, những yêu cầu cơ bản dưới đây:
(1) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải đảm bảo thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển theo hướng hiện đại.
(2) Phải đảm bảo khai thác tối đa các tiềm năng và thế mạnh tổng hợp của các ngành, vùng, thành phần và lĩnh vực kinh tế, trong đó cần ưu tiên phát triển các ngành trọng điểm, các khu nông nghiệp tập trung, các khu nông nghiệp công nghệ cao. Có như vậy mới có thể tạo ra sự tăng trưởng và phát triển nhanh hơn ở các ngành, vùng và thành phần kinh tế đó, từ đó tác động tích cực sang các bộ phận còn lại, tạo thế và lực cho toàn bộ nền kinh tế.
(3) Vận dụng tối đa quan điểm kinh tế mở, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an ninh và ổn định xã hội và sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái.
(4) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải xuất phát từ khả năng nội bộ và khả năng phát triển quan hệ hợp tác quốc tế và phải được tính toán cụ thể, xác định các chỉ tiêu về các nguồn lực hiện có như đất đai, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài nguyên và các điều kiện tự nhiên…
Để lại một bình luận