David Ricardo đã đưa lý thuyết của Adam Smith tiến xa thêm một bước nữa bằng cách khám phá ra xem điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia có lợi thế tuyệt đối trong sản xuất tất cả các mặt hàng. Lý thuyết của Smith về lợi thế tuyệt đối gợi ý rằng một nước như vậy sẽ không thu được lợi ích gì từ thương mại quốc tế. Trong cuốn sách “Những nguyên lý của kinh tế chính trị“ viết năm 1817 của mình, Ricardo đã chứng minh rằng trường hợp đó sẽ không diễn ra. Theo lý thuyết của Ricardo về lợi thế so sánh, hoàn toàn hợp lý khi một nước chuyên môn hóa vào sản xuất những hàng hóa mà nước đó sản xuất một cách hiệu quả hơn và mua về những hàng hóa mà nước đó sản xuất kém hiệu quả hơn so với các nước khác, ngay cả khi điều đó có nghĩa là mua hàng hóa từ những nước khác mà mình có thể tự sản xuất hiệu quả hơn. Điều này dường như trái với tư duy thông thường của mọi người, tính logíc của lập luận này có thể được minh chứng bằng một ví dụ đơn giản như sau.
Giả sử rằng Ghana hiệu quả hơn trong việc sản xuất cả hai mặt hàng cacao và gạo; có nghĩa là Ghana có lợi thế tuyệt đối trong sản xuất cả hai mặt hàng. Tại Ghana, phải tốn 10 đơn vị nguồn lực để sản xuất 1 tấn cacao và 13 1/3 đơn vị nguồn lực để sản xuất ra 1 tấn gạo. Như vậy, với 200 đơn vị nguồn lực có sẵn, Ghana có thể sản xuất ra 20 tấn cacao khi không sản xuất gạo, 15 tấn gạo khi không sản xuất cacao, hoặc bất kỳ lượng kết hợp nào ở giữa và nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF) của nước này (đường GG‟ trong Hình 3.2). Tại Hàn Quốc, giả sử để sản xuất ra 1 tấn cacao phải tốn 40 đơn vị nguồn lực, còn để sản xuất 1 tấn gạo phải tốn 20 đơn vị nguồn lực. Như thế Hàn Quốc có thể sản xuất ra 5 tấn cacao khi không sản xuất gạo,
10 tấn gạo khi không sản xuất cacao hoặc bất kỳ lượng kết hợp nào của hai sản phẩm ở giữa hai số lượng trên và nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất của nước này (đường KK‟ trong Hình 3.2). Chúng ta lại giả sử trong trường hợp không có thương mại giữa hai nước, mỗi nước sẽ sử dụng một nửa số đơn vị nguồn lực sẵn có để sản xuất từng sản phẩm. Như vậy, không có thương mại, Ghana sẽ sản xuất 10 tấn cacao và 7,5 tấn gạo (điểm A trong Hình 3.2), trong khi Hàn Quốc sẽ sản xuất được 2,5 tấn cacao và 5 tấn gạo (điểm B trong Hình 3.2).
Khi mà Ghana có lợi thế tuyệt đối về sản xuất cả hai sản phẩm, tại sao nước này vẫn nên tham gia trao đổi với Hàn Quốc? Câu trả lời là: mặc dù Ghana có lợi thế tuyệt đối về sản xuất cả hai sản phẩm, nước này lại chỉ có lợi thế so sánh trong sản xuất cacao: Ghana có thể sản xuất cacao 4 lần nhiều hơn so với Hàn Quốc, nhưng chỉ có thể 1,5 lần nhiều hơn trong sản xuất gạo. Như vậy, Ghana sản xuất cacao hiệu quả hơn một cách tương đối so với sản xuất gạo.
Không có thương mại, lượng cacao tổng cộng của hai nước là 12,5 tấn (10 tấn của Ghana và 2,5 tấn của Hàn Quốc) và lượng gạo tổng cộng cũng là 12,5 tấn (7,5 tấn của Ghana và 5 tấn của Hàn Quốc). Trong trường hợp này, mỗi nước phải tự tiêu dùng những gì hai nước sản xuất ra. Bằng cách tham gia vào thương mại, hai nước có thể gia tăng tổng lượng sản xuất của cả gạo và cacao, và người tiêu dùng ở hai nước cũng sẽ sử dụng một lượng nhiều hơn của cả hai sản phẩm.
Những lợi ích từ thương mại
Ta hình dung rằng Ghana khai thác lợi thế so sánh trong sản xuất cacao để tăng sản lượng sản phẩm này từ 10 tấn lên 15 tấn. Lượng cacao này sẽ tốn hết 150 đơn vị nguồn lực, như vậy còn 50 đơn vị nguồn lực sẽ dành để sản xuất được 3,75 tấn gạo (điểm C trong Hình 3.2). Trong khi đó, Hàn Quốc chuyên môn hóa vào sản xuất gạo và làm ra được 10 tấn gạo. Như vậy, sản lượng tổng cộng của cả hai sản phẩm đều đã tăng lên. Trước khi có chuyên môn hóa, sản lượng tổng cộng là 12,5 tấn cacao và 12,5 tấn gạo. Bây giờ là 15 tấn cacao và 13,75 tấn gạo (3,75 tấn của Ghana và 10 tấn của Hàn Quốc). Điều này được minh họa trong Bảng 3.2.
Không chỉ có sản lượng sản xuất ra cao hơn mà cả hai nước còn có thể thu lợi từ thương mại. Nếu Ghana và Hàn Quốc trao đổi cacao và gạo theo tỷ lệ 1:1, và mỗi nước lựa chọn trao đổi 4 tấn xuất khẩu đổi lấy 4 tấn nhập khẩu, cả hai nước sẽ có thể tiêu dùng nhiều cacao và gạo hơn so với khi chưa thực hiện chuyên môn hóa và trao đổi (xem Bảng 3.2).
Như vậy, nếu Ghana trao đổi 4 tấn cacao với Hàn Quốc đổi lấy 4 tấn gạo, nước này sẽ vẫn còn 11 tấn cacao, nhiều hơn 1 tấn so với trước khi có thương mại. Với 4 tấn gạo có được từ trao đổi với Hàn Quốc, Ghana sẽ có tổng cộng 7,75 tấn gạo, nhiều hơn 0,25 tấn so với khi chưa có chuyên môn hóa. Tương tự như vậy, sau khi trao đổi 4 tấn gạo với Ghana, Hàn Quốc sẽ còn 6 tấn gạo, nhiều hơn 1 tấn so với trước khi chuyên môn hóa. Thêm vào đó, với 4 tấn cacao có được từ trao đổi, Hàn Quốc sẽ có tổng cộng nhiều hơn 1,5 tấn so với trước khi có thương mại. Như vậy, lượng tiêu dùng về gạo và cacao đã tăng lên ở cả hai quốc gia và đó là kết quả của việc chuyên môn hóa và trao đổi.
Thông điệp cơ bản của lý thuyết về lợi thế so sánh là sản lượng tiềm năng của thế giới sẽ lớn hơn nhiều trong điều kiện thương mại tự do không bị hạn chế (so với trong điều kiện hạn chế về thương mại). Lý thuyết của Ricardo gợi ý rằng người tiêu dùng ở tất cả các quốc gia sẽ được tiêu dùng nhiều hơn nếu như không có hạn chế trong thương mại giữa các nước. Điều này diễn ra ngay cả khi các quốc gia không có lợi thế tuyệt đối trong sản xuất bất kỳ hàng hóa nào. Nói một cách khác, so với lý thuyết về lợi thế tuyệt đối lý thuyết về lợi thế so sánh khẳng định một cách chắc chắn hơn nhiều rằng thương mại là một trò chơi có tổng lợi ích là một số dương trong đó tất cả các nước tham gia đều thu được lợi ích kinh tế. Như vậy, lý thuyết này đã cung cấp một cơ sở hợp lý cho việc khuyến khích tự do hóa thương mại và cho đến nay, lý thuyết của Ricardo vẫn chứng tỏ sức thuyết phục khi thường được xem là vũ khí lập luận chủ yếu cho những ai ủng hộ cho thương mại tự do.
Để lại một bình luận