Không chỉ vậy, trong các công trình nghiên cứu liên quan tới lý thuyết thương mại mới, Michael Porter (1990) đã đưa ra lý thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia (mô hình kim cương). Ông đã nêu bật tầm quan trọng của các nhân tố quốc gia trong việc thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Theo mô hình này, bốn thuộc tính chính tạo nên yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh quốc gia:
+ Yếu tố nguồn lực sẵn có: Theo lý thuyết thương mại cổ điển, bất kỳ quốc gia nào được ưu đãi một hoặc nhiều yếu tố có thể đạt được một lợi thế trên thị trường quốc tế. Như vậy, đối với những quốc gia không có lao động chi phí thấp hoặc nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cần phải nâng cao năng suất lao động của họ và đổi mới thì mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
+ Điều kiện cầu: Các nhóm khách hàng sẽ có mức cầu cao khi môi trường kinh doanh lành mạnh. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp trong quốc gia đổi mới và cải thiện chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm của họ. Trong một số trường hợp, nhu cầu trong nước đủ lớn có the dẫn đến nhu cầu từ các quốc gia khác được tăng lên. Hay nói cách khác, nhu cầu trong nước có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức tiêu thụ toàn cầu.
+ Các ngành hỗ trợ và có liên quan: Một quốc gia có lợi thế cạnh tranh trong các ngành hỗ trợ và có liên quan sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp như cung cấp trong thời gian ngắn với chi phí thấp, có thể cung cấp sự đổi mới và nâng cấp cho nhà sản xuất, do đó cải thiện chất lượng kỹ thuật. Tuy nhiên, một quốc gia không nhất thiết phải có lợi thế cạnh tranh trong tất cả các ngành hỗ trợ và liên quan đe tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đối với những đầu vào không có tác động quan trọng tới sự đổi mới hoặc hiệu quả của sản phẩm, công nghệ thì doanh nghiệp có th nhập khẩu.
+ Chiến lược, cơ cấu và môi trường cạnh tranh ngành: cấu trúc và chiến lược của các công ty thường khác nhau giữa các quốc gia. Đối với một số quốc gia, các công ty vừa và nhỏ có năng suất cao hơn so với những công ty lớn. Thậm chí trong bất kỳ khu vực nào của quốc gia, có thể có cả đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, sự cạnh tranh cũng thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới theo các cách khác nhau. Trong một số phương diện đây được xem như một lợi thế vì nó khuyến khích các doanh nghiệp cải thiện hiệu suất của mình. Theo lý thuyết của Michael Porter, các nước nên xuất khẩu những sản phẩm mà cả bốn thành phần của mô hình kim cương có điều kiện thuận lợi, và nhập khẩu các sản phẩm trong những lĩnh vực tại đó các thành phần của mô hình không có điều kiện thuận lợi.
Trong những năm gần đây, mô hình Gravity đã được sử dụng rất nhiều trong phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thương mại quốc tế. Mô hình này do Tinbergen phát triển năm 1962 và sử dụng để phân tích dòng thương mại quốc tế. Đây là mô hình được dựa trên cơ sở mô hình lực vạn vật hấp dẫn của Newton, mà theo đó lực hấp dẫn giữa hai vật có tỷ lệ thuận với khối lượng của chúng và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng. Mô hình lực vạn vật hấp dẫn (Mô hình gravity) áp dụng trong thương mại song phương có dạng như sau (Krugman và Maurice, 2005):
Nhiều nhà nghiên cứu sau đó đã phát triển hàng loạt các mô hình kinh tế để giải thích dòng thương mại song phương. Mô hình Gravity từ lâu bị chỉ trích vì thiếu nền tảng lý thuyết. Vì vậy trong những năm gần đây, việc cung cấp sự hỗ trợ lý thuyết cho mô hình lực hấp dẫn đã được chú trọng hơn.
Linnemann (1966) (trích trong Rahman, 2003) có lẽ là tác giả đầu tiên đã cung cấp nền tảng lý thuyết cho mô hình lực hấp dẫn. Ông đã cho thấy rằng phương trình gravity có thể được dựa trên cơ sở từ một mô hình cân bằng cục bộ. Dòng chảy thương mại giữa hai nước i và j được giải thích bởi các yếu tố cho thấy tổng cung tiềm năng của nước i, tổng cầu tiềm năng của nước j, và các yếu tố làm cản trở dòng chảy thương mại giữa i và j. Các mô hình gravity sau đó đạt được bởi sự cân bằng của cung và cầu.
Tuy nhiên, Bergstrand (1985) đã phê phán phương pháp này vì chưa đủ khả năng giải thích dạng hàm cấp số nhân của phương trình Gravity và cho rằng phương trình gravity có thể không chuẩn do bỏ qua biến giá cả. B ergstrand đã sử dụng nền tảng kinh tế vi mô để giải thích mô hình Gravity. Việc cung cấp hàng hóa có nguồn gốc từ tối đa hoá lợi nhuận của các công ty và nhu cầu thương mại có nguồn gốc từ tối đa hoá hàm thoả dụng có độ co giãn thay thế cố định tuỳ thuộc vào hạn chế của thu nhập.
Các tác giả khác đã cố gắng để chuyển hoá mô hình gravity từ các lý thuyết thương mại quốc tế. Eaton và Kortum (1997) phát triển mô hình Ricardo và chỉ ra rằng phương trình gravity có thể được lấy từ lý luận của Ricardo nhưng xác định thông số cơ bản của công nghệ. Trong khi Deardorff (1998) đã chứng minh rằng mô hình gravity có thể phát sinh từ hai trường hợp đặc biệt của mô hình Heckscher-Ohlin là có và không có sự cản trở thương mại.
Mặc dù vậy, mô hình gravity rất thành công về thực nghiệm. Mô hình này hiện nay đã được áp dụng để ước lượng cho nhiều quốc gia. Rahman (2003) sử dụng ba phương trình cho xuất khẩu, nhập khẩu và tổng thương mại để nghiên cứu dòng chảy thương mại giữa Bangladesh và các đối tác thương mại lớn của Bangladesh. Ông thấy rằng thương mại của Bangladesh nói chung được xác định bởi quy mô của nền kinh tế, GNP bình quân đầu người, khoảng cách và độ mở của nền kinh tế. Blomqvist (2004) áp dụng mô hình gravity để giải thích dòng thương mại của Singapore. Kết quả nghiên cứu cho thấy các biến GDP và khoảng cách có khả năng giải thích rất lớn đối với thương mại. Anaman và Al- Kharusi (2003) mặt khác lại cho rằng yếu tố quyết định của thương mại của Brunei với EU chủ yếu là từ dân số Brunei và các nước EU.
Mô hình gravity cũng được áp dụng để giải thích các mối quan hệ thương mại giữa các khối thương mại và thương mại nội khối của các khối kinh tế. Sử dụng mô hình gravity, Tang (2003) thấy rằng hội nhập EU đã dẫn đến giảm đáng kể thương mại với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Khu vực mậu dịch tự do B ắc Mỹ (NAFTA) trong giai đoạn 1981- 2000. Thomton và Goglio (2002) chứng minh tầm quan trọng của quy mô kinh tế, khoảng cách địa lý và ngôn ngữ chung trong thương mại song phương nội bộ khu vực ASEAN.
Martinez-Zarzoso và cộng sự (2004) phân loại các khu vực xuất khẩu theo sự nhạy cảm của xuất khẩu với khoảng cách địa lý và khoảng cách kinh tế. Trong khuôn khổ mô hình gravity, họ có thể xác định những mặt hàng nào có được thế mạnh xuất khẩu. Kết quả cho thấy các ngành như giày dép, đồ gỗ có hiệu ứng địa lý cao và quan trọng trong thương mại song phương giữa EU và các nước trong khối thị trường chung Nam Mỹ (bao gồm Argentina, Paraguay, Uruguay và Brazil).
Để lại một bình luận