Lý thuyết thương mại mới bắt đầu nổi lên từ thập kỷ 1970 của thế kỷ XX khi mà một số nhà kinh tế đặt vấn đề về giả thuyết hiệu suất giảm dần theo chuyên môn hoá trong lý thuyết về thương mại quốc tế. Theo họ, tồn tại trường hợp hiệu suất tăng dần trong một số ngành kinh tế và lợi ích kinh tế nhờ quy mô chính là một trong các trường hợp đặc biệt của hiệu suất tăng dần. Đây là một trong các yếu tố ảnh hưởng tới mô hình thương mại quốc tế.
Lợi ích kinh tế nhờ quy mô là hiện tượng giảm chi phí đơn vị kết hợp với sản lượng đầu ra tăng cao. Nếu như thương mại quốc tế mang lại kết quả là một nước chuyên môn hoá vào sản xuất một sản phẩm nhất định, và nếu có được lợi ích kinh tế nhờ quy mô trong việc sản xuất sản phẩm này thì khi đó sản lượng đầu ra sẽ tăng lên, và chi phí đơn vị sẽ giảm xuống. Trong trường hợp đó, sẽ xuất hiện lợi ích tăng dần đối với việc chuyên môn hoá chứ không phải là lợi ích giảm dần. Nói cách khác, khi một nước sản xuất nhiều hơn, do đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô, năng suất lao động sẽ tăng lên và các chi phí đơn vị sẽ giảm xuống.
Lợi ích kinh tế nhờ quy mô có thể xuất phát từ một số nguồn sau: khả năng dàn trải chi phí cố định cho một sản lượng đầu ra lớn, hoặc khả năng một số lượng lớn các nhà sản xuất tận dụng những nhân công và thiết bị chuyên biệt có năng suất lao động cao hơn các nguồn lực thông thường. Lợi ích kinh tế nhờ quy mô là nguồn quan trọng để giảm chi phí sản xuất trong nhiều ngành khác nhau, từ sản xuất phần mềm máy tính, tới sản xuất ô tô, từ dược phẩm tới ngành công nghiệp vụ trụ. Lấy ví dụ, hãng Microsoft thu được lợi ích kinh tế nhờ quy mô bằng cách dàn trải các chi phí cố định trong phát triển hệ điều hành Windows mới, con số đó vào khoảng 5 tỷ đôla Hoa Kỳ, lên khoảng 250 triệu hoặc nhiều hơn số lượng các máy tính cá nhân cuối cùng sẽ được cài đặt hệ điều hành mới này. Tương tự như vậy, các công ty sản xuất ô tô cũng thu được lợi ích kinh tế nhờ quy mô bằng cách sản xuất với số lượng lớn các loại ô tô từ một dây chuyền chế tạo trong đó mỗi công nhân có một nhiệm vụ chuyên môn hóa cao.
Lý thuyết mới về thương mại cũng lập luận rằng nếu mức sản lượng đầu ra cần thiết để đạt được tính lợi ích kinh tế nhờ quy mô đủ lớn đại diện cho một phần đáng kể của tổng nhu cầu thế giới đối với sản phẩm đó thì thị trường thế giới có thể chỉ hỗ trợ được cho một số hữu hạn các công ty đóng tại một số ít các nước tham gia vào sản xuất mặt hàng này. Những công ty tham gia vào thị trường thế giới đầu tiên sẽ là những công ty giành được lợi thế mà các công ty khác khó lòng có được. Do vậy, một công ty chỉ có thể thống trị trong xuất khẩu một sản phẩm đặc thù mà tính lợi ích kinh tế theo quy mô đóng vai trò quan trọng, và mức sản lượng cần thiết để đạt được tính lợi ích theo quy mô này đại diện cho một phần chủ yếu của tổng sản lượng thế giới, bởi vì đó sẽ là nền tảng cho công ty đầu tiên bước vào ngành công nghiệp.
Về cơ bản, lý thuyết thương mại mới đã nêu ra hai điểm quan trọng: Thứ nhất, thông qua tác động lên lợi ích kinh tế nhờ quy mô, thương mại có thể làm gia tăng mức độ đa dạng của các hàng hóa cung cấp tới người tiêu dùng và giảm bớt chi phí trung bình trên một sản phẩm. Thứ hai, trong những ngành sản xuất khi mà sản lượng làm ra đòi hỏi đạt được tính lợi ích kinh tế nhờ quy mô đại diện cho một tỷ trọng đáng kể tổng nhu cầu của thế giới, thì thị trường toàn cầu chỉ có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho một số ít các công ty tham gia vào mà thôi. Do vậy, thương mại thế giới trong một số sản phẩm nhất định sẽ được thống trị bởi các quốc gia có các công ty là những người đi đầu trong lĩnh vực sản xuất đó.
Tăng độ đa dạng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất
Khi các nước trao đổi thương mại với nhau, các thị trường quốc gia đơn lẻ được kết hợp thành một thị trường thế giới rộng lớn hơn. Các công ty có thể đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô trên cơ sở thị trường được mở rộng đó. Theo lý thuyết thương mại mới, mỗi nước sẽ có điều kiện để chuyên môn hóa vào sản xuất một nhóm các sản phẩm nhất định mà trong trường hợp không có thương mại khó có thể xảy ra. Đồng thời bằng cách nhập khẩu những sản phẩm nước đó không sản xuất từ những nước khác, một nước có thể đồng thời vừa tăng mức độ đa dạng của sản phẩm cho người tiêu dùng, vừa giảm chi phí của những hàng hóa đó. Như vậy là thương mại đã tạo cơ hội cho các bên cùng có lợi ngay cả khi các nước không hề có sự khác biệt về mức độ sẵn có các nguồn lực hay công nghệ.
Lợi ích kinh tế nhờ quy mô, Lợi thế của người đi trước và Mô hình của thương mại quốc tế
Lý thuyết thương mại mới cũng cho rằng mô hình thương mại mà chúng ta quan sát trên thực tế nền kinh tế thế giới có thể là kết quả của việc đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô và lợi thế của người đi trước. Những lợi thế của người đi trước là những lợi thế về mặt chiến lược và kinh tế mà những người thâm nhập đầu tiên của một ngành có được. Khả năng giành được lợi thế kinh tế nhờ quy mô lớn hơn so với những người gia nhập sau đó, và như vậy lợi ích thu về từ một cấu trúc chi phí thấp, là một lợi thế của người đi trước hết sức quan trọng. Lý thuyết thương mại mới lập luận rằng đối với những sản phẩm mà lợi thế kinh tế nhờ quy mô là hết sức quan trọng và đại diện một tỷ trọng đáng kể cho nhu cầu của thế giới, thì người gia nhập trước vào ngành đó có thể giành được lợi thế chi phí theo cấp độ mà những người gia nhập sau gần như không có khả năng đuổi kịp. Do vậy, mô hình thương mại mà ta quan sát được đối với những sản phẩm đó phản ánh những lợi thế của người đi trước. Các nước có thể chiếm ưu thế trong xuất khẩu những hàng hóa nhất định bởi vì lợi ích kinh tế nhờ quy mô là rất quan trọng đối với quá trình sản xuất của họ, mang lại cho họ lợi thế của người đi trước.
Nghiên cứu về ngành sản xuất máy bay chở khách thương mại cho thấy rằng lợi ích kinh tế nhờ quy mô trong ngành này đối với bắt nguồn từ khả năng dàn trải chi phí cố định trong tổng chi phí phát triển một sản phẩm mới trên một sản lượng đầu ra lớn. Trên thực tế, để phát triển chiếc siêu máy bay A380 với 550 chỗ ngồi, hãng Airbus đã tiêu tốn khoảng 14 tỷ đôla Hoa Kỳ. Để bù đắp lại chi phí khổng lồ đó và hòa vốn trong kinh doanh loại máy bay này, Airbus sẽ phải bán được ít nhất 250 chiếc A380. Nếu như hãng có thể bán được 350 chiếc thì đây sẽ là một khoản đầu tư có lời. Tuy nhiên, tổng nhu cầu dự báo trong vòng 20 năm tới đối với dòng siêu máy bay này ước tính vào khoảng từ 400 đến 600 chiếc. Nghĩa là, thị trường toàn cầu chỉ có thể tạo điều kiện thu được lợi nhuận cho một nhà sản xuất dòng sản phẩm này và Airbus sẽ là hãng đầu tiên sản xuất siêu máy bay 550 chỗ đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô. Những nhà sản xuất tiềm năng khác, ví dụ như hãng Boeing, sẽ không có cơ hội tham gia vào thị trường này bởi họ không có được lợi thế kinh tế nhờ quy mô mà hãng Airbus sẽ đạt được. Bằng cách đi tiên phong trong lĩnh vực thị trường siêu máy bay trở khách, Airbus sẽ giành được lợi thế của người đi trước dựa trên việc đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô, những yếu tố mà đối thủ cạnh tranh của hãng khó có thể theo kịp và kết quả là EU sẽ trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu về siêu máy bay chở khách.
Những ý nghĩa của Lý thuyết thương mại mới
Lý thuyết thương mại mới có những ý nghĩa quan trọng. Lý thuyết này gợi ý rằng các nước có thể thu được lợi ích từ hoạt động thương mại ngay cả khi không có sự khác biệt về sự sẵn có các nguồn lực sản xuất hay công nghệ. Thương mại cho phép một nước chuyên môn hóa vào sản xuất những sản phẩm nhất định, đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô và giảm chi phí sản xuất, đồng thời mua những sản phẩm mà trong nước không sản xuất từ nước vốn cũng chuyên môn hóa vào sản xuất những sản phẩm khác. Bằng cơ chế này, mức độ đa dạng của các sản phẩm dành cho người tiêu dùng sẽ tăng lên trong khi chi phí sản xuất trung bình cho những sản phẩm đó giảm xuống, kéo theo mức giá bán cũng giảm theo, từ đó giải phóng các nguồn lực để sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ khác.
Lý thuyết cũng gợi ý rằng một nước có thể thống trị trong xuất khẩu một loại hàng hóa chỉ đơn giản là vì nước đó đủ may mắn để có được một hoặc một vài công ty trong số những công ty đầu tiên tham gia vào sản xuất hàng hóa đó. Do có khả năng đạt được lợi ích kinh tế nhờ quy mô, những công ty đi đầu trong một ngành sẽ ngăn cản sự gia nhập của những công ty khác sau đó. Khả năng của những người đi đầu trong việc thu lợi từ hiệu suất tăng dần đã tạo ra rào cản cho việc gia nhập ngành.
Lý thuyết thương mại mới có mâu thuẫn với lý thuyết H-O, vốn cho rằng một nước sẽ thống trị trong xuất khẩu một sản phẩm khi nước đó đặc biệt được ưu đãi về những yếu tố sản xuất cần thiết được sử dụng nhiều trong chế tạo sản phẩm đó. Những người ủng hộ lý thuyết thương mại mới lại lập luận rằng nước Hoa Kỳ là nhà xuất khẩu chính về máy bay chở khách thương mại không phải bởi vì nước này có được những ưu đãi về các nguồn lực sản xuất đòi hỏi trong chế tạo máy bay mà bởi vì một trong những công ty đầu tiên gia nhập ngành công nghiệp này, hãng Boeing, là một công ty của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lý thuyết thương mại mới không hề mâu thuẫn với lý thuyết về lợi thế so sánh. Lợi ích kinh tế nhờ quy mô giúp gia tăng năng suất lao động. Vì thế lý thuyết này xác định được một nguồn gốc quan trọng của lợi thế so sánh.
Để lại một bình luận