– Lý thuyết liên kết (Articulation Theory)
Lý thuyết liên kết thừa nhận sự cùng tồn tại và mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau của phương thức sản xuất tư bản và các phương thức sản xuất phi tư bản, trong đó có kinh tế tiểu nông (Larrain 1989; Kearney 1996), theo lý thuyết liên kết, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không thể hoàn toàn xóa bỏ phương thức sản xuất tiểu nông, trái lại, sản xuất tư bản quy mô lớn sẽ chỉ tồn tại được khi có kinh tế hộ nông dân sản xuất nhỏ cung cấp nguyên liệu và lao động giá rẻ. Điều đó có nghĩa là phương thức sản xuất tư bản và phương thức sản xuất tiểu nông sẽ cùng tồn tại và phát triển trong một nền kinh tế, tuy nhiên, sự liên kết giữa hai phương thức sản xuất này không tĩnh tại và cố định mà là một quá trình biến đổi trong bối cảnh của kinh tế nông thôn, sự liên kết ẩn chứa mối quan hệ thứ bậc giữa kinh tế hộ nông dân – được xem là lĩnh vực thấp kém hơn và kinh tế tư bản – được xem là lĩnh vực phát triển hơn. Trong lập luận của mình những người ủng hộ lý thuyết liên kết cho rằng phương thức sản xuất tiểu nông sẽ dần được chuyển sang phương thức sản xuất tư bản. Nói cách khác, phương thức sản xuất tiểu nông sẽ bị phá hủy do sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản (Nguyễn Phượng Lê (2012), “Những lý luận cơ bản về “nông nghiệp- nông dân- nông thôn”: Thực tiễn áp dụng ở Việt Nam”, trong Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội)
– Mô hình hai khu vực của Harry T.Oshima
Harry T.Oshima nghiên cứu mối quan hệ giữa hai khu vực nông nghiệp và công nghiệp dựa trên những đặc điểm khác biệt của các nước châu Á gió mùa so với các nước Âu – Mỹ, đó là nền nông nghiệp lúa nước có tính thời vụ cao, vào thời gian cao điểm của mùa vụ vẫn có hiện tượng thiếu lao động và lại dư thừa nhiều trong mùa nhàn rỗi.
Ông cho rằng khu vực nông nghiệp có dư thừa lao động, nhưng theo ông thì điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra, đặc biệt là lúc thời vụ căng thẳng thì khu vực nông nghiệp còn thiếu lao động. Harry T.Oshima đã phân tích quá trình tăng trưởng theo các giai đoạn:
(1) Giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng: là tạo việc làm cho thời gian nhàn rỗi theo hướng tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp.
Ông cho rằng, nông nghiệp ở các nước châu Á gió mùa là mang tính thời vụ cao, lao động thất nghiệp mang tính thời vụ lại càng trầm trọng hơn khi sản xuất nông nghiệp mang nặng tính chất độc canh, nhỏ lẻ và phân tán. Vì vậy, mục tiêu của giai đoạn đầu trong quá trình tăng trưởng là giải quyết hiện tượng thất nghiệp thời vụ ở khu vực nông nghiệp, biện pháp hợp lý nhất là để thực hiện mục tiêu này là đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, xen canh, tăng vụ trồng thêm rau, quả, cây lấy củ, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi và đánh bắt cá, trồng cây lâm nghiệp. Hướng phát triển này tỏ ra phù hợp đối với khả năng về nguồn vốn, trình độ kỹ thuật của nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn này, do đó có nhiều việc làm hơn, thu nhập của nông dân bắt đầu tăng lên, họ có thể đầu tư nhiều hơn cho giống mới, phân hóa học, thuốc trừ sâu và công cụ lao động. Đồng thời để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả các hoạt động khác, khu vực nông nghiệp cần có sự hỗ trợ của nhà nước về các mặt: Xây dựng hệ thống kênh mương, đập tưới tiêu nước, hệ thống vận tải nông thôn để trao đổi hàng hóa, hệ thống giáo dục và điện khí hóa nông thôn.
Việc tăng sản lượng nông sản sẽ giảm sản lượng nhập khẩu hoặc mở rộng xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Cả hai trường hợp đều nhằm có thêm ngoại tệ để nhập khẩu máy móc thiết bị cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Dấu hiệu kết thúc giai đoạn này là khi chủng loại nông sản sản xuất ra ngày càng nhiều với quy mô lớn, nhu cầu cung cấp các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao và xuất hiện yêu cầu chế biến nông sản với quy mô lớn nhằm tăng cường tính chất hàng hóa trong sản xuất nông sản đặt ra vấn đề phát triển ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ với quy mô lớn.
(2) Giai đoạn hai của quá trình tăng trưởng: là hướng tới việc làm đầy đủ bằng cách đầu tư phát triển đồng thời cả nông nghiệp và công nghiệp.
Giai đoạn này là đầu tư phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ theo chiều rộng, cụ thể: tiếp tục thực hiện đa dạng hóa sản xuất cây trồng và vật nuôi trong nông nghiệp, thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, xen canh, tăng vụ, nhằm tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa ngày càng lớn; phát triển các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ nhằm tăng số lượng việc làm và nâng cao tính hàng hóa; phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất nông cụ thường, nông cụ cầm tay, nông cụ cải tiến cho nông nghiệp, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, giống và các yếu tố đầu vào khác cho nông nghiệp, để đảm bảo hiệu quả các loại hình phát triển trên, đòi hỏi phải có sự hoạt động đồng bộ từ sản xuất, vận chuyển, bán hàng đến các dịch vụ hỗ trợ tài chính tín dụng và các ngành có liên quan khác. Cần thiết phải hình thành các hình thức tổ chức sản xuất mang tính liên kết sản xuất giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ dưới dạng các trang trại, các tổ hợp sản xuất công nghiệp – nông nghiệp, nông nghiệp – công nghiệp – thương mại… Phát triển nông nghiệp tạo điều kiện mở rộng thị trường công nghiệp, tạo yêu cầu tăng quy mô sản xuất công nghiệp cũng như nhu cầu mở rộng các hoạt động dịch vụ, khi đó việc di dân từ các khu vực nông thôn đến thành thị để phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ ngày càng tăng. Dấu hiệu kết thúc giai đoạn này là tốc độ tăng trưởng việc làm có biểu hiện lớn hơn tốc độ tăng trưởng lao động, làm cho thị trường lao động bắt đầu bị thu hẹp, tiền lương thực tế tăng lên.
(3) Giai đoạn sau của quá trình tăng trưởng: là khi có việc làm đầy đủ, thực hiện phát triển các ngành kinh tế theo chiều sâu nhằm giảm bớt cầu về lao động. Trong nông nghiệp, do quy mô nhu cầu việc làm tăng mạnh dẫn tới tiền công ở khu vực này cũng được nhích dần lên với tốc độ ngày càng tăng. Do ưu thế của các ngành này cần đầu tư ít vốn, công nghệ dễ học hỏi, thị trường dễ tìm và dễ thâm nhập, có khả năng cạnh tranh ở thị trường ngoài nước làm cho xuất khẩu có xu hướng tăng nhanh. Khu vực dịch vụ cũng ngày càng mở rộng. Sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Tất cả đã và sẽ làm cho hiện tượng thiếu lao động trở nên ngày càng phổ biến trong tất cả các ngành và các khu vực của nền kinh tế. Yêu cầu cơ bản trong giai đoạn này là phải đầu tư phát triển theo chiều sâu trên toàn bộ các ngành kinh tế. Một mặt, trong nông nghiệp cần hướng tới sử dụng máy móc thiết bị thay thế lao động cơ bắp và áp dụng phương pháp công nghệ sinh học nhằm tăng sản lượng. Các máy cày, gặt đập, phun nước, máy bơm, làm cỏ, máy sấy, và các phương tiện vận tải cơ giới ngày càng mở rộng và tiết kiệm thời gian cho người lao động trên đồng ruộng. Trong điều kiện đó, khu vực nông nghiệp có khả năng rút bớt lao động để chuyển sang các ngành công nghiệp ở thành phố mà vẫn không làm giảm sản lượng nông nghiệp ở nông thôn. Mặt khác, khu vực công nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng thay thế sản phẩm nhập khẩu và hướng về xuất khẩu với sự chuyển dịch dần về cơ cấu sản xuất sản phẩm hợp lý hơn.
Để lại một bình luận