Lý thuyết chi phí đại điện được đề xuất lần đầu bởi Jensen (1976). Chi phí đại diện của VCSH phát sinh do bất cân xứng thông tin giữa người quản lý và chủ sở hữu doanh nghiệp. Người quản lý doanh nghiệp có thể không đưa ra các quyết định vì lợi ích của chủ sở hữu, thậm chí còn làm tổn hại những quyền lợi đó (ví dụ, người quản lý không nỗ lực làm tăng giá trị doanh nghiệp, sử dụng tiền của doanh nghiệp cho mục đích riêng). Để khắc phục những vấn đề đó, chủ sở hữu doanh nghiệp đề xuất các biện pháp để giám sát và đảm bảo rằng các hành động của người quản lý phù hợp với lợi ích của mình như yêu cầu báo cáo thường niên, tổ chức hội nghị thường niên, thưởng cho ban giám đốc theo hiệu quả hoạt động. Từ đó, phát sinh chi phí đại diện làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng. Theo Jensen (1976), cách để doanh nghiệp giảm chi phí đại diện là tăng sử dụng nợ vay. Theo ông, khi tỷ trọng nợ tăng, nhà quản lý phải thận trọng hơn trong việc lựa chọn CTV – các quyết định sử dụng vốn vay và vay thêm nợ mới tạo áp lực cho nhà quản lý doanh nghiệp hành động hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, khi vay nợ tăng, doanh nghiệp lại phát sinh thêm chi phí đại diện của vốn nợ do bất cân xứng thông tin giữa doanh nghiệp và các chủ nợ. Cổ đông của doanh nghiệp là chủ sở hữu, có quyền quyết định các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi đó, chủ nợ chỉ là những người cho doanh nghiệp vay vốn và không được quyền biểu quyết tại đại hội cổ đông. Chi phí đại diện phát sinh khi doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư có lợi cho cổ đông hơn chủ nợ như đầu tư vào các dự án rủi ro cao, kỳ vọng đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông nhưng có thể gây thiệt hại cho chủ nợ do nguy cơ phá sản tăng. Mức độ bất cân xứng thông tin giữa doanh nghiệp và chủ nợ càng lớn thì chi phí đại diện của vốn nợ càng cao. Do đó, Lý thuyết chi phí đại diện cho rằng, chi phí đại diện của VCSH có mối quan hệ thuận chiều với CTV, trong khi chi phí đại diện của nợ vay có mối quan hệ nghịch chiều với CTV của doanh nghiệp.
Lý thuyết tín hiệu cũng được phát triển dựa trên vấn đề bất cân xứng thông tin giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhà đầu tư thường quan sát, phân tích các hành động của nhà quản lý, từ đó suy luận ra các thông tin về tình hình hiện tại và triển vọng của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cho rằng doanh nghiệp sẽ tăng mức vay nợ khi họ kỳ vọng lợi nhuận trong tương lai sẽ tăng lên hay nói một cách khác, động thái của việc vay thêm vốn hoặc phát hành thêm trái phiếu được coi là một tín hiệu tốt về triển vọng kinh doanh. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ mua vào cổ phiếu và đẩy giá tăng lên.
Ngược lại, khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu cũng được coi là tín hiệu không tốt về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi lẽ, theo quan điểm của các nhà đầu tư, một doanh nghiệp có triển vọng không tốt mới muốn được tài trợ bằng vốn cổ phần nhằm mục đích chia sẻ những khoản thua lỗ của doanh nghiệp với các nhà đầu tư mới. Do đó, việc phát hành cổ phiếu ra bên ngoài được xem là phát ra tín hiệu không tốt về triển vọng doanh nghiệp. Kết quả là khi doanh nghiệp công bố việc phát hành cổ phiếu mới, giá cổ phiếu thường giảm (Asquith và Mullins, 1983).
Để lại một bình luận