Thúc đẩy việc làm ngoài nước cho lao động và chuyên gia (lao động có kỹ năng) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chủ trương này đã được khẳng định từ Chỉ thị 41-CT/TW của Bộ Chính trị (1998) và tiếp tục được nhấn mạnh tại Chỉ thị 16-CT/TW ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư. Các Chỉ thị này đều khẳng định lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài “là một hoạt động kinh tế – xã hội, là một chiến lược quan trọng, lâu dài… xuất khẩu lao động và chuyên gia một mặt phải đảm bảo sức cạnh tranh trên cơ sở tăng cường đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật và chuyên gia nâng dần tỉ trọng lao động xuất khẩu có chất lượng cao trong tổng số lao động xuất khẩu” và “góp phần tạo việc làm phân công lại lao động, tăng thu nhập và nguồn thu ngoại tệ … kỹ năng lao động và tác phong làm việc của người lao động được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”.
Gần đây nhất, một trong trong những mục tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và việc làm an toàn lao động giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg (2017) của Thủ tướng chính phủ phê [47] là hỗ trợ đào tạo trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 8.800 lao động để đưa khoảng 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đặc biệt Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 72) được Quốc hội phê chuẩn năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ tháng 7 năm 2007 [29] đã nêu rõ chính sách của Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài đó là “khuyến khích đưa nhiều người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, đưa người lao động đi làm việc ở thị trường có thu nhập cao; khuyến khích đưa người lao động đi làm việc tại các công trình, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trúng thầu, nhận thầu, đầu tư thành lập ở nước ngoài” (Khoản 5 Điều 5).
Trải qua quá trình phát triển và theo yêu cầu của công tác quản lý người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý và các chính sách để quản lý về vấn đề này (Phụ lục 1). Theo đó, có rất nhiều các chính sách liên quan đã được các cơ quan ban ngành, các địa phương ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài như đào tạo nghề đặc thù và nghề kỹ thuật cao theo nhu cầu thị trường nước ngoài, vay vốn, tham gia khoá học bổi dưỡng kiến thức miễn phí cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là đối tượng chính sách xã hội. Đặc biệt Luật số 72 quy định cụ thể về việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nói chung, tạo cơ sở pháp lý để giúp các cơ quan quản lý nhà nước, người lao động và doanh nghiệp nắm bắt cơ hội di chuyển lao động ra nước ngoài thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Luật đã quy định 4 hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 6), bao quát tất cả các loại hình di chuyển, bao gồm: (i) đi qua doanh nghiệp trung gian;
(ii) đi theo doanh nghiệp trúng thầu hoặc đầu tư; (iii) theo hình thức tập nghề với doanh nghiệp và (iv) theo hợp đồng cá nhân. Theo đó, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp trực tiếp đưa người lao động đi làm cho mình ở nước ngoài hoặc cơ quan chính phủ liên quan, người lao động đã được Luật đề cập đến.
Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được quy định cụ thể trong Luật. Theo đó, Luật đã quy định vai trò của các cơ quan có thẩm quyền nhà nước trong việc quản lý các doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan trước, trong và sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Luật đã đề cập đến việc “dạy nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động nhằm tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật và kiến thức cần thiết khác phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động” (Điều 61)
Luật pháp và chính sách đối với người lao động quay trở về cũng đã được chú trọng trong thời gian qua. Luật 72 đã quy định việc Sở LĐTBXH hỗ trợ thông tin và giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước; khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận và tuyển dụng người lao động về nước vào làm việc (Điều 59)và Khuyến khích tạo việc làm và cho người lao động gặp khó khăn vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật để tạo việc làm (Điều 60).
Luật 72 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài và có những quy định về lao động có kỹ năng, các biện pháp nâng cao chất lượng lao động đi, các thủ tục quản lý và bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, có thể thấy Luật vẫn còn có nhiều điểm cần phải chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn và với bối cảnh mới. Đặc biệt liên quan đến việc thực hiện Luật, những người lao động đi làm việc theo hợp đồng cá nhân – một hình thức di chuyển phổ biến của lao động có kỹ năng trong thời gian gần đây – hầu như không thực hiện các nghĩa vụ được quy định theo luật về việc đăng ký Hợp đồng cá nhân với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Điều 53). Một số những nguyên nhân của việc này là: (i) người lao động không biết là cần phải đăng ký; (ii) hồ sơ, thủ tục đăng ký khá phiền hà do cần xác nhận của chính quyền địa phương, phải đóng thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của cả nước tiếp nhận (thuế chồng thuế), phải đóng phí bảo hiểm xã hội của cả Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định pháp luật của nước tiếp nhận hay đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước…, trong khi những quyền lợi mà họ nhận được cũng chỉ liên quan đến thông tin, đến các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm theo quy định… Thủ tục rườm rà, phí đóng nhiều, đi lại nhiều lần… khiến người lao động không muốn/trốn đăng ký. Trong khi đó, với quy định miễn thị thực trong các nước ASEAN và sang bên nước tiếp nhận thì mới cần làm thủ tục xin giấy phép làm việc, người lao động thấy không cần phải làm thủ tục đăng ký hợp đồng cá nhân tại Việt Nam do không có cơ chế ràng buộc trong thủ tục xuất – nhập cảnh. Chính điều này gây khó khăn cho các nhà quản lý lao động ngoài nước trong việc đánh giá luồng di chuyển làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách liên quan, đồng thời khiến các con số thống kê của Việt Nam thường không thống nhất/không đủ so với nước tiếp nhận do người lao động có thể đăng ký ở nước tiếp nhận mà không báo cáo ở Việt Nam.
Để lại một bình luận