GDP của Việt Nam có xu hướng tăng ổn định, trung bình năm khoảng 5,99% giai đoạn 2006-2016 và năm 2017 là 6,8%, đến tháng 8/2018 là 6.7%, dự kiến đến hết tháng 12 tăng 6.98%.
Trong đó, tỷ trọng của ngành công nghiệp & xây dựng vẫn là ngành có xu hướng phát triển và đóng góp nhiều cho GDP nhất. Nông lâm nghiệp thủy sản tiếp tục phục hồi sau khi chạm đáy vào năm 2016 nhưng vẫn chiếm tỷ trọng ít nhất trong GDP. Ngành dịch vụ tăng đều qua các năm từ 2014 – 2018. Có thể thấy nền kinh tế của Việt Nam đã có những bước chuyển dịch rõ ràng và tăng trưởng theo hướng phát triển sang công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và dịch vụ (Xem Hình 3.1). Phía sau của sự chuyển dịch này chính là sự chuyển dịch về “vốn con người” với những thay đổi phù hợp với bối cảnh (Gary Becker, 1950), hoặc là những đòi hỏi về nguồn nhân lực với chất lượng và kỹ năng phù hợp với sự thay đổi về cơ cấu này.
Cùng với đà tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người đã tăng gần gấp 3 lần từ 797 USD/người trong năm 2006 lên 2.385 USD/người vào năm 2017, đưa Việt Nam chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình kể từ năm 2010 .
Việt Nam đang duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, tiến hành CNH – HĐH dựa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và xuất khẩu trong những ngành thâm dụng lao động có kỹ năng thấp. Như vậy, chúng ta đang gặp những thách thức lớn, cả trong ngắn hạn và dài hạn do lợi thế về lao động, đặc biệt là lao động chi phí thấp, lợi thế về tài nguyên sẽ giảm đáng kể và các ngành sản xuất thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên sẽ mất lợi thế và dần bị thu hẹp. Mô hình tăng trưởng này đứng trước thách thức lớn trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 khi rô-bốt, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế sức lao động của con người, hoạt động sản xuất- chế tạo trong tương lai sẽ quay trở lại các nước công nghiệp phát triển.
Để lại một bình luận