Thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, các hoạt động dịch vụ nói chung và lĩnh vực dịch vụ liên quan đến kinh tế biển, đảo nói riêng cũng được tăng cường và đã thu được những kết quả đáng kể.
• So sánh tỷ trọng kinh tế dịch vụ trong cơ cấu kinh tế địa phương
Với nhiều điểm tương đồng về nguồn tài nguyên biển, đảo, cùng với dân số và những đặc điểm về dân cư; sau gần 30 năm đổi mới các địa phương ven biển nói trên đã tận dụng những tiềm năng lợi thế của mình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là kinh tế dịch vụ gắn liền với vùng biển, đảo, làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, giảm dần tỷ trọng công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên với Bà Rịa – Vũng Tàu, được đánh giá là có nhiều lợi thế đặc biệt và vượt trội để phát triển dịch vụ. Song với tỷ trọng năm 2015 (ước tính) chỉ khoảng 35% thì chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh (xem biểu đồ 2.3). Nguyên nhân của những thực trạng trên là do ngành dịch vụ của tỉnh chưa thực sự đạt được những tiêu chí cơ bản về chất lượng dịch vụ như: Chưa tạo ra được những sản phẩm vật chất độc đáo, tạo điểm nhấn về dịch vụ; khả năng cung cấp dịch vụ chưa đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, chu đáo; độ an toàn về mọi mặt chưa cao; đặc biệt là khả năng hiểu biết về văn hóa của khách hàng và tính văn minh thương mại chưa được đảm bảo.
Như vậy đến năm 2015 (ước tính), ngành dịch vụ của Bà Rịa – Vũng Tàu mới chỉ đạt khoảng 35% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, thấp hơn mức trung bình của cả nước năm 2014 (ước khoảng 42%) và thấp hơn nhiều lần so với Khánh Hòa, Quảng Ninh và Đà Nẵng; đây là một thực tế mà Bà Rịa – Vũng Tàu cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm từ các địa phương để phát triển.
• Trong lĩnh vực dịch vụ khai thác khoáng sản (chủ yếu là dịch vụ dầu khí):
Ngành dầu khí là một trong những ngành chủ lực của kinh tế biển nước ta, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân; từ năm 1986 đến 2008, ngành dầu khí đã
khai thác được trên 280 triệu tấn dầu thô và trên 45 tỷ mét khối khí, mang lại doanh thu gần 60 tỉ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 36 tỷ USD, tạo dựng được nguồn vốn chủ sở hữu trên 100 nghìn tỷ đồng; giai đoạn từ 2008 đến 2015 tổng sản lượng khai thác dầu khí tăng 10,5% so với thực hiện kế hoạch 2006-2010, sản lượng dầu thô khai thác đạt 82,85 triệu tấn và sản lượng khí đạt 47,82 tỷ mét khối, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, Bà Rịa, nhà máy sản xuất đạm Phú Mỹ.
Dịch vụ dầu khí cũng từng bước phát triển theo hướng hiện đại. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành như: dịch vụ căn cứ, dịch vụ tàu thuyền, dịch vụ sửa chữa thiết bị dầu khí, dịch vụ dung dịch khoan, vật tư, hoá phẩm cho giàn khoan, dịch vụ phân tích các loại mẫu, gia công chế tạo, lắp ráp các khối chân đế giàn khoan, xây lắp và bảo dưỡng các công trình biển, xây lắp các đường ống dẫn dầu khí; bảo hiểm dầu khí, cung cấp lao động và dịch vụ sinh hoạt đã được xây dựng và từng bước đi vào ổn định; thu nhập trong ngành dịch vụ dầu khí tăng cao, đem lại đời sống khá cho hàng ngàn lao động.
Đến năm 2011 Việt Nam đã xây dựng được đội tàu biển quốc gia với tổng trọng tải là 2.322.703 DWT (gấp 2 lần số lượng tàu và 2,3 lần về trọng tải so với 1997). Nòng cốt của đội tàu biển quốc gia là đội tàu của Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (VINALINES). Không chỉ tăng năng lực vận tải mà còn có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu, chất lượng đội tàu, tạo thêm thị trường và trực tiếp tham gia thị trường khu vực, khách hàng nước ngoài đã sử dụng trên 50% năng lực đội tàu của Việt Nam. Trình độ, năng lực đóng, sửa chữa tàu đã có tiến bộ vượt bậc, hiện đại hoá một bước theo hướng tập trung quy mô lớn, bước đầu có phân công chuyên môn hoá, vươn ra đóng tàu cỡ lớn, chuyên dùng đạt chất lượng đăng kiểm quốc tế. Một số doanh nghiệp đang đầu tư lớn hiện đại để đóng tàu lớn (3 – 5 vạn tấn). Liên doanh Vinashin – Huyndai đã chính thức đi vào hoạt động được 2 ụ tàu có thể sửa chữa tàu từ 50.000 đến 400.000 tấn.
Quy mô cảng biển ngày càng tăng: Tính đến tháng 9/2014, Việt Nam có tổng cộng 44 cảng biển các loại, trong đó có 14 cảng biển loại I, IA; 17 cảng biển loại II. Kinh phí phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 ước tính khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng. Về lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng không ngừng tăng nhanh; theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 1991 là 17,9 triệu tấn; năm 1995 tổng năng lực thông qua là 52,40 triệu tấn/năm, năm 2002, tổng công suất qua cảng của Việt Nam hơn 100 triệu tấn/năm, tốc độ tăng bình quân 17%/năm và đến năm 2014 sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 370,3 triệu tấn, tăng 14%, trong đó hàng container đạt 10,24 triệu TEUs, tăng 20,1% so với năm 2013 và là năm đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay.
Đến nay chúng ta đã hiện đại hoá phương tiện xếp dỡ, quy hoạch và sắp xếp lại kho bãi, xây dựng và nâng cấp thêm các cầu cảng nên năng lực xếp dỡ được nâng cao, giải phóng tàu nhanh. Một số cảng đã và đang được nâng cấp và mở rộng như Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sài Gòn, Cần Thơ. So sánh với quốc tế, nhìn chung quy mô cảng còn nhỏ nhưng thời gian qua hệ thống cảng biển Việt Nam đã đảm nhiệm thông qua hầu hết lượng hàng ngoại thương của ta và hỗ trợ một phần việc trung chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của Lào, góp phần đưa nước ta từng bước tiếp cận và hội nhập với khu vực và thế giới.
Hàng năm, vùng biển thu hút 73% số lượt khách du lịch quốc tế, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12,6%/năm. Năm 1997, số lượt khách du lịch quốc tế đến vùng biển đạt 2,1 triệu người, năm 2000 đạt 3,29 triệu người, năm 2002 đã đón khoảng 5,3 triệu lượt người; riêng năm 2003, do ảnh hưởng của dịch SARS, số khách đạt khoảng 4,7 triệu lượt, giảm so với năm 2002. Khách du lịch quốc tế đến các khu vực trọng điểm du lịch tăng nhanh, riêng khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng và Huế – Đà Nẵng tăng 41%/năm; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 22,6%. Năm 2014, ngành du lịch đã đón tiếp và phục vụ 7.874.312 lượt khách quốc tế (tăng 4% so với năm 2013), 38,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 10%) và tổng thu từ khách du lịch đạt 230 nghìn tỷ đồng (tăng 15%), trong đó chủ yếu là du khách đến với các khu du lịch biển.
Đây là nghề biển truyền thống có thế mạnh của nước ta, với vùng biển có nguồn sinh vật đa dạng, phong phú, trữ lượng hải sản lớn. Trong 10 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, sản lượng thuỷ sản tăng 7,7%/năm, sản lượng khai thác tăng bình quân 5%/năm. Đánh bắt hải sản đã tạo việc làm cho hơn 5 vạn lao động đánh cá trực tiếp và 10 vạn lao động dịch vụ nghề cá. Hệ thống hậu cần nghề cá đã có những chuyển biến đáng kể, đặc biệt là hệ thống các cảng cá được xây dựng suốt dọc bờ biển; số lượng tàu khai thác hải sản trên biển cũng không ngừng tăng lên, năm 1990 cả nước có khoảng 41.000 tàu khai thác thủy sản với tổng công suất máy 727.5000CV, khai thác chủ yếu vùng ven bờ, sản lượng khai thác khoảng 672.000 tấn, thì đến năm 2010 số tàu cá khoảng 128.000 chiếc, tăng gần 3 lần so với năm 1990, với tổng công suất máy tàu lên đến 7.220.000CV tăng gấp 10 lần năm 1990.
Công nghiệp chế biến hải sản, đặc biệt chế biến xuất khẩu đã làm tốt vai trò mở đường và cầu nối, tạo thị trường để nuôi trồng khai thác hải sản phát triển. Đến nay, đã có 390 nhà máy chế biến thuỷ hải sản, trong đó hàng trăm nhà máy được công nhận đạt tiêu chuẩn, và 60% cơ sở chế biến được công nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành. Năm 2003, xuất khẩu hải sản đạt trên 2 tỷ USD, nhưng đến năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt khoảng 5,2 tỷ USD, năm 2012 là 6,2 tỷ USD và năm 2014 khoảng 7,9 tỷ USD, chủ yếu là các sản phẩm từ biển; đây là những thành tựu mà ngành thủy sản nước ta.
Để lại một bình luận