Là một đảo quốc nhỏ tách ra từ Malaysia (1965), nguồn tài nguyên hầu như không có, mọi nguyên liệu hầu hết đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng Singapore có một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, nằm trong eo biển Malacca, trấn giữ con đường hàng hải huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương. Vì vậy Quốc đảo Sư tử này đã tận dụng những lợi thế về biển, đảo để phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn, như dịch vụ hàng hải, cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch biển.
• Trong hoạt động dịch vụ cảng biển và logistics
Với một tầm nhìn chiến lược, ngay từ những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ 20, Singapore đã tiến hành đầu tư cho hạ tầng một cách đồng bộ để chuẩn bị cho sự phát triển của cảng biển và dịch vụ logistics sau này. Để giải quyết bài toán về nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, chính phủ Singapore đã phát hành trái phiếu chính phủ để huy động nguồn vốn. Năm 2001, nguồn vốn huy động được từ trái phiếu chính phủ lên đến 92 tỷ đô la Singapore. Trong 3 thập niên qua, chính phủ Singapore chủ yếu đã sử dụng các nguồn vốn trên để đầu tư, phát triển một cách đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như xây dựng hệ thống cảng trung chuyển, các đường cao tốc hiện đại, sân bay tốt nhất thế giới Changi, các trung tâm logistics cũng như cơ sở hạ tầng cho ngành viễn thông, cáp quang hiện đại, Singapore đã chủ động ứng dụng triệt để những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào hoạt động khai thác đã tạo ra được sự phát triển đột phá trong lĩnh vực cảng biển. Singapore trở thành một trong những cảng biển hiện đại và đông đúc nhất trong khu vực và trên thế giới; là nơi trung chuyển của hơn 400 hãng tàu lớn trên thế giới và liên kết hơn 700 cảng của trên 130 nước. Singapore hiện đang khai thác 4 cảng container và 2 cảng đa năng với tổng cộng 41 bến.
Ngoài ra 4 bến khác thuộc cảng container Pasir Panjang cũng đang được xây dựng. Năm 2006 Singapore đã trung chuyển 24,792 triệu TEU, thu về 3,736 tỷ USD, năm 2007 là 27,9 triệu TEU, tiếp tục giữ vị trí cảng nhộn nhịp nhất thế giới trong cuộc cạnh tranh căng thẳng với Shanghai và Hongkong.
Nhờ có được hệ thống hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, cơ sở vật chất cảng biển hiện đại đi trước một bước mà ngành dịch vụ logistics của Singapore phát triển rất mạnh; việc ứng dụng triệt để các công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và khai thác cảng biển, có những chính sách hợp lý (cắt giảm thuế, ưu đãi về thuế quan) nhằm thu hút các nhà đầu tư và nguồn hàng trung chuyển trong khu vực. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trên thế giới thì dịch vụ logistics ở Singapore được xem là phát triển nhất Châu Á. Có thể nói Singapore là quốc gia rất thành công trong lĩnh vực phát triển cảng biển và dịch vụ logistics.
• Trong lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch biển
Với diện tích khiêm tốn 710 km2 nhưng có đến 5,2 triệu người đang sinh sống, làm việc ở đây, trong đó có gần 2 triệu người nước ngoài. Trong các thành công của Singapore thời gian qua phải kể đến sự thành công của chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo; năm 2010, quốc đảo này đón gần 11,64 triệu khách quốc tế, đóng góp cho nền kinh tế Singapore 18,8 tỷ đô Sing, năm 2012 là 13 triệu khách, đóng góp gần 22,2 tỷ đô Sing, chiếm 3% GDP. Đây thực sự là những con số ấn tượng của ngành du lịch ở một đất nước nhỏ bé, ít tài nguyên. Để có được kết quả này, phải nói đến sự thành công của việc hoạch định, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn của Chính phủ Singgapore. Từ năm 1965 đến nay, Singapore đã hoạch định chiến lược phát triển du lịch trong từng giai đoạn như: “Kế hoạch Du lịch Singapore” (năm 1968), “Kế hoạch phát triển chiến lược” (năm 1993), “Du lịch 21” (năm 1996), “Du lịch 2015”… Với “Kế hoạch phát triển du lịch” (năm 1986), Singapore chủ trương bảo tồn và khôi phục các khu lịch sử văn hóa như: Khu phố của người Hoa, Tanjong Tagar, Little India, Kampong Glam, sông Singapore, hay “Kế hoạch phát triển chiến lược” (năm 1993), Singgapore tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như: du thuyền, du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục, du lịch trăng mật; phát triển các thị trường du lịch mới; tổ chức các lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế; tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; trao các giải thưởng về du lịch; giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch, với phương châm tạo sự hiểu biết tốt hơn về Singapore, phát triển Singapore thành một điểm du lịch “phải đến”, cải thiện tiêu chuẩn dịch vụ nhằm cung cấp các dịch vụ đáng nhớ cho khách du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các doanh nghiệp du lịch và nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, phát triển các sản phẩm trọng tâm của du lịch… Năm 2012, Singgapore chi 300 triệu đô Sing để tổ chức các sự kiện du lịch, chi 340 triệu đô Sing phát triển các sản phẩm du lịch, chi 265 triệu đô Sing phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đến năm 2015, Singapore sẽ đầu tư cho Quỹ phát triển du lịch là 2 tỷ đô Sing, dự kiến đón khoảng 17 triệu khách du lịch quốc tế và doanh thu từ du lịch khoảng 30 tỷ đô Sing. Từ kết quả và kinh nghiệm phát triển du lịch của Singapore sẽ là bài học rất tốt cho quá trình hoạch định, xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch của Việt Nam.
Ngoài phát triển dịch vụ cảng biển, dịch vụ du lịch Singapore còn phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng. Do đó đến nay sau 45 năm thành lập, Singapore đã trở thành “Con Rồng Châu Á” với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013 đạt 251,5 tỷ USD, trở thành một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới (68.500 $/người).
Để lại một bình luận