Vị trí: Cảng Sinagpore nằm ở vị trí chiến lược trên các tuyến hàng hải quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ngay từ năm 2001, Chính phủ Singapore đã thành lập Ủy ban nghiên cứu kinh tế Singapore ERC (Economics Review Committee) nhằm soạn thảo các chiến lược phát triển các ngành kinh tế then chốt của quốc đảo. Chiến lược này được nhóm nghiên cứu về logistics WGL (Working Group on Logistics) soạn thảo và đề xuất 8 nhóm giải pháp nhằm phát triển cảng Singapore thành một TT logistics toàn cầu như sau: Duy trì và thúc đẩy năng lực của TT logistics; Phát triển các ngành “mềm” của các ngành dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics và phát triển nguồn nhân lực; Phát triển Singapore thành TT logistics về IT; Phát triển Singapore thành một trung tâm quản trị chuỗi cung ứng SCM; Xây dựng trung tâm an toàn; Thiết lập trung tâm VTĐPT; Thiết lập cơ chế thuế cạnh tranh; Thiết lập cơ quan hàng đầu phối hợp với các hoạt động của chính phủ, hoạt động theo cơ chế one-stop-shop nhằm xúc tiến phát triển logistics. Tám nhóm chiến lược trên được Chính phủ Singapore tiếp thu triển khai thực hiện đồng bộ và mang lại thành công rất lớn cho ngành logistics Singapore, đặc biệt mang đến vị thế TT logistics toàn cầu cho cảng Singapore.
Cơ sở hạ tầng: Cảng Sigapore hàng năm nhận được trung bình 140.000 tàu và kết nối với 600 cảng của 130 nước, là nơi trung chuyển của hơn 400 hãng tàu lớn trên thế giới. Cảng được trang bị 204 cẩu bờ và một số cần cẩu giàn. Các bến cảng có thể dễ dàng đón và phục vụ các tàu hàng, xà lan, tàu vận tải, các tàu loại RO-RO, tàu sân bay và tàu container. Cơ sở vật chất được đầu tư kỹ lưỡng với hơn 200 cần trục nâng hàng trên các bến cảng và nhiều cần trục nâng hàng tại cổng. Với gói đầu tư để nâng cấp lên tới 2,85 tỷ đô la Mỹ, một dự án mở rộng nhà ga được tiến hành tại cảng Singapore. Sau khi hoàn thành và sử dụng vào năm 2020, cảng Singapore sẽ bổ sung thêm 15 bến, kỳ vọng đạt được trọng tải lên đến 50 triệu TEUs và độ sâu neo tàu 18m. Với những thành tựu nêu trên, cảng Sigapore đã đạt được rất nhiều danh hiệu, trong đó tiêu biểu: Công ty hoạt động cảng container tốt nhất toàn cầu trong 9 năm, Cảng Container tốt nhất châu Á trong 25 năm, Cảng biển tốt nhất châu Á trong 26 năm qua.
Cảng Singapore sử dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và khai thác cảng, cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt. Trong quá trình vận hành khai thác cảng biển, Singapore đã chủ động ứng dụng triệt để thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại. Năm 1997, cảng Singapore đầu tư và lắp đặt hệ thống thông tin quản lý điều hành cảng. Hệ thống này gồm 4 hệ thống thành phần hỗ trợ nhau được sử dụng để lập kế hoạch bố trí sử dụng cầu tàu, bến bãi, thiết bị, nhân lực và điều hành toàn bộ công tác bốc dỡ container. Nhờ có hệ thống này mà các hoạt động tai TT logistics Singapore được thuận tiện và nhanh chóng, giảm thiểu thời gian tiêu tốn tại các khu vực đầu mối chuyển tải container. Bằng việc xây dựng hệ thống này, chất lượng và thời gian thực hiện các dịch vụ của Singapore khó có đối tác nào sánh kịp.
Bên cạnh đó, Singapore có bảy khu thương mại tự do (FTZ), sáu trong số đó dành cho hàng hóa vận chuyển đường biển và một cho đường hàng không. Trong các FTZ, PSA Corporation Ltd cung cấp hơn 2 triệu m2 diện tích kho bãi và hàng loạt tiện nghi và dịch vụ cho hoạt động lưu kho và tái xuất hàng hóa.
Quản lý nhà nước: Chính phủ quản lý, quy hoạch và phát triển hệ thống dịch vụ cảng biển hiệu quả. Trong việc quản lý cảng biển và các dịch vụ cảng biển hiện nay, Singapore áp dụng hai mô hình. Với mô hình quản lý theo kiểu chủ cảng, cơ quan quản lý cảng sở hữu và bảo trì các công trình cảng nhưng không tham gia vào các dịch vụ tại cảng cũng như khai thác bến. Nói cách khác, cơ quan quản lý cảng là người sở hữu và bảo trì các công trình cảng nhưng cho khu vực tư nhân thuê để thực hiện các dịch vụ tại cảng như bốc xếp, giao nhận, lưu kho hàng hóa. Còn với mô hình thương mại hóa về quản lý cảng, một công ty thương mại sở hữu và tự khai thác các công trình cảng hoặc giao cho một đơn vị khác thuê để khai thác. Trước năm 1997, cảng Singapore (PSA) là chính quyền cảng công trực thuộc Chính phủ Singapore.
PSA sở hữu các phương tiện cảng biển, quản lý và kiểm soát mọi lĩnh vực kinh doanh khai thác bến cảng. Để việc kinh doanh khai thác có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh gay gắt trong khu vực, từ ngày 1/1/1997, Công ty Cảng biển PSA đã được hình thành bằng cách công ty hóa cảng Singapore. Việc công ty hóa PSA bao gồm việc chuyển cảng Singapore từ vị trí là một cơ quan của Chính phủ thành một thực thể độc lập và tư nhân nhưng Chính phủ sở hữu toàn bộ. Theo đó, một công ty hoàn toàn của Nhà nước (Công ty Temasek Holdings) sở hữu 100% cổ phần của Công ty PSA. Công ty PSA khai thác các bến container tại Brani, Keppel và Tanjiong Pagar, đây là ba khu vực được PSA đặc biệt chú trọng vào cơ sở vật chất để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ. Cảng Singapore còn có khu buôn bán tự do hoạt động từ năm 1969. Tại các khu trên, có nhiều thiết bị và dịch vụ vận chuyển hàng vào kho và tái xuất hàng hóa sau khi kiểm tra và đóng thuế với những thủ tục hải quan tối thiểu. Trong chính sách cạnh tranh với các cảng trong khu vực, Singapore lấy chất lượng dịch vụ làm động lực cho cạnh tranh chứ không phải giảm giá dịch vụ.
Cơ chế chính sách: Để giải quyết bài toán về nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, Chính phủ Singapore đã phát hành trái phiếu chính phủ để huy động nguồn vốn. Năm 2001, nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ lên đến 92 tỷ đô la Singapore [23]. Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra chương trình tiết kiệm bắt buộc đối với tất cả những người lao động Singapore do Quỹ Tiết kiệm trung ương Singapore quản lý (CPF). Quỹ này hoạt động trên cơ sở được tài trợ toàn phần. Sau khi nghỉ hưu, người dân Singapore được hưởng lợi miễn thuế dựa trên những đóng góp trong quá khứ cộng với lãi suất. Trong thời gian qua, Chính phủ Singapore chủ yếu sử dụng các nguồn vốn trên để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng: xây dựng hệ thống cảng trung chuyển, các đường cao tốc hiện đại, sân bay tốt nhất thế giới Changi, các trung tâm logistics cũng như cơ sở hạ tầng cho các ngành viễn thông, cáp quang hiện đại.
Ngoài ra, Singapore còn thực hiện chiến lược cắt giảm thuế vừa nhằm thúc đẩy kinh tế vĩ mô vừa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Singapore, tạo nguồn hàng ổn định cho các cảng hoạt động. Mặt khác, chính sách ưu đãi về thuế quan đã mang về cho Singapore một lượng lớn hàng container trung chuyển từ các quốc gia khác trong khu vực.
Để lại một bình luận