1. Kim ngạch xuất khẩu:
Gạo là sản phẩm chủ yếu của nền nông nghiệp Việt Nam. Không phải chỉ vài năm gần đây nước ta mới có gạo xuất khẩu, mà thực tế gạo Việt Nam đã có mặt trên thị trường thế giới hàng trăm năm nay. Ngay từ năm 1880, các tỉnh Nam Bộ đã xuất khẩu 284.000 tấn gạo, năm 1884 Bắc Bộ xuất 5.376 tấn. Trong thời kỳ từ năm 1926 đến năm 1936 Việt Nam đã xuất 8,2 triệu tấn gạo. Năm 1960 các tỉnh miền Nam xuất 340.000 tấn. Nhưng thời gian sau đó, chiến tranh liên miên, dân số phát triển quá nhanh, đất canh tác lại hạn chế, nhà nước chưa có chính sách khuyến khích thoả đáng đối với nông nghiệp, cho nên Việt Nam trong nhiều năm liên tục phải nhập khẩu gạo từ năm 1976 đến năm 1988. Từ năm 1989 nhờ có chính sách lương thực đúng đắn mà tình hình sản xuất và thương mại về lương thực, thực phẩm có sự thay đổi lớn. Từ chỗ phải nhập khẩu lương thực chúng ta chuyển sang xuất khẩu gạo.
Từ năm 2001, nhà nước bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo và không qui định đầu mối xuất khẩu gạo. Cơ chế mới này tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi mang tính bình đẳng giúp cho hoạt động xuất khẩu gạo tăng trưởng ổn định. Năm 2005, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng kỷ lục cả về khối lượng lẫn kim ngạch. Năm 2006, xuất khẩu gạo cả nước chỉ đạt khoảng 4,7 triệu tấn gạo đạt kim ngạch gần 1,3 tỷ USD, không đạt chỉ tiêu 5 triệu tấn đề ra. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh gây mất mùa ở phía Nam khiến Chính phủ phải tạm ngưng xuất khẩu trong tháng cuối năm. Mặc dù chỉ mới được xuất khẩu gạo trở lại từ tháng 2 năm nay nhưng các doanh nghiệp đã nhanh chóng ký kết được các hợp đồng xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo (chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm nay từ 4 – 4,5 triệu tấn) với mức giá cao nhất trong nhiều năm nay. Năm 2006, Việt Nam xuất khẩu 4,7 triệu tấn gạo đem về gần 1,3 tỉ USD thì 8 tháng đầu năm 2007 tuy mới xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo nhưng đã đem về 1,15 tỉ USD. Điều này cho thấy đây là năm mà giá gạo xuất khẩu đạt mức cao.
Về xu hướng, giá gạo trong nước cũng như thế giới vẫn tiếp tục tăng lên bởi hàng loạt các lý do: Thứ nhất là do diện tích trồng lúa ở VN đang bị thu hẹp lại bởi tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá… Thứ hai là hiệu quả của việc trồng lúa không cao, nên người nông dân bỏ canh tác, việc này đã diễn ra ở các vùng đồng bằng các tỉnh phía bắc. Thứ ba là tỉ lệ tăng dân số hàng năm của mỗi quốc gia đều đang cần nguồn lương thực, trong lúc nguồn cung không tăng. Thứ tư là yếu tố thiên tai, bão lụt thất thường, nhất là trong tình trạng khí hậu toàn cầu đang nóng lên như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động gieo trồng lương thực và tác động lớn đến giá lương thực. Và vấn đề thứ năm là điều rất mới, đó là trên thế giới bắt đầu xuất hiện công nghệ chế biến cồn từ ngô (bắp) và sắn (khoai mì) để làm nhiên liệu dùng cho động cơ. Việc sử dụng công nghệ khoa học này dùng một lượng sắn, ngô rất lớn sẽ ảnh hưởng đến tình hình lương thực toàn cầu. Dự báo có thể ngay trong năm tới, giá sắn lát và ngô sẽ tăng khoảng trên 100%.
2. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu:
Gạo 5% tấm, 25% tấm, 15% tấm… tiếp tục là những chủng loại xuất khẩu nhiều nhất của nước ta trong năm 2006. So với năm 2005, xuất khẩu gạo 5% tấm và 15% tấm tăng lần lượt về lượng là 13,10% và 5,91%; về trị giá là 17,12% và 4,85%; chủ yếu xuất sang các thị trường Malaysia, Angola, Bờ Biển Ngà, Cuba, Indonexia, Philipine. Ngược lại, xuất khẩu gạo 25% đã giảm 9,50% về lượng và giảm 5,89% về trị giá so với năm 2005.
Trong năm 2006, bên cạnh việc xuất khẩu một số chủng loại như gạo tám, gạo 35% tấm, gạo thơm 100% tấm… có mức tăng trưởng khá cao, thì xuất khẩu các loại như gạo giống Nhật 5% tấm, gạo lứt, gạo 10% tấm lại giảm so năm 2005.
3. Thị trường xuất khẩu:
Philippine, Malaysia, Cuba, Indonexia và Bờ Biển Ngà lần lượt là năm thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất trong năm 2006 của nước ta. Riêng xuất khẩu tới Philippin đã đạt hơn 1,5 triệu tấn, gần bằng 1/3 trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, và cao hơn hẳn (gấp 3 lần) so với khối lượng xuất khẩu tới thị trường lớn tiếp theo là Malaixia. Tuy nhiên, giá xuất khẩu tới Philippin trong năm qua không được cao, trong khi khối lượng xuất khẩu tăng 15% so với năm 2005 thì kim ngạch thu được lại giảm hơn 7%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Indonexia đạt mức tăng trưởng cao, tăng tới 245,8% về lượng và tăng tới 283,1% về trị giá so năm 2005. Ngược lại, xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà lại giảm 35,3% về lượng và giảm 31,7% về trị giá so năm 2005..
Ngoài ra, xuất khẩu gạo của ta trong năm 2006 sang một số thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Irắc, Đài Loan, Georgia, Litva, Mỹ… cũng tăng mạnh. Ngược lại, xuất khẩu sang Etiôpia, Hà Lan, Xenegan, Modambic… lại giảm khá mạnh so năm 2005.
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2007 không đạt chỉ tiêu bởi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN bị giảm kim ngạch tăng trưởng. Đầu tiên phải kể đến gạo. Trong 6 tháng đầu năm, gạo VN xuất khẩu đã giảm 5% về giá trị, 18% về lượng so với năm 2006. Hầu hết các thị trường chính của gạo VN đều bị giảm mạnh, cụ thể: Nga (giảm 75%), Cuba (giảm 67%), Nam Phi (giảm 58%), Nhật Bản (giảm 52%), Philippines (giảm 44%), Trung Quốc (giảm 40%). Gây thất vọng không kém là xuất khẩu giày dép, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực lâu năm của VN nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này chỉ đạt 11%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 21%.
Nguyên nhân của sự mất “phong độ” này là do các vụ kiện chống bán phá giá khiến cho thị trường EU, thị trường chính chiếm tới gần 80% trong tổng kim ngạch toàn ngành giảm xuống chỉ còn khoảng 50 – 60%.
4 Khó khăn:
Bên cạnh niềm vui, nhìn vào ngành gạo Việt Nam vẫn còn canh cánh những nỗi lo. Đó là, tuy Việt Nam xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, nhưng chỉ xếp thứ 3, thứ 4, nếu xét về giá trị xuất khẩu. Việt Nam phải bán gạo rẻ vì hệ thống chế biến và tiếp thị yếu. Mặt khác, tuy nông dân Việt Nam đã đạt mức kỷ lục về năng suất, sản lượng lúa và lợi nhuận tính theo ha, song do hầu hết nông dân đều trồng lúa trên diện tích nhỏ nên không thể thoát nghèo – nếu chỉ trồng lúa. Một nghịch lý đáng chú ý lâu nay là nhiều doanh nghiệp nước ngoài mua gạo, cà phê, chè, ca cao, tiêu, điều của Việt Nam chế biến lại bán giá cao gấp nhiều lần.
Một khâu yếu khác, cho đến nay trên thương trường quốc tế chưa có thương hiệu hoặc nhãn hiệu gạo nổi tiếng đặc trưng cho gạo Việt Nam. Trong khi, các thương hiệu gạo “hoa nhài – Jasmine”, gạo Basmani đã được gắn liền với các quốc gia sản xuất là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan trên thị trường thế giới.
gạo Việt Nam không được trả giá cao là do “không rặt một thứ, pha trộn tùm lum”. Một trong những lý do quan trọng là người nông dân không kết nối trực tiếp được với doanh nghiệp xuất khẩu. Nông dân chủ yếu bán gạo cho thương lái. Mà thương lái lại không để nguyên hoặc chia từng loại, mua của rất nhiều nơi về trộn lại với nhau rồi mới bán. Thêm vào đó Việt Nam chưa có những công ty có năng lực lớn thực sự. Chẳng hạn tầm cỡ như công ty xuất khẩu gạo V ở nước mình, không có nhiều nhà máy, khi ký hợp đồng thì rải ra thu gom nhiều nơi, gạo không cùng giống, chất lượng không đồng nhất là vậy.
Để lại một bình luận