1. Kim ngạch xuất khẩu:
Dệt may là ngành kinh tế quan trọng, thu hút số lượng lớn lao động, hơn 300.000 lao động là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai sau ngành dầu khí.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2003 đạt 3,7 tỉ USD gấp 2 lần so với năm 2001. kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước tháng 8/2007 ước đạt 830 triệu USD, tăng 32,8% so với tháng 8/2006, tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 5,084 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Tháng 8, sản xuất kinh doanh của ngành tiếp tục phát triển với nhiều dấu hiệu tích cực do nỗ lực tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam. Do quản lý tốt công tác giám sát xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ để tránh kiện bán phá giá nên các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã quay trở lại Việt Nam đặt hàng cho quý IV và các tháng đầu năm 2008.
Tập đoàn Dệt may và Hiệp hội Dệt may đang tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm, tiếp thị sản phẩm của ngành vào thị trường EU với sự hỗ trợ từ Trung tâm xúc tiến xuất nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan. Cuối tháng 7/2007, Bộ Công Thương đã ra Quyết định dừng việc chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất hàng dệt may, hàng dệt may bán thành phẩm, nguyên phụ liệu dệt may qua Việt Nam sang Hoa Kỳ. Đây là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn việc chuyển tải bất hợp pháp, sử dụng giấy xuất xứ hàng hóa (C/O) từ Việt Nam thay vì C/O từ nước khác cho việc tạm nhập, tái xuất đối với hàng dệt may.
2. Thị trường xuất khẩu:
Thị trường Mỹ: nếu những tháng đầu năm, ngành dệt may VN điêu đứng vì hàng loạt nhà NK Hoa Kỳ “bỏ đi” do lo ngại hàng dệt may VN bị Hoa Kỳ áp dụng cơ chế giám sát, và có thể bị áp thuế chống bán phá giá… nhưng với sự chủ động giám sát đối với hàng dệt may XK ngay từ trong nước, áp lực đã giảm, và các nhà NK Hoa Kỳ đã quay trở lại. Trong tháng 7/2007, xuất khẩu mặt hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao và tăng nhẹ so với tháng 6, kim ngạch xuất khẩu đạt 444,3 triệu USD, tăng 3% so với tháng 6 và tăng tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 58% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 7. Nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Mỹ 7 tháng năm 2007 lên 2,487 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao trong nhiều năm qua và cũng là bước đệm cho họat động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ thuận lợi trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2008.
Tiếp đến là thị trường EU, đạt kim ngạch 801.987.229 USD tăng 16,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tiến độ xuất khẩu như hiện nay, nhiều khả năng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật Bản cũng có được sự tăng trưởng khá, đạt 389.472.316 USD, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ tại thị trường Nhật Bản. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Canađa đã có sự tăng trưởng rất mạnh trong 7 tháng đầu năm, đạt 77.651.653 USD, tăng tới 42,74% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng ở mức kỷ lục, tăng 491,84% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù kết quả xuất khẩu đạt được vẫn còn thấp, chỉ đạt 21.274.148 USD nhưng cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
3. Khó khăn:
Ngành dệt may hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn sau:
Một là, do trình độ máy móc thiết bị của các nhà máy cơ khí trong ngành quá lạc hậu, không được đổi mới, nên không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp về chất lượng và thời gian giao hàng.
Hai là, phụ tùng, cơ kiện phục vụ cho ngành dệt may đang nhập lậu vào Việt Nam từ Trung Quốc với số lượng lớn, giá rẻ. Bên cạnh đó, tâm lý các doanh nghiệp không muốn đổi mới thiết bị cơ khí để sản xuất phụ tùng, vì sợ không cạnh tranh nổi với sản phẩm của Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu, nhất là cơ chế thị trường hiện nay.
Ba là, giá sắt thép trong nước thường xuyên biến động và tăng cao, nên sản xuất phụ tùng không có hiệu quả.
Bốn là, phụ tùng cơ kiện của ngành dệt rất phức tạp, yêu cầu khắt khe về chất lượng, đòi hỏi phải có tay nghề cao và trang thiết bị hiện đại, điều này các doanh nghiệp cơ khí trong ngành chưa đủ vốn để đầu tư.
Tình hình cung cấp nguyên phụ liệu chưa được cải thiện:
Nguyên phụ liệu cũng đang là vấn đề nan giải của ngành dệt may. Hiện nay, 70% sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam thực hiện theo phương thức gia công, 30% còn lại là bán gia công. Vì phụ thuộc tới 80% nguyên, phụ liệu nước ngoài, hàng dệt may Việt Nam bị đội giá tới 20 – 30%. Đặc biệt đối với bông xơ thì tỷ lệ này còn cao hơn. Mỗi năm ngành dệt cần khoảng 60.000 tấn bông xơ, nhưng nguồn bông trong nước chỉ mới sản xuất được từ 13.000 tấn đến 16.000 tấn, một con số nhỏ bé so với nhu cầu.
Mặc dù trong những năm qua, chính phủ rất quan tâm đến phát triển diện tích trồng bông, nhưng do khí hậu và thổ nhưỡng nước ta chưa phù hợp, nên diện tích và sản lượng bông trong những năm qua tuy có tăng nhưng không đáng kể. Đặc biệt, vụ bông vừa qua diện tích trồng bị thu hẹp, làm sản lượng giảm 20% so với những vụ trước. Nguyên nhân là do người nông dân chuyển sang trồng các cây khác, hạn hán kéo dài đã làm nhiều vùng trồng bông mất trắng hàng nghìn hecta, không cho thu hoạch.
Về phụ liệu, mặc dù thời gian qua có một số nhà máy như: Công ty cổ phần phụ liệu may Nha Trang, Công ty may Việt Tiến, Công ty dệt vải công nghiệp và các công ty tư nhân đã sản xuất được phụ liệu khoá kéo, tấm lót, cúc, chỉ… nhưng sản lượng cũng rất nhỏ bé, chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 25% nhu cầu của ngành.
Chiến lược vẫn dừng lại ở ý tưởng và dự án: Chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may còn đang dừng ở ý tưởng và dự án. Việc tiếp tục nhập khẩu phụ tùng, cơ kiện, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may với khối lượng lớn vẫn phải triển khai. Đây là những khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may cho tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Để lại một bình luận