Thanh tra, kiểm tra thuế là hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế đối với các hoạt động, giao dịch liên quan đến phát sinh nghĩa vụ thuế và tình hình thực hiện thủ tục hành chính thuế, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của NNT, nhằm bảo đảm pháp luật thuế được thực thi nghiêm chỉnh trong đời sống kinh tế – xã hội. Chức năng này bao gồm 2 cấu phần: Kiểm tra và Thanh tra thuế.
Thanh tra thuế là hoạt động kiểm tra của tổ chức chuyên trách làm công tác kiểm tra của cơ quan thuế đối với đối tượng thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi trái pháp luật.
Kiểm tra thuế là hoạt động của cơ quan thuế trong việc xem xét tình hình thực tế của đối tượng kiểm tra, từ đó đối chiếu với chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với đối tượng kiểm tra để có những nhận xét, đánh giá về tình hình chấp hành nghĩa vụ thuế của đối tượng kiểm tra.
Bên cạnh việc tôn trọng kết quả tự tính, tự khai, tự nộp thuế của NNT, cơ quan thuế thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm góp phần khuyến khích sự tuân thủ tự nguyện, vừa đảm bảo phát hiện ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật thuế. Thanh tra, kiểm tra thuế là một biện pháp hữu hiệu nhằm phát hiện ngăn ngừa vi phạm, giúp NNT nhận thấy luôn có một hệ thống giám sát tồn tại và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm của họ.
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế có vai trò quan trọng trong quản lý và phát triển kinh tế. Thanh tra, kiểm tra thuế đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của quản lý thuế, thể hiện:
Thứ nhất, thanh tra, kiểm tra thuế góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế.
Nhà nước thực hiện quản lý thuế thông qua hệ thống các luật, các chính sách, chế độ quản lý để điều chỉnh các quan hệ và thậm chí có thể cưỡng chế các tổ chức và cá nhân trong xã hội phải tuân thủ nhằm bảo vệ các lợi ích của Nhà nước. Trong đó thanh tra, kiểm tra thuế được sử dụng như một công cụ để đảm bảo pháp luật thuế được thực thi nghiêm túc, quyền và lợi ích Nhà nước, của NNT được bảo đảm. Thanh tra thuế nhằm kiểm soát việc chấp hành pháp luật thuế của NNT, giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Thanh tra thuế là một trong những công cụ rất quan trọng và hữu hiệu để đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước, thiết lập kỷ cương xã hội.
Thứ hai, thanh tra, kiểm tra thuế nhằm hạn chế, chống thất thu thuế, hạn chế trốn, tránh, gian lận thuế. Điều này xuất phát từ nguyên tắc hiệu quả và mục đích chống gian lận, chống thất thu cho NSNN của thanh tra, kiểm tra thuế. Với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp, một số NNT cố tình trốn, tránh nghĩa vụ khai, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra thuế giúp minh bạch và kiểm soát để lượng tiền thuế này không bị thất thoát, chiếm dụng, giảm ý đồ không tuân thủ, giảm hành vi gian lận thuế, nâng cao ý thức đóng góp tự nguyện đầy đủ của NNT làm tăng thu cho NSNN.
Thứ ba, thanh tra, kiểm tra thuế đảm bảo NNT chấp hành tốt pháp luật thuế: Thanh tra, kiểm tra thuế với tính chất chuyên sâu và tổ chức hoạt động một cách chuyên nghiệp, có tác dụng hữu hiệu ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, buộc NNT có ý muốn không tuân thủ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với NSNN, ngăn chặn, làm nản lòng một số NNT khác đang có ý định trốn, tránh thuế. Việc thanh tra, kiểm tra thuế xác định rõ những hành vi vi phạm của NNT, xác định rõ nguyên nhân chủ quan (cố tình vi phạm), hay khách quan (hệ thống luật pháp bất cập) dẫn đến vi phạm của NNT để có các biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận về thuế, góp phần làm cho việc thực thi pháp luật về thuế hiệu quả hơn.
Thứ tư, thanh tra, kiểm tra thuế tạo nên sự bình đẳng giữa NNT trong sản xuất kinh doanh, giúp NNT có môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng. Thanh tra, kiểm tra thuế kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật thuế, xử lý kịp thời vi phạm trong phạm vi thẩm quyền của mình, từ đó làm cho môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bình đẳng hơn, nhờ đó mà những NNT làm ăn chân chính có thể cạnh tranh lành mạnh và vững tin vào tính nghiêm minh của pháp luật. Nhờ đó, thanh tra, kiểm tra thuế đã làm giảm những hành vi tiêu cực trong việc thực hiện pháp luật thuế từ đó nâng cao tính tuân thủ của NNT.
Thứ năm, thanh tra, kiểm tra thuế góp phần hoàn thiện chính sách và cơ chế quản lý thuế, phát hiện những hạn chế chưa đồng bộ về cơ chế quản lý và chính sách thuế và thực tiễn đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước, từ đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời bổ sung hoàn thiện.
Thứ sáu, thanh tra, kiểm tra thuế tạo điều kiện để giúp NNT nhìn nhận lại thực trạng khách quan về tình hình tài chính của bản thân NNT. Qua thanh tra, kiểm tra toàn diện về tình hình chấp hành pháp luật thuế giúp NNT nhìn nhận, đánh giá khách quan lại bản thân mình về tình hình kê khai, thực hiện nghĩa vụ với NSNN, chế độ sổ sách kế toán…của mình trong quá khứ. Qua thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế chỉ rõ cho NNT những ưu điểm và hạn chế để NNT để rút ra những kinh nghiệm, bài học cần thiết nhằm tránh được những yếu kém, những sai phạm, những nguy cơ trực tiếp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của NNT.
Như vậy, quản lý thuế không thể đem lại hiệu quả và mục tiêu quản lý nếu thiếu chức năng thanh tra, kiểm tra thuế.
Để lại một bình luận