Ngày nay toàn cầu hóa nền kinh tế đang trở thành một xu hướng tất yếu cho sự phát triển của các quốc gia. Việt Nam đã và đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến an ninh, quốc phòng, đặc biệt là hội nhập kinh tế. Với hàng chục các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với các nước và tổ chức trên thế giới như: Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Nhật Bản, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), FTA với Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đặc biệt là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN (AEC) vào ngày 31 tháng 12 năm 2015…, đang tạo ra sự liên kết kinh tế sâu rộng về nhiều lĩnh vực, tạo nhiều cơ hội để nước ta phát triển các ngành kinh tế có lợi thế, nhất là các ngành được tự do di chuyển lao động giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên đây cũng là những thách thức to lớn đối với nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là sức cạnh tranh về các ngành dịch vụ như: Dịch vụ du lịch, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục – đào tạo và cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực; nhiều quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn hàng hóa, chất lượng dịch vụ. Vì vậy ngoài những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào, đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả để tận dụng lợi thế phát triển các ngành kinh tế dịch vụ như du lịch, dịch vụ vận tải hàng hải, dịch vụ cảng biển…, đây cũng là những đòi hỏi cấp thiết của Bà Rịa – Vũng Tàu khi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cho những năm tiếp theo.
Vấn đề biển Đông, an ninh biển và môi trường biển, đảo.
Kinh tế biển được xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia có biển, hải đảo. Việc duy trì bảo đảm an ninh trên các vùng biển, đảo hiện nay và trong thời gian tới sẽ phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức, đó là sự tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển, đảo; xuất hiện nhiều yếu tố phi truyền thống như cướp biển, những tranh chấp về khai thác hải sản, khoáng sản, tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại trên các vùng biển, ngày càng trở nên phức tạp khó lường, đặc biệt khi cộng đồng AEC được hình thành, điều này sẽ xuất hiện ảnh hưởng đến tình hình an ninh, quốc phòng và môi trường trên biển, đảo. Do vậy đòi hỏi sự nỗ lực chung của tất cả các nước thành viên trong khu vực.
Trong duy trì bảo đảm an ninh trên biển, đảo các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông giữa các nước ASEAN – Trung Quốc (DOC), Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) nhất là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, xây dựng biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, thịnh vượng ở châu Á – Thái Bình Dương và khu vực ASEAN.
Trong bối cảnh đó để đảm bảo sự ổn định trong phát triển các ngành kinh tế dịch vụ trong vùng biển, đảo, ngoài các văn bản pháp lý mang tính quốc tế và quốc gia, đòi hỏi Bà Rịa – Vũng Tàu cần có những chủ trương, đường lối và những giải pháp phù hợp nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo, tạo điều kiện để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, đảo như, khai thác dầu khí, du lịch biển, dịch vụ hàng hải, dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics; góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế đã được xác định đó là trở thành một tỉnh mạnh về công nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển, đồng thời phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta
Để lại một bình luận