ASEAN là khu vực điển hình trên toàn cầu về mô hình phát triển các KTĐQG giữa các nước. Trong khi một số nước đã thiết lập KTĐQG toàn diện; một số nước mới có khung theo lĩnh vực (giáo dục phổ thông, nghề nghiệp, đại học); một số nước khác hoàn toàn chưa xây dựng KTĐQG. Trong bối cảnh này, AQRF nhằm mục đích tạo điều kiện so sánh, đối chiếu các trình độ xuyên quốc gia để: (i) Hỗ trợ công nhận các trình độ; (ii) Thúc đẩy học tập suốt đời; (iii) Khuyến khích sự phát triển các cách tiếp cận quốc gia để hợp thức kết quả học tập ngoài giáo dục chính quy; (iv) Thúc đẩy di chuyển lao động; (v) Thúc đẩy và khuyến khích sự di động của giáo dục và người học; (vi) Chia sẻ hiểu biết về các hệ thống trình độ; (vii) Thúc đẩy các hệ thống trình độ có chất lượng cao hơn.
AQRF sẽ hỗ trợ và tăng cường KTĐQG hoặc hệ thống trình độ của mỗi nước trong khi cũng cung cấp một cơ chế hỗ trợ so sánh, minh bạch và hệ thống trình độ chất lượng cao hơn, đặt nền móng cho việc hội nhập giáo dục dạy nghề ở khu vực. Điều này đạt được thông qua: (i) Quá trình học tập lẫn nhau giữa các quốc gia, ví dụ như thiết kế và vận hành hệ thống trình độ; (ii) Sự hiểu biết tốt hơn về hệ thống trình độ của quốc gia, ví dụ tạo cho hệ thống rõ ràng dễ hiểu hơn đối với những quốc gia khác; (iii) Áp dụng các quy trình chất lượng được sử dụng ở những quốc gia khác.
AQRF có 8 mức trình độ (từ cấp độ 1 đến cấp độ 8) để mô tả các cấp trình độ, năng lực khác nhau mà người lao động đạt được.
Mô tả bậc AQRF gồm hai cấu phần chính: (i) Kiến thức và kỹ năng: bao gồm các kiến thức khác nhau (về lý thuyết và thực hành) cũng như các kiến thức được sử dụng (kỹ năng về nhận thức và thực hành); (ii) Khả năng áp dụng và trách nhiệm:chính là bối cảnh mà ở đó kiến thức và kỹ năng được sử dụng trong thực hành cũng như mức độ độc lập của người lao động, bao gồm khả năng ra quyết định và trách nhiệm của người lao động đối với bản thân và những người khác. (Phụ lục 15)
Xem xét AQRF, có thể thấy việc xác định trình độ làm việc của người lao động trong khu vực ASEAN không dựa vào bằng cấp mà dựa vào năng lực kỹ năng, kiến thức chuyên môn mà người lao động học tập và thích ứng được trong quá trình làm việc. Đặc biệt, khung tham chiếu trình độ ASEAN đề cao các năng lực cá nhân, các kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, kỹ năng thích ứng với môi trường công việc, kỹ năng giao tiếp…
ASEAN đã thống nhất 11 tiêu chí làm cơ sở cho quá trình đối chiếu ở các nước thành viên. Cho đến nay, đã có 8 nước ASEAN, trừ Bru-nây và Lào đã có khung trình độ quốc gia của mình. Các nước In-đô-nê-xia, Philipines, Thái Lan và Ma-lai-xia đề ra kế hoạch hoàn thành việc đối chiếu Khung TĐQG với AQRF trước năm 2018.
Để lại một bình luận