Hải Phòng là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng giao lưu trong nước và quốc tế, trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ lớn của cả nước, nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng- Quảng Ninh của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Với những tiềm năng, lợi thế về địa kinh tế lại được đánh giá là thành phố năng động trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa kinh tế của thành phố trong 30 năm đổi mới đã có những bước tăng trưởng, phát triển khá cao. Chỉ tính trong giai đoạn 2005- 2017, kinh tế thành phố đã đạt được tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%/năm. Năm 2017 đạt 14,1%, cao nhất từ năm 2005 đến nay. Cụ thể như sau:
Quy mô kinh tế của thành phố từng bước được mở rộng, tổng GRDP giá hiện hành của Hải Phòng năm 2005 đạt 14.043tỷ thì đến năm 2010 đã đạt 28.825 tỷ và đặc biệt đến năm 2015 đạt 126.776,9 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2010;năm 2017 ước đạt 134.456 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 14,1% so với 2016. Tỷ trọng GRDP Hải Phòng so với tổng GDP toàn quốc đã đạt trên 3,33%, cao hơn đáng kể so với năm 2010 (2,88%).
Nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp – xây dựng đã phục hồi, đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp – xây dựng đã tăng trưởng cao trở lại. Năm 2014, tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp – xây dựng của thành phố đạt 10,03% và năm 2015 đạt 13,28%, năm 2016 đạt 14,36%và năm 2017 đạt 21,58% cao gấp gần 3 lần so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Bình quân chung cả giai đoạn 2011-2017, nhóm ngành công nghiệp – xây dựng tăng trên 10%/năm (tính theo giá 2010). Khu vực dịch vụ cũng phục hồi nhưng mức tăng trưởng không cao như khu vực công nghiệp – xây dựng, chỉ đạt 8,73% vào năm 2014 và 9,76% vào năm 2016và 11,7% vào năm 2017. bình quân 5 năm đạt trên 10,5%/năm, cao nhất trong 3 nhóm ngành.
Kinh tế dịch vụ trong giai đoạn 2006-2017 phát triển đúng hướng, ngày càng đa dạng và hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Hải Phòng đã trở thành trung tâm dịch vụ lớn của vùng Duyên hải Bắc Bộ, GDP ngành dịch vụ đứng thứ hai trong Vùng ĐBSH, sau Hà Nội; là đầu mối vận tải lớn nhất của khu vực phía Bắc về xuất, nhập khẩu hàng container, xăng dầu và các loại hàng hóa khác đến và đi các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới (92tr tấn).
Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ của thành phố giai đoạn 2006- 2010 và 2011-2017 tính theo giá so sánh 1994 đạt tương ứng 13,7%/năm và 10,5%/năm. Cơ cấu kinh tế thành phố cơ bản được duy trì đúng hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố; tỷ trọng GRDP của các nhóm ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng từ 90,3% năm 2011 lên 92,5% năm 2015.
Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp có sự thay đổi tích cực theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế, tiềm năng, công nghiệp liên quan đến biển và sản xuất hàng xuất khẩu. Một số ngành công nghiệp mới có tỷ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng dần như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính: năm 2013 chiếm 1,8%, năm 2014 chiếm 2,41%, ước năm 2015 chiếm 8,8%; sản xuất máy móc thiết bị (trong đó có máy in): năm 2013 chiếm 4,49%, năm 2014 chiếm 7,37%, ước năm 2015 chiếm 7,48%; sản xuất và phân phối điện: năm 2013 chiếm 7,43%, năm 2014 chiếm 9,07%, năm 2015 chiếm 10%. Đang dần hình thành trung tâm công nghiệp điện tử lớn tại thành phố với việc triển khai dự án của tập đoàn LG và các dự án vệ tinh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử. Hải Phòng đã thu hút được một số dự án FDI có công nghệ sản xuất tiên tiến, sản phẩm có tính cạnh tranh cao nằm trong chuỗi giá trị phân phối toàn cầu. Trong nông nghiệp đã xuất hiện các mô hình sản xuất theo chuỗi, sản xuất VietGAP, dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, hiệu quả tăng từ 10 – 30% so với sản xuất đại trà, nhiều mô hình gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.
Năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hải Phòng (giá hiện hành) đạt 2.946 USD/người/năm, tăng 1,86 lần so với năm 2005 và cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (2.109 USD/người/năm). Năm 2016, GDP bình quân đầu người là 3.472,6 USD/người/năm. Việc đạt được mục tiêu 4.900-5.000 USD/người/năm vào năm 2020 theo KH là khá khả quan. Tăng trưởng giá trị hàng hóa xuất khẩu của thành phố. Hải Phòng đạt khá cao, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 15,76 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,86%/năm, năm 2015 đạt gần 4,226 tỷ USD. Năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt 6,524 tỷ USD, tăng 22,46% so với năm 2016. Số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng nhanh, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu có chuyển biến tích cực do sản phẩm công nghiệp chế biến xuất khẩu tăng khá.
Đánh giá chung, trong giai đoạn 2005-2017, kinh tế thành phố Hải Phòng có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bộ mặt đô thị thay đổi, phát triển đáng kể, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm phát triển và khá đồng bộ, hiện đại. Hệ thống doanh nghiệp được hình thành, phát triển khá nhanh, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội thành phố; đời sống nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, kinh tế thành phố tăng trưởng vẫn thiếu ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế so sánh của Hải Phòng. Kinh tế thành phố chưa có bước đột phá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, mô hình tăng trưởng chưa hợp lý, doanh nghiệp ra đời nhiều nhưng thực sự hoạt động còn ít, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV), năng lực cạnh tranh không cao.
Để lại một bình luận