Thương mại quốc tế xuất hiện từ cách đây hàng ngàn năm nhưng việc giải thích nguồn gốc và lợi ích mà thương mại quốc tế đem lại mới thực sự bắt đầu từ thế kỷ 16 với lý thuyết đầu tiên là nghiên cứu của chủ nghĩa trọng thương. Lý thuyết thương mại quốc tế là một hệ thống lý thuyết được phát triển từ đơn giản đến phức tạp, các lý thuyết đi sau luôn có sự kế thừa và phát huy các lý thuyết trước theo hướng ngày càng phù hợp với thực tiễn.
Trải qua nhiều thế kỷ, các lý thuyết đã lần lượt ra đời từ quan đi ểm của chủ nghĩa trọng thương (giữa thế kỷ 16), tiếp theo đó là lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith (1776). Phát triển quan điểm của Adam Smith, hai lý thuyết khác tiếp tục được xây dựng đó là lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo (1817) và lý thuyết Heckscher-Ohlin, một công trình nghiên cứu sâu hơn lý thuyết của Heckscher (1919) và Ohlin (1933). Các lý thuyết của Adam Smith, David Ricardo và Heckscher-Ohlin đã giải thích mô hình của thương mại quốc tế đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới. Theo Adam Smith, lý thuyết lợi thế tuyệt đối cho rằng một quốc gia nên chuyên môn hoá trong việc sản xuất và xuất khẩu hàng hoá mà các quốc gia đó có lợi thế tuyệt đối và nhập khẩu hàng hóa mà quốc gia đó không có lợi thế tuyệt đối. Nói cách khác một quốc gia không nên tự mình sản xuất ra những sản phẩm mà họ có thể nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí thấp hơn. Lý thuyết này cho ta thấy được tính ưu việt của chuyên môn hoá và trao đổi. Tuy vậy, lý thuyết vẫn còn một số hạn chế: thứ nhất, lý thuyết này không giải thích được trường hợp thương mại diễn ra giữa một quốc gia có mọi lợi thế hơn hẳn so với đối tác thương mại của quốc gia đó; thứ hai, lý thuyết này đồng nhất hoá sự phân công lao động quốc tế với sự phân công lao động trong nước mà không tính đến sự khác biệt rất lớn về thể chế chính trị, phong tục, tập quán giữa các quốc gia. Vận dụng lý thuyết lợi thế tuyệt đối, các quốc gia cần phải nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Thông qua đó, quốc gia có thể tăng cường xuất khẩu hàng hóa mà quốc gia mình sản xuất có hiệu quả hơn và các quốc gia tham gia thương mại đều được hưởng lợi nhiều hơn.
Tuy nhiên, phần lớn các mô hình thương mại quốc tế khó giải thích hơn nhiều. Lý thuyết của David Ricardo về lợi thế so sánh đưa ra một cách giải thích về sự khác biệt giữa các quốc gia về năng suất lao động. Theo lý thuyết này, chi phí cơ hội được cho là lý do cơ bản mà một quốc gia chuyên môn hoá những mặt hàng mà họ có thể sản xuất tốt nhất. Nguyên tắc này phần nào giải thích được hạn chế của lý thuyết lợi thế tuyệt đối, nhờ đó bất cứ quốc gia nào cũng có thể hoạt động vì lợi ích riêng của mình khi tham gia vào thị trường quốc tế. Mỗi nước sẽ dành nguồn lực của mình vào việc sản xuất những mặt hàng có lợi thế hơn so với các nước khác (lợi thế so sánh). Điều này sẽ có lợi cho tất cả các nước và sẽ liên kết các nền kinh tế quốc gia trên cơ sở phân công lao động và chuyên môn hoá. David Ricardo đã sử dụng mô hình lợi thế so sánh để ủng hộ tự do thương mại, đặc biệt là chấm dứt hàng rào thuế quan hạn chế nhập khẩu. Vận dụng lý thuyết này, để đẩy mạnh thương mại quốc tế bên cạnh việc khai thác, phát huy tốt các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên còn phải tăng cường cải tiến kỹ thuật công nghệ, hoàn thiện các quy trình sản xuất, đổi mới thiết bị, cải tiến mẫu mã sản phẩm,… để tạo ra lợi thế so sánh cho mình trong cạnh tranh thương mại quốc tế.
Lý thuyết Heckscher-Ohlin nhấn mạnh tới sự tương tác giữa các tỷ lệ yếu tố sản xuất (bao gồm đất đai, lao động và vốn) sẵn có tại các quốc gia khác nhau với tỷ lệ yếu tố sản xuất cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa cụ thể. Lý thuyết này cho rằng các quốc gia xuất khẩu sản phẩm dựa trên các nguồn lực sản xuất thiên phú và nhập khẩu những sản phẩm mà các yếu tố sản xuất trong quốc gia khan hiếm. Theo Heckscher và Ohlin, sự sẵn có các yếu tố sản xuất của quốc gia chính là yếu tố quyết định lợi thế so sánh. Như vậy, trong điều kiện thương mại tự do, hàng hoá thâm dụng lao động sẽ được xuất khẩu từ quốc gia có nguồn lao động dồi dào và hàng hoá thâm dụng vốn sẽ được xuất khẩu từ quốc gia có nhiều vốn. Do đó, phù hợp với lý thuyết Heckscher – Ohlin, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sẽ tập trung vào những sản phẩm có hàm lượng lao động cao như dệt may, giày dép. Bên cạnh đó, Việt Nam có xu hướng xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản do những nhân tố thuận lợi về khí hậu và địa lý.
Trước những biến đổi liên tục của thực tiễn, các lý thuyết này không phải là những giải thích luôn đúng cho các mô hình thương mại. Lý thuyết chu kỳ sống của sản phẩm do Raymond Vernon (1966) phát tri ển đã cho thấy sự thất bại của lý thuyết Heckscher-Ohlin trong việc giải thích các mô hình thương mại trên thực tế.
Lý thuyết này cho rằng ở giai đoạn đầu hầu hết các sản phẩm mới được giới thiệu đều được sản xuất và xuất khẩu từ những quốc gia phát minh ra chúng. Đến khi một sản phẩm mới được chấp nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế, các nước sáng tạo ra sản phẩm bắt đầu định vị các cơ sở sản xuất ở các nước khác đe những nước này sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trở lại quốc gia phát minh đầu tiên.
Để lại một bình luận