Thuế là một hình thức huy động nguồn tài chính cho Nhà nước đã có từ lâu trong lịch sử. Khi Nhà nước ra đời, để đảm bảo các nhu cầu chi tiêu, nhà nước phải sử dụng quyền lực của mình ban hành các luật thuế bắt buộc người dân và các tổ chức phải đóng góp cho Nhà nước. Một trong các hình thức thu đó là thu thuế.
Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc áp vào người nộp thuế nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật qui định nhằm sử dụng cho mục đích công cộng
Bản chất của thuế được thể hiện bởi các thuộc tính bên trong, vốn có của thuế. Những thuộc tính đó có tính ổn định tương đối qua từng giai đoạn phát triển và biểu hiện thành những đặc trưng riêng có của thuế, qua đó giúp ta phân biệt giữa thuế với các công cụ tài chính khác. Những đặc trưng đó là:
(1) Tính bắt buộc
Tính bắt buộc là thuộc tính cơ bản vốn có của thuế để phân biệt giữa thuế với các hình thức động viên tài chính khác của ngân sách Nhà nước. Joseph Stiglitz cho rằng: “Thuế khác với đa số những khoản chuyển giao tiền từ người này sang người kia: Trong khi tất cả những khoản chuyển giao đó là tự nguyện thì thuế lại là bắt buộc” [36, tr. 28].
Phân phối mang tính chất bắt buộc dưới hình thức thuế là một phương thức phân phối của Nhà nước, theo đó nhà nước sử dụng quyền lực của mình bắt buộc người dân và các tổ chức phải chuyển giao một phần thu nhập cho Nhà nước mà không kèm theo một sự cấp phát hoặc những quyền lợi nào khác cho NNT. Điều này xuất phát từ quyền lực có tính chất cưỡng chế đơn phương của nhà nước.
Do việc nộp thuế mang tính bắt buộc gắn với quyền lực của Nhà nước mà NNT không có quyền từ chối nộp thuế, cũng không có quyền tự ấn định hay thoả thuận mức đóng góp của mình mà chỉ có quyền chấp hành. Nhờ đó, Nhà nước mới có nguồn thu ổn định thường xuyên đảm bảo tài trợ cho các nhu cầu chi tiêu công. Việc sử dụng quyền lực nhằm cưỡng chế NNT phải tuân thủ pháp luật thuế, song việc không tự nguyện hoặc có hành vi trốn nộp thuế cũng ảnh hưởng đến hiệu quả thu thuế. Vì vậy, việc tuyên truyền giáo dục tâm lý chấp nhận nộp thuế và nâng cao ý thức tuân thủ của NNT luôn được coi trọng trong công tác quản lý thuế.
(2) Tính không hoàn trả trực tiếp
Tính chất không hoàn trả trực tiếp của thuế được thể hiện ở chỗ: thuế không phải là khoản thù lao mà NNT phải trả cho Nhà nước do được hưởng các hàng hoá công mà nhà nước cung cấp cho NNT thông qua các dịch vụ công cộng của nhà nước. Sự không hoàn trả trực tiếp được thể hiện cả trước, trong và sau khi thu thuế: (i) Tại thời điểm nộp thuế, NNT không được hưởng bất kỳ một lợi ích nào và cũng không được quyền đòi hoàn trả số thuế đã nộp cho nhà nước; (ii) Trước khi thu thuế, nhà nước không hề cung ứng trực tiếp một dịch vụ công cộng nào cho NNT; và (iii) Sau khi nộp thuế, cũng không có sự bồi hoàn trực tiếp nào từ Nhà nước cho NNT.
Nhìn chung, NNT phải chấp nhận sự không hoàn trả đó và coi đó là nghĩa vụ thuế của mình đối với xã hội.
(3) Tính định trước trong pháp luật và tính pháp lý cao.
Các khoản nộp thuế và mức nộp thuế đã được luật pháp quy định trước và mang tính pháp lý cao. Điều này được quyết định bởi quyền lực chính trị của Nhà nước. Nhà nước là một tổ chức chính trị, đại diện cho quyền lợi của giai cấp thống trị, thi hành các chính sách do giai cấp thống trị đặt ra để cai trị xã hội. Vì vậy, để bắt buộc các công dân tự nguyện nộp thuế thì Nhà nước phải sử dụng đến quyền lực của mình, quyền lực ấy được thể hiện bằng luật pháp. Tuy nhiên, việc thu thuế không phải tùy tiện, mà các yếu tố điều chỉnh hành vi nộp thuế đã được quy định trước trong luật pháp, như đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế, mức thuế phải nộp và những chế tài mang tính cưỡng chế khác.
Những đặc điểm trên đây có tác động ảnh hưởng rất rõ rệt đến việc hình thành tâm lý hành vi của NNT.
Để lại một bình luận