Năm 1923 thuật ngữ TNXH của DN xuất hiện bởi Oury Shelon. Ông cho rằng: “TNXH của DN được đặt trong mối quan hệ giữa DN với NLĐ thông qua việc DN đáp ứng đầy đủ nhu cầu của NLĐ trong và ngoài DN”. Nhưng cho đến năm 1953 trong cuốn sách “Trách nhiệm của doanh nhân” H.R.Bowen mới chính thức tạo nền móng cho lý thuyết TNXH của DN bằng chính những luận giải sắc nét kêu gọi doanh nhân quan tâm đến mối quan hệ giữa DN và các mục tiêu của xã hội. Theo đó, TNXH là đề cập đến nghĩa vụ của DN để theo đuổi các chính sách, thực hiện những quyết định, hành động được kỳ vọng để đạt được các mục tiêu và giá trị của xã hội. Cùng với thời gian, các khái niệm về TNXH được các học giả nước ngoài và trong nước phát triển theo hướng mở rộng và cụ thể hóa nội hàm của nó:
Sethi (1975) và Carroll (1999) đều có chung một quan điểm là TNXH của DN không phải quy tắc bất biến, nó sẽ thay đổi để phù hợp với kỳ vọng của xã hội. TNXH là một khái niệm “động” và có sự thích nghi trong mỗi giai đoạn. Trong đó Carroll (1999) cho rằng: “TNXH của DN là tất cả các vấn đề kinh tế, pháp lý, đạo đức và những lĩnh vực khác mà xã hội trông đợi tại một thời điểm nhất định.”
Từ thế kỷ 21 nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề môi trường và phát triển bền vững khi nói đến khái niệm TNXH. Các chuyên gia của ngân hàng thế giới (2003) nhận định: “TNXH của DN là sự cam kết của DN đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của NLĐ và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội theo hướng có lợi cho các DN cũng như sự phát triển chung của xã hội‟‟.
Các nhà nghiên cứu về lý thuyết các bên liên quan nhận định: TNXH nhằm tạo ra và cân bằng lợi ích khác nhau của DN và các bên liên quan. Theo Sybil và cộng sự, (2009): “TNXH của DN là việc tổ chức các hành động để đáp ứng lợi ích của bản thân họ và các bên liên quan ở thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo lợi ích của các thế hệ tiếp theo”.
Trách nhiệm xã hội là sự tuân thủ pháp luật và vượt trên những yêu cầu của pháp luật hiện hành để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Theo Liên minh châu Âu (2011): “TNXH là quá trình mà các DN tích hợp các vấn đề xã hội, môi trường và đạo đức vào các hoạt động kinh doanh và chiến lược của họ trong sự tương tác chặt chẽ với các bên liên quan vượt trên những yêu cầu của pháp luật và thỏa ước lao động tập thể”.
Trên cơ sở phát biểu nêu trên, khái niệm luận án xác định như sau:
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cam kết của doanh nghiệp đối với các bên liên quan về việc tuân thủ và vượt trên những yêu cầu của pháp luật từ đó nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, thực hiện các ứng xử với các đối tác, cộng đồng, môi trường theo hướng đảm bảo sự phát triển bền vững.
Từ khái niệm trên có thể thấy:
Thứ nhất, DN có những cam kết về thực hiện mục tiêu kinh tế và phải coi trọng các cam kết thực hiện các mục tiêu xã hội vì các mục tiêu này có mối quan hệ biện chứng, tác động tương hỗ, chi phối, thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình hoạt động của DN. Các DN thực hiện TNXH, cần phải xác định những cam kết, những chương trình hoạt động thực hiện TNXH gắn với mỗi bên liên quan phù hợp với khả năng, chiến lược kinh doanh của mình.
Thứ hai, TNXH của DN cần được đặt trong mối quan hệ giữa DN với các bên liên quan như NLĐ, khách hàng, cổ đông, nhà cung ứng, môi trường. Các bên liên quan đã có sự cống hiến, đầu tư hoặc có mối quan hệ quyết định đến sự tồn vong và phồn thịnh của DN trong quá trình hoạt động cho nên các nhà quản lý phải xem xét những ảnh hưởng của DN đến các bên liên quan để tối đa hóa lợi ích cho họ trong tổng giá trị lợi ích của DN từ đó đáp ứng những kỳ vọng của các bên liên quan trong sự phát triển bền vững cho DN và xã hội.
Thứ ba, thực hiện tuân thủ pháp luật và vượt trên những yêu cầu của pháp luật. Trong đó thực hiện tuân thủ pháp luật là sự ràng buộc và yêu cầu pháp lý mà mọi DN phải tuân theo (Ký HĐLĐ, trả lương, ATVSLĐ, bảo hiểm …) cũng như vượt trên tuân thủ pháp luật (trả lương cạnh tranh, tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí cho NLĐ, cổ đông, đối tác để gắn kết các bên liên quan…) để đảm bảo phát triển bền vững cho DN cũng như xã hội.
Để lại một bình luận