Do xuất phát từ tiếp cận tăng trưởng kinh tế ở các khía cạnh khác nhau nên đã có nhiều khái niệm về tăng trưởng kinh tế khác nhau. Có thể nêu ra một số khái niệm tiêu biểu về tăng trưởng kinh tế như sau:
Theo Simon Kuznets (1959) thì “tăng trưởng kinh tế đó là sự gia tăng trong dài hạn của sản lượng bình quân trên đầu người hay sản lượng tính trên mỗi người lao động”. Theo Douglass C.North và Robert Paul Thomas (1973) thì “tăng trưởng kinh tế chỉ xảy ra nếu tốc độ sản lượng tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số”. Theo Adam Smith (1923-1970) định nghĩa “Chính lao động là nguồn gốc tạo ra giá trị cho xã hội và được coi là yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế”. Theo David Ricardo (1772-1823) thì “Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất, các yếu tố cơ bản của tăng trưởng kinh tế là đất đai, lao động và vốn”. Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank) định nghĩa “tăng trưởng kinh tế đó là sự thay đổi hay mở rộng về số lượng trong nền kinh tế của một đất nước. Tăng trưởng kinh tế thường được đo lường bằng tỷ lệ tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc dân (GNP) trong một năm. Tăng trưởng kinh tế có hai hình thức: thứ nhất là tăng trưởng theo chiều rộng bằng cách sử dụng nhiều tài nguyên hơn như vật chất, lao động, vốn tự nhiên; thứ hai là tăng trưởng theo chiều sâu bằng cách sử dụng lượng tài nguyên hiệu quả hơn. Theo hình thức thứ nhất, nếu tăng trưởng kinh tế dựa vào tăng lao động thì do lao động tăng cao nên việc này sẽ không làm tăng thu nhập bình quân đầu người; tăng sử dụng tài nguyên thì sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường và làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia. Nhưng nếu tăng trưởng kinh tế theo hình thức thứ hai, nghĩa là sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực như vốn, lao động thì kết quả thu nhập trung bình trên đầu người sẽ tăng lên đồng thời cải thiện được chất lượng cuộc sống của người dân”.
Tóm lại, tăng trưởng kinh tế có thể được hiểu là sự gia tăng về thu nhập hoặc gia tăng về sản lượng được tính cho toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Sự gia tăng này được thể hiện ở quy mô tăng trưởng phản ánh sự gia tăng về số lượng, còn tốc độ tăng trưởng có ý nghĩa so sánh tương đối và phản ánh sự gia tăng nhanh hay chậm giữa các thời kỳ so sánh.
Để lại một bình luận