Khái niệm cảng biển ra đời khá sớm cùng với sự hình thành và phát triển hoạt động vận tải đường biển. Theo khái niệm truyền thống: cảng biển là đầu mối giao thông, nơi thực hiện các thao tác xếp dỡ hàng hóa từ phương thức vận tải biển sang các phương thức vận tải khác và ngược lại. Nội dung hoạt động cơ bản ban đầu của cảng là xếp dỡ hàng hóa, hỗ trợ cho công tác vận tải, xuất nhập khẩu, vì vậy hậu phương của cảng rất hạn chế.
Cùng với sự phát triển của vận tải biển và phân công lao động ngày càng sâu sắc, việc hợp tác lao động ngày càng chặt chẽ, khái niệm về cảng biển ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Theo từ điển Bách khoa năm 1995, “cảng biển là khu vực đất và nước ở biển, có những công trình xây dựng và trang thiết bị phục vụ cho tàu thuyền cập bến, bốc dỡ hàng hoá, hành khách lên xuống, sửa chữa phương tiện vận tải biển, bảo quản hàng hoá và thực hiện các công việc khác phục vụ quá trình vận tải đường biển. Cảng có cầu cảng, đường vận chuyển, có thể là đường sắt, đường bộ, kho hàng, xưởng sửa chữa”. Theo Điều 59, Chương 5-Bộ Luật Hàng hải Việt Nam quy định: “Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho tàu biển ra vào hoạt động để bốc dỡ hàng hoá, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác; là một bộ phận quan trọng không thể thiếu cho hoạt động của khu kinh tế mở, khu thương mại tự do, khu công nghiệp, chế xuất; là nơi trong khu vực giao nhau giữa đất liền và biển. Cảng biển đồng thời là mắt xích của vận tải đa phương thức, ở đó các phương tiện vận tải biển, vận tải đường sắt, vận tải đường sông hoặc đường hàng không đi qua, là nơi có sự thay đổi hàng hoá từ phương tiện vận tải biển sang phương tiện vận tải khác và ngược lại do đó hậu phương của cảng thường rộng lớn”.
Như vậy, một cảng biển sẽ bao gồm hai khu vực: Vùng nước cảng và vùng đất cảng.
Vùng nước cảng: Là vùng nước được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch; vùng để xây dựng luồng cảng biển và các công trình phụ trợ khác. Đây chính là khu vực có ảnh hưởng quyết định tới hoạt động phục vụ tàu ra vào cảng, bao gồm có vũng chờ và khu nước trước cảng:
Vùng đất cảng: Là vùng đất được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, các cơ sở dịch vụ logistics, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện nước, các công trình phụ trợ khác và lắp đặt thiết bị. Trong đó, cầu cảng là kết cấu cố định thuộc bến cảng, được sử dụng cho tàu biển neo đậu, bốc dỡ hàng hoá, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác; bến cảng có thể có một hoặc nhiều cầu cảng.
Vai trò của cảng biển đối với sự phát triển của hoạt động logistics
Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy rằng, để phát triển toàn diện và tăng trưởng kinh tế cao thì hầu hết các Chính phủ cần nhận rõ vai trò của cảng biển. Với hơn 80% hàng hoá xuất nhập khẩu trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển thông qua các cảng biển, cảng biển là đầu mối quan trọng trong lưu thông hàng hoá, đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của quốc gia cũng như hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Cảng biển tạo cơ sở cho các hoạt động dịch vụ, cho chính cảng biển và cho hàng loạt các ngành khác. Khi dịch vụ cảng biển (logistics) phát triển, cảng biển sẽ thu hút được nhiều tàu bè, nhiều hàng hoá xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, từ đó quan hệ kinh tế, thương mại của một quốc gia cũng được phát triển về mọi mặt. Những hoạt động này mang lại nguồn lợi đáng kể cho các quốc gia có biển, nhất là việc thu hút được một lượng ngoại tệ lớn hàng năm về cho đất nước. Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống cảng biển, giảm chi phí vận tải và dịch vụ logistics sẽ góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho mỗi quốc gia.
Với Việt Nam, trong quá trình đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, cảng biển càng có vai trò quan trọng, là đầu mối giao thông hàng hải huyết mạch giữa nước ta với Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông và Châu Á, là đầu mối giao nhận, TT phân phối hàng hoá cho mọi hoạt động kinh tế xã hội của đất nước và là cửa ngõ để giao lưu kinh tế quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế biển của đất nước.
Cảng biển phát triển hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế… nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực cho quá trình tiếp thu công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc tế. Các hoạt động dịch vụ đi kèm (hoa tiêu, lai dắt, bảo dưỡng sửa chữa và tàu, cung ứng cho tàu, trung chuyển hàng hoá quốc tế…) hỗ trợ cho tàu và hàng hoá đi và đến cảng, tạo nguồn thu đảm bảo duy trì hoạt động và phát triển cảng, góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia và địa phương cảng phát triển.
Sự phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của cảng biển sẽ đáp ứng nhu cầu thương mại hàng hoá trong phạm vi khu vực cũng như trên toàn thế giới, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế, tăng cường vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Thực tiễn phát triển hoạt động logistics ở các nước trên thế giới cho thấy, logistics chỉ có thể phát triển trên nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cảng biển. Nói cách khác, cảng biển đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự phát triển của ngành logistics.
Với các quốc gia có cảng biển phát triển, đặc biệt tại địa phương có cảng, được xem như một lợi thế so sánh cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, công nghiệp khai thác, công nghiệp đóng tàu, cho phép tạo nhiều công ăn việc làm phục vụ kinh tế địa phương.
Sự phát triển của cảng biển giúp ngành logistics giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng lưu chuyển và dự trữ nguồn tài nguyên từ điểm đầu của dây chuyền cung ứng cho đến tay người tiêu dùng. Để cả quá trình này họat động một cách nhịp nhàng, hiệu quả thì ngoài khả năng tổ chức thực hiện của nhà cung cấp dịch vụ còn cần phải có một hệ thống cảng biển phù hợp để đáp ứng cho các họat động này. Với một cảng biển tốt sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí cho cả quá trình tổ chức thực hiện dịch vụ logistics. Ví dụ, nếu cảng biển được xây dựng ở vị trí thuận lợi (có thể kết nối trực tiếp với vận tải đường biển, đường sông, đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường ống) sẽ giúp giảm bớt chi phí về vận tải do có thể kết hợp tốt vận tải đa phương thức. Các thiết bị chuyên dùng hiện đại của cảng sẽ giúp rút ngắn thời gian xếp dỡ hàng, đồng nghĩa với việc giảm bớt chi phí lưu kho, lưu bãi, tồn trữ…Còn chủ tàu sẽ giảm bớt được chi phí neo đậu làm hàng. Hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử trực tuyến (EDI) sẽ giúp giảm bớt chi phí về thủ tục giấy tờ, giúp các nhà cung cấp dịch vụ logistics kiểm soát và quản lý được thông tin về hàng hóa mọi lúc mọi nơi …Riêng đối với cảng mở sẽ giúp giảm bớt các chi phí về thủ tục hải quan, thuế xuất nhập khẩu… Tất cả những yếu tố nói trên sẽ giúp ngành logistics giảm bớt chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Để lại một bình luận