Trong nền kinh tế thị trường, vốn có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Để hiện thực hoá các ý tưởng và kế hoạch kinh doanh, DN nhất thiết phải có một lượng vốn nhất định để hình thành nên những tài sản cần thiết phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Lượng vốn này được các DN sử dụng để mua sắm cho các nguyên liệu, vật liệu, đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, chi trả tiền công, tiền lương cho người lao động…Lượng vốn này được gọi là vốn kinh doanh của DN. Như vậy, vốn kinh doanh của DN là số vốn đầu tư ứng trước của DN để hình thành các tài sản cần thiết cho quá trình kinh doanh. Tại một thời điểm, vốn kinh doanh là biểu hiện bằng tiền toàn bộ tài sản mà DN quản lý, sử dụng trong quá trình kinh doanh. Theo đặc điểm luân chuyển, vốn kinh doanh được chia thành hai loại: vốn lưu động và vốn cố định, trong đó, vốn lưu động là biểu hiện bằng tiền của tài sản lưu động và vốn cố định là biểu hiện bằng tiền của tài sản cố định. Các nguồn tài trợ cho vốn kinh doanh hợp thành cơ cấu nguồn vốn của DN
Hiện nay, trong các công trình nghiên cứu khoa học vẫn còn có những quan điểm khác nhau về cơ cấu nguồn vốn của DN. Điểm khác nhau chính yếu của những quan điểm này đó chính là việc có coi nợ ngắn hạn là một bộ phận cấu thành của cơ cấu nguồn vốn của DN hay không.
Những quan điểm không coi nợ ngắn hạn là một bộ phận cấu thành của cơ cấu nguồn vốn bao gồm các nghiên cứu của những tác giả sau:
Theo tác giả Ing. Petr Jiricek Mgr. Zdenka Dostalova: “Cơ cấu nguồn vốn của DN có sự phân biệt với cấu trúc tài chính của DN. Điểm khác nhau chính yếu đó là cơ cấu nguồn vốn chỉ quan tâm đến nguồn vốn dài hạn, trong khi đó cấu trúc tài chính quan tâm đến cả nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn dài hạn.”
Theo tác giả Trần Thị Thanh Tú 2006 [6] : “Cơ cấu vốn là mối tương quan tỷ lệ giữa nợ dài hạn và vốn chủ sở hữu”
Những quan điểm không coi nợ ngắn hạn là một bộ phận cấu thành của cơ cấu nguồn vốn xuất phát từ cơ sở đó là nợ ngắn hạn là những khoản nợ mang tính chất ngắn hạn, tạm thời nên không có sự ảnh hưởng nhiều đến quyền quản lý và giám sát đối với hoạt động tài chính DN. Nợ ngắn hạn không chịu ảnh hưởng nhiều bởi các nhân tố bên trong và bên ngoài DN và chủ yếu được sử dụng để đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn lưu động cho DN. Hơn nữa, chi phí sử dụng nợ ngắn hạn thường thấp nên không đáp ứng mục tiêu của DN đối với việc thiết lập kế hoạch huy động vốn trong dài hạn.
Những quan điểm coi nợ ngắn hạn là một bộ phận của cơ cấu nguồn vốn bao gồm các nghiên cứu điển hình của những tác giả sau:
Theo tác giả Klayman (1994) [33]: “Cơ cấu nguồn vốn là sự kết hợp giữa vốn chủ sở hữu và nợ phải trả, trong đó nợ phải trả bao gồm các khoản nợ vay dài hạn, nợ hình thành từ phát hành trái phiếu, thuê tài chính, các khoản tín dụng thương mại và các khoản phải trả ngắn hạn khác”
Theo tác giả Eugene F.Brigham và Joel F.Houston 2010 [52]: “Cơ cấu nguồn vốn gồm nguồn vốn dài hạn và nguồn vốn ngắn hạn”.
Theo tác giả Stephen A.Ross, Randolph W.Westerfield, Bradford D.Jordan 2008 [45]: “Cơ cấu nguồn vốn là sự kết hợp giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu mà một DN sử dụng để tài trợ của các tài sản của DN. Cơ cấu nguồn vốn tối ưu đạt được khi tối đa hoá giá trị DN”
Theo tác giả Đoàn Hương Quỳnh 2010 [16]: “Cơ cấu nguồn vốn là tỷ trọng của các nguồn vốn trong tổng giá trị nguồn vốn mà DN huy động sử dụng vào hoạt động kinh doanh. Cơ cấu nguồn vốn được đánh giá thông qua hệ số nợ, hệ số vốn chủ sở hữu”
Những quan điểm coi nợ ngắn hạn là một bộ phận cấu thành của cơ cấu nguồn vốn của DN xuất phát từ lý do hiện hành tại Việt Nam khi nền kinh tế đang phát triển, các điều kiện về thị trường vốn đang dần hoàn thiện thì các khoản nợ ngắn hạn hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh của DN đặc biệt là các khoản nợ vay ngắn hạn thường xuyên (gọi tắt là nợ vay ngắn hạn) có tính chất ổn định tương tự nợ vay dài hạn. Đây là những khoản nợ vay được DN bổ sung thường xuyên hàng năm không những để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động thường xuyên mà còn để DN thanh toán cho các khoản nợ gốc và lãi vay của các khoản nợ vay dài hạn đã được thực hiện từ các giai đoạn trước. Bởi vậy mà những khoản nợ vay này có tính chất liên tục đối với hoạt động kinh doanh của DN tương tự nợ vay dài hạn.
Theo quan điểm của tác giả, trong nợ ngắn hạn của DN, tác giả chỉ coi nợ vay ngắn hạn là bộ phận cấu thành cơ cấu nguồn vốn của DN với lý do đây là nguồn vốn mang tính chất thường xuyên, ổn định đối với hoạt động của DN có đặc điểm tương tự như nợ vay dài hạn. Tuy nhiên, tác giả không coi nợ chiếm dụng là bộ phận cấu thành cơ cấu nguồn vốn của DN vì nợ chiếm dụng là một bộ phận phát sinh tự động trong quá trình sản xuất kinh doanh của DN và không được các DN huy động trên thị trường tài chính, DN không phải chịu chi phí sử dụng vốn đối với nguồn vốn này.
Như vậy, theo quan điểm của tác giả: “Cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp được hiểu là mối tương quan tỷ lệ giữa nợ vay ngắn hạn, nợ vay dài hạn và vốn chủ sở hữu mà doanh nghiệp huy động để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tối đa hoá giá trị doanh nghiệp”
Để lại một bình luận